Các doanh nghiệp Việt Nam đã tái xuất khẩu sang Hà Lan 8 container hạt điều có chứng từ gốc trong vụ container hạt điều xuất khẩu sang Italy. (Nguồn: VTC News) |
Vụ container hạt điều: 8 container đã được xuất sang Hà Lan
Thương vụ Việt Nam tại Italy cho biết, tính đến ngày 22/3, các doanh nghiệp Việt Nam đã tái xuất khẩu sang Hà Lan 8 container hạt điều có chứng từ gốc trong vụ container hạt điều xuất khẩu sang Italy, nghi bị lừa mới đây.
Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có các container bị mất chứng từ gốc trong vụ việc này, ngày 22/3, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã có chuyến công tác tại thành phố cảng La Spezia, miền Bắc Italy để đề nghị chính quyền Cảng, cảnh sát tài chính và các hãng tàu có đại diện tại La Spezia, hỗ trợ, phối hợp nhằm giúp giảm tổn thất của các doanh nghiệp Việt Nam xuống mức thấp nhất.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy, ông Nguyễn Đức Thanh thông tin: “Chính quyền cảng La Spezia cam kết cùng với cảnh sát tài chính của cảng sẽ giữ lại số container, mà các công ty Việt Nam mất kiểm soát bộ chứng từ, cập cảng này".
Thương vụ Việt Nam cũng làm việc với chính quyền cảng về khả năng hợp tác cảng biển, bởi cảng Genova là điểm trung chuyển của 30% lưu lượng container của toàn Italy, còn cảng La Spezia và cảng Carrara trung chuyển khoảng 20%.
Tổng cộng 2 cảng này chiếm tới 50% lượng container của Italy xuất-nhập khẩu với thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ cảng La Spezia có khoảng 500.000 container từ Italy xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng máy móc, thiết bị, hàng thực phẩm nông sản”.
Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết, trong số 36 container bị mất kiểm soát chứng từ, cảnh sát tài chính Italy đã ra quyết định giữ lại cảng 14-16 container, số liệu có thể thay đổi do các tàu đến chậm hoặc số container bị vênh hay 1 container mới được phát hiện là không bị mất bộ chứng từ và có thể bán cho khách hàng khác.
Còn lại 21 container nữa sẽ đến cảng La Spezia và cảng Genova, trong đó có 6 container sẽ đến cảng La Spezia vào ngày 26/3, 2 container cũng đến cảng này vào ngày 28 - 29/3.
Trong những ngày tới, Thương vụ Việt Nam tại Italy sẽ tiếp tục làm việc với các hãng tàu và các vấn đề liên quan đến tòa án để đòi lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tìm kiếm nhiều phương án nhằm giảm chi phí lưu kho bãi của doanh nghiệp, trong đó có phương án trao đổi với Liên hội doanh nghiệp Việt kiều châu Âu để các doanh nghiệp tại đây có thể hỗ trợ mua một lượng hàng nào đó.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng khuyến nghị các doanh nghiệp và Hiệp hội Điều Việt Nam cần làm việc tích cực với các cơ quan hữu quan tại Việt Nam để nhanh chóng có các phán quyết, giúp các doanh nghiệp Việt Nam sớm giải phóng hàng.
Gia hạn rà soát áp dụng chống bán phá giá màng nhựa BOPP nhập khẩu
Bộ Công Thương vừa quyết định gia hạn thời hạn rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm màng BOPP xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia thêm 3 tháng.
Trước đó, ngày 20/7/2020 của Bộ Công thương đã có quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen (màng nhựa Biaxially Oriented Polypropylene - BOPP) có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.
Hiện mức thuế chống bán phá giá đối với màng nhựa BOPP của Trung Quốc ở mức 9,05% - 23,71%, Thái Lan 17,30% - 20,35% và Malaysia 18,87% - 23,42%.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành Quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong vụ việc này với 7 doanh nghiệp được miễn trừ tổng lượng 193,467 tấn năm 2020 và năm 2021 có 6 doanh nghiệp được miễn trừ tổng lượng 952 tấn.
Đến ngày 24/9/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2201/QĐ-BCT về việc rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với màng nhựa BOPP được phân loại theo các mã HS: 3920.20.10 và 3920.20.91 có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia (vụ việc: AR01.AD07).
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, cân nhắc đầy đủ thông tin mà các bên liên quan đã cung cấp, căn cứ Điều 82 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, ngày 23/3/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 416/QĐ-BCT về việc gia hạn thời hạn rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia thêm 3 tháng.
Theo đó, thời hạn kết thúc rà soát cuối kỳ vụ việc là ngày 24/6/2022.
Doanh nghiệp xuất khẩu sắn kêu cứu vì bị dừng hoàn, truy thu thuế
Hiệp hội Sắn Việt Nam vừa có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ sau khi Tổng cục Thuế có Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng tinh bột sắn.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế địa phương xác minh các khách hàng nước ngoài dẫn đến việc dừng hoàn và truy thu tiền thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.
Ngành sắn đang phải đối diện với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tác động hơn 2 năm qua khiến số lượng hàng tồn kho rất lớn. (Nguồn: TTXVN) |
Theo Tổng cục Thuế, kết quả xác minh các doanh nghiệp, đối tác của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn tại Việt Nam do Cơ quan thuế Trung Quốc cung cấp cho thấy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không hoạt động, không nhập khẩu các sản phẩm từ sắn của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế địa phương dừng hoàn thuế và truy thu thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, việc xác minh các khách hàng nước ngoài hiện đang tồn tại nhiều bất cập. Pháp luật Việt Nam hiện hành đối với hoàn thuế giá trị gia tăng không có quy định nào về việc hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn thuế.
Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp ngành sắn cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối với các đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng.
Lãnh đạo Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, ngành sắn đang phải đối diện với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tác động hơn 2 năm qua khiến số lượng hàng tồn kho rất lớn, nhiều doanh nghiệp không còn tiền để mua nguyên liệu của nông dân, buộc phải dùng sản xuất.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh xuất khẩu quyết liệt với Thái Lan, Indonesia... nên có thể nói khó khăn chồng chất khó khăn. Nếu việc dừng hoàn thuế và truy thu thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo Công văn số 632/TCT-TTKT thì các doanh nghiệp xuất khẩu sắn đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ đạt 12,7-12,8 tỷ USD trong quý I/2022
Tiếp nối những tháng cuối năm 2021 tăng tốc, tình hình sản xuất kinh doanh trong 2 tháng đầu năm nay của các doanh nghiệp dệt may được cho là khả quan.
Báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG cho thấy doanh thu tháng 2 vừa qua của công ty tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 332 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng, doanh thu đạt xấp xỉ 847 tỷ đồng, tăng 45%.
Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2 với doanh thu đạt hơn 11,3 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của TCM chỉ bằng 89% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 571.762 USD.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu của TCM đạt hơn 28,6 triệu USD, tăng 14%. Tuy nhiên, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao dẫn đến biên lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận sau thuế ở mức 1,69 triệu USD, giảm 2% so với 2 tháng đầu năm 2021. Hiện công ty đã nhận đơn hàng đến quý III/2022.
Tổng công ty May 10 cũng cho biết tình hình thị trường tốt hơn các năm 2020, 2021. Hiện toàn bộ mặt hàng truyền thống của doanh nghiệp này đã kín đơn hàng đến hết tháng 6/2022.
Chia sẻ về kết quả xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết toàn ngành dệt may đã xuất khẩu được gần 8,2 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự kiến trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ đạt 12,7-12,8 tỷ USD, ông Giang nói.