Dư địa cho hoa quả xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ còn rất lớn. (Nguồn: moit.gov.cn) |
Nông sản Việt chinh phục thị trường "siêu khó tính" Mỹ
Những tín hiệu tích cực trong XK nông sản sang thị trường “siêu khó tính" Mỹ đã mở ra cơ hội tăng tốc XK ở thị trường này trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, các mặt hàng nông sản XK sang Mỹ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các nông sản tươi.
Đến nay, Mỹ đã cấp phép nhập khẩu 6 loại quả tươi từ Việt Nam, gồm: xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được XK sang Mỹ nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.
Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp, bà Jolie Nguyễn - đại diện Công ty dịch vụ Lương Nguyễn - cho hay, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật đầy đủ, nhất là thị trường, định vị mình và đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường.
Ngoài ra, để bảo quản trái cây, doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình khu vực sơ chế tập trung và cần phải được bảo quản lạnh ngay từ đầu để giữ được giá trị, chất lượng của sản phẩm ngay từ đầu và suốt quá trình vận chuyển.
Ông Marc Evans Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhận định, đồ gỗ nội thất và mặt hàng thủy sản sản xuất tại Việt Nam đang rất được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng, tin tưởng. Riêng đối với nhóm hàng trái cây và các thực phẩm nông sản khác, hiện các doanh nghiệp XK của Việt Nam mới khai thác được thị trường người gốc Á - dù tỉ lệ người gốc Á ở Mỹ hiện vẫn chưa cao.
Trong khi đó, thị trường người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Latin vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác nhiều.
Rõ ràng, dư địa XK sang thị trường Mỹ là rất lớn. Và hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp tìm cách mở rộng thị phần sang thị trường này.
Ông Lâm Thành Kiệt - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trịnh Văn Phú - cho biết, sản phẩm gạo dinh dưỡng của doanh nghiệp này đã vào được thị trường Áo và Pháp. Trong tháng 3 và 4/2022, doanh nghiệp này cũng đã ký hợp đồng với đối tác ở thị trường Hà Lan và đang đàm phán với đối tác muốn độc quyền đưa gạo hữu cơ vào thị trường Mỹ.
Giữa tháng 4/2022, 16 tấn hàng nông sản, thực phẩm, gồm nước mắm, cà phê hòa tan, đồ uống cao cấp… vừa được Công ty cổ phần Pacific Foods XK sang thị trường Mỹ. Theo doanh nghiệp này, lô hàng XK được sản xuất thông qua chuỗi giá trị với quy trình lựa chọn nguyên liệu, sản xuất và thu hoạch được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến tay người tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu Mỹ. Theo kế hoạch, trong tháng 4/2022 này, Pacific Foods tiếp tục xuất lô hàng 28 tấn gồm các sản phẩm nông sản, gia vị chủ lực đến Mỹ, trong đó có gạo Phúc Lộc và nước chấm thơm Youmi.
Bên cạnh nỗ lực từ các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, vai trò của các đại sứ, tham tán thương mại tại các nước là hết sức quan trọng. Việc đưa các thông tin thị trường, đặc biệt là các thông tin về nhu cầu, thị hiếu, cảnh báo về thị trường điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tránh rủi ro, thua thiệt, mà còn tìm thấy được cơ hội XK từ những nguy nan.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thông qua kênh thương mại điện tử như tổ chức các phiên chợ online, tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba,... để thúc đẩy xuất khẩu.
Xuất khẩu tôm sang EU tận hưởng lợi thế từ EVFTA
Tôm sú Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn tại thị trường EU nhờ các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, sản phẩm tươi ngon, số lượng sản phẩm đạt chứng nhận ASC ngày càng nhiều, gia tăng XK.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý đầu năm nay, XK tôm chân trắng sang EU tăng 59% trong khi XK tôm sú tăng 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, XK tôm sú sống, tươi, đông lạnh tăng 117%. Các thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất trong khối EU lần lượt là Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, Pháp.
