Thanh long Việt Nam tại các siêu thị của Australia. (Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Australia) |
Thanh long Việt được giá tại thị trường Australia
Trong tuần này, 14 tấn thanh long nhãn hiệu Rồng Đỏ được Công ty 4wayfresh nhập khẩu đã cập bến và đưa ra thị trường 2 bang Tây Australia và Nam Australia. Trong khi đó, Công ty Hoa Australia cũng vừa đưa ra thị trường Melbourne và các thành phố khác 14 tấn thanh long ruột trắng và ruột đỏ. Chuyến hàng 14 tấn tiếp theo của Công ty Hoa Australia sẽ tiếp tục cập bến ngay trong tuần tới và sẽ liên tục được đưa sang Australia.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng cho biết, hiện tại nhiều siêu thị của Australia đang bán thanh long Việt Nam, trong đó có các siêu thị Thaikee tại trung tâm Sydney; Siêu thị Đại Phát tại Melbourne; Siêu thị MCQ tại Perth cùng nhiều siêu thị tại Nam Australia. Thanh long cũng được bán nhiều tại các cửa hàng khu vực Cabramatta, nơi có nhiều người Việt sinh sống.
Giá bán thanh long tại Australia lên đến 200 nghìn đồng/kg. Được biết, xuất khẩu thanh long sang nước này tăng trưởng hơn 14% so với năm 2020, bất chấp khó khăn về vận chuyển giữa hai nước do đại dịch Covid-19 gây ra.
Hiện nay, Bình Thuận, Tiền Giang, Long An là 3 tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước. Riêng Bình Thuận có 33.500 ha trồng thanh long với sản lượng gần 695.000 tấn/năm. Long An với diện tích 11.800 ha, cho sản lượng 316.000 tấn/năm. Tỉnh Tiền Giang có 9.600 ha thanh long, sản lượng hơn 241.000 tấn/năm.
Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, sản lượng thanh long thu hoạch trong tháng 1/2022 của tỉnh khoảng 80.000 tấn; tháng 2/2022 khoảng 35.000 tấn; tháng 3/2022 khoảng 236.700 tấn (bằng 30% sản lượng cả năm).
Sản lượng lớn này lại đang là áp lực tiêu thụ cho người trồng khi gần 80% đầu ra thanh long phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhưng các cửa khẩu phía Bắc hiện đang bị ách tắc, tạm ngừng thông quan, còn tiêu thụ trong nước là không kịp.
Điện thoại Made in Vietnam đạt giá trị xuất khẩu gần 58 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2021, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD, tăng 23%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 9,69 tỷ USD, tăng 10,3%; sang EU (27 nước) đạt 7,89 tỷ USD, giảm 9,1%... so với năm trước.
Trong khi đó, nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện xuất khẩu đạt 50,83 tỷ USD trong năm 2021, tăng 14% so với năm 2020.
Ngoài linh kiện điện thoại và các sản phẩm máy vi tính, Việt Nam có 6 nhóm mặt hàng khác đạt giá trị xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (38,34 tỷ USD); hàng dệt may (32,35 tỷ USD); giày dép các loại (17,75 tỷ USD); Gỗ và sản phẩm gỗ (14,81 tỷ USD); sắt thép các loại (11,8 tỷ USD); phương tiện vận tải, phụ tùng (10,62 tỷ USD).
Xuất khẩu điện thoại và các loại linh kiện tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu các nhóm hàng. Nếu như năm 2010, xuất khẩu điện thoại và linh kiện mới chỉ đạt 2,3 tỷ USD thì 5 năm sau đó đã tăng thêm 13 lần, đạt 30,2 tỷ USD và liên tục tăng trưởng. Tính đến nay kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này đã tăng 25 lần so với năm 2010.
Trong năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19%, tương ứng tăng 53,68 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 1/2022 đạt gần 12,96 tỷ USD, giảm 30,6% (tương ứng giảm 5,72 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 12/2021.
Trị giá xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 1/2022 giảm so với nửa cuối tháng 12/2021 ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,21 tỷ USD, tương ứng giảm 43,5%; điện thoại các loại & linh kiện giảm 1,2 tỷ USD, tương ứng giảm 39,5%; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng khác giảm hơn 1 tỷ USD, tương ứng giảm 42,2%; hàng dệt may giảm 576 triệu USD, tương ứng giảm 28,5%...
Xuất khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh vào Mỹ tăng mạnh
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng tốt trong khi các đối thủ khác như Thái Lan, Indonesia và Ecuador giảm. Cá ngừ Việt Nam hiện chiếm 15% thị phần tại Mỹ.