Các doanh nghiệp XK tôm sú lớn nhất sang thị trường EU, như: Công ty CP Camimex, Công ty Minh Phú, Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Năm Căn; Công ty TNHH MTV Chế biến Thủy hải sản XNK Thiên Phú; Công ty CP Chế biến Thủy sản XNK Minh Cường…
Theo phân tích của bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, các sản phẩm tôm sú chủ yếu XK sang EU gồm tôm sú nguyên con tươi đông lạnh, tôm sú PD tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu EZP tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu HLSO EZP tươi đông lạnh, tôm sú IQF tươi đông lạnh, tôm sú PDTO hấp chín IQF, tôm sú HOSO tươi đông lạnh, tôm sú CPTO hấp đông lạnh…
Là nguồn cung tôm sú lớn thứ hai cho thị trường EU, tôm sú Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn cả nhờ các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, sản phẩm tươi ngon, số lượng sản phẩm đạt chứng nhận ASC ngày càng nhiều.
Nhu cầu tôm nói chung và tôm sú nói riêng tại EU dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới và các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường châu Âu sẽ chuẩn bị các đơn hàng từ thời điểm này. Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu tôm sang thị trường EU.
Doanh nghiệp xuất khẩu “mất điểm” vì giao hàng trễ
Quý II/2022, các doanh nghiệp xuất khẩu đang bước vào cao điểm sản xuất và giao hàng cho các khách hàng. Tuy nhiên, tình trạng tăng giá cước vận tải và thời gian giao hàng trễ khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV cho biết, trong khi giá cước vận tải nội địa đã chững lại và ổn định thì giá cước vận tải biển quốc tế vẫn là vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp. Cụ thể, tình trạng thiếu container rỗng vẫn diễn ra ở tất cả các thị trường.
Do đó, các đơn vị xuất khẩu thường xuyên phải tranh nhau để đặt tàu, đặt container. Không chỉ giá tăng cao, mà thời gian vận chuyển lâu hơn, đặt được tàu rồi vẫn thường xuyên bị dời lịch. Điều này không chỉ khiến sản phẩm bị hư hại do để lâu ngày, mà còn khiến doanh nghiệp “mất điểm” với khách hàng vì không giao hàng đúng hẹn.
Lý giải điều này, ông Thành cho rằng, nguyên nhân gia tăng cước vận tải biển xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu do dịch Covid-19 khiến công suất vận hành một số cảng biển lớn giảm sút, thời gian quay đầu của tàu lâu hơn bình thường. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu cơ. Họ đặt container rỗng về rồi bán qua bán lại cho các đơn vị khác. Qua mỗi một đơn vị, giá container lại bị đẩy cao lên một chút.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay xuất khẩu thủy sản chủ yếu qua đường biển, chủ yếu từ cảng Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay số lượng tàu, container lạnh tại 2 khu vực này thường xuyên không đáp ứng được nhu cầu, nên có doanh nghiệp bị trễ hạn xuất khẩu cho đối tác.
Dự báo về tình hình logistics trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, vấn đề về giá cước vận tải sẽ không được cải thiện khi hiện tượng kẹt cảng tại các khu vực quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu vẫn tiếp diễn và có xu hướng kéo dài. Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “Zero Covid”, do vậy các cảng lớn vẫn có thể bị phong tỏa bất cứ lúc nào. Điều này làm cho cước vận chuyển quốc tế tiếp tục bất ổn đến hết năm 2023.
Trước tình trạng trên, vị này khuyến cáo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chủ động thỏa thuận với các hãng vận chuyển cho phép áp dụng chính sách “swap container” - có nghĩa là khi nhập khẩu một lượng nguyên liệu về, doanh nghiệp thỏa thuận với hãng tàu giữ lại số container rỗng để chuyển hàng xuất khẩu và ngược lại. Việc này giúp việc xuất - nhập khẩu không bị gián đoạn do phải chờ container rỗng và đặt chỗ trên tàu, nhờ đó giảm được chi phí và thời gian vận chuyển.
Các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm các đại lý hãng tàu cấp 1, có uy tín trên thị trường để hạn chế tình trạng đặt chỗ qua tay nhiều đại lý dẫn đến giá cước vận chuyển và phụ phí bị đẩy lên cao so với giá công bố của hãng tàu. Đồng thời, phải nắm rõ và kiểm