Ở chiều ngược lại Mỹ là thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn nhất của Việt Nam, với hơn 44% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Năm qua, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ không ổn định, tăng giảm thất thường so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do tác động của dịch Covid-19 ở cả Việt Nam và Mỹ. Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong năm 2021 ước đạt khoảng 330 triệu USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện xuất khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh của Việt Nam sang Mỹ tăng 47%, trong khi xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp giảm 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu cá ngừ đông lạnh và chế biến đóng hộp hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay Mỹ đã mở cửa, nhu cầu tiêu thụ tăng đáng kể. Tuy nhiên, do lượng tồn kho cao đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu nhóm sản phẩm cá ngừ đóng hộp tại các thị trường trong năm nay. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển đường biển, giá thép hộp, giá dầu thực vật tăng cao cũng đang làm cho nhu cầu nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp giảm.
Nhập siêu quay lại tháng đầu năm
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan ngày 21/1 cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu năm 2022 đạt 27,55 tỉ USD, giảm 20,7% (tương ứng giảm 7,21 tỉ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 12/2021.
Trong 15 ngày đầu năm mới, nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng giảm mạnh so với 15 ngày cuối năm 2021. (Nguồn: VnEconomy) |
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2021, xuất nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 1 năm nay tăng hơn 5% tương ứng tăng 1,33 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu giảm nhẹ 0,1%, tương ứng giảm 16,6 triệu USD; nhập khẩu tăng 10,2%, tương ứng tăng 1,35 tỉ USD.
Với số liệu trên, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 18,74 tỉ USD, giảm 19,5% (tương ứng giảm 4,55 tỉ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là gần 8,82 tỉ USD, giảm 23,2% (tương ứng giảm 2,66 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Về xuất khẩu, trong 15 ngày đầu năm mới, nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng giảm mạnh so với 15 ngày cuối năm 2021. Cụ thể, nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,21 tỉ USD, tương ứng giảm 43,5%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,2 tỉ USD, tương ứng giảm 39,5%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác giảm hơn 1 tỉ USD, tương ứng giảm 42,2%; hàng dệt may giảm 576 triệu USD, tương ứng giảm 28,5%...
Số liệu cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng đầu năm giảm mạnh gần 30% (khoảng 3,8 tỉ USD) đạt 9,13 tỉ USD, chiếm 70,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, giảm chủ yếu ở một số nhóm hàng dược phẩm giảm 249 triệu USD, tương ứng giảm gần 69%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 178 triệu USD, tương ứng giảm hơn 16%; dầu thô giảm 162 triệu USD, tương ứng giảm 51,5%...
Xuất khẩu sợi cán mốc kỷ lục 5,5 tỷ USD
Ngành sợi có một năm thắng lớn khi được lợi từ giá sợi tăng, đơn hàng nhiều. Lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 5,5 tỷ USD, tăng 13% về lượng, nhưng tăng tới 50% về trị giá.
Sau 2 năm 2019-2020 chịu tác động mạnh của thị trường, giá sợi sụt giảm, cầu thấp do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và năm đầu đại dịch Covid-19, năm 2021, ngành sợi đã thắng lớn nhờ giá sợi hồi phục mạnh, xuất khẩu lần đầu tiên cán đích 5,5 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay.
Năm 2021, giá sợi xuất khẩu đã tăng khoảng 25% so với năm 2020, trong đó sợi cotton có mức tăng mạnh nhất, tiếp đến là sợi poly-visco, sợi poly và sợi pha poly-cotton… Được hưởng lợi từ việc giá sợi tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã về đích vượt xa chỉ tiêu đưa ra hồi đầu năm.
Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) sở hữu 2 nhà máy kéo sợi, 1 nhà máy 3 vạn cọc kéo 100% sợi cotton và 1 nhà máy 3 vạn cọc chuyên làm sợi TC và CVC. Trong năm 2021, dù đại dịch bùng phát, nhưng các nhà máy này đều chạy tối đa công suất. Đơn hàng được chốt sớm, tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động nguyên liệu cho sản xuất.
Nhờ giá sợi tăng cao, kinh doanh thuận lợi, xuất khẩu không bị gián đoạn, kết thúc năm 2021, doanh thu bán sợi của Hanosimex ước đạt 897 tỷ đồng, bằng 146% so với kế hoạch (kế hoạch năm 2020 là 614 tỷ đồng), tăng 63% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 675 tỷ đồng (bằng 200,9% so với năm 2020). Lợi nhuận đạt 86,3 tỷ đồng (kế hoạch là 12 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ, Phó ban Sản xuất kinh doanh sợi thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, ngành sợi có nhiều lợi thế trong năm 2021, nhờ đó các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành đều về đích ấn tượng.
Kết thúc năm 2021, mảng sợi đã đóng góp trên 50% vào tổng lợi nhuận 1.200 tỷ đồng của Vinatex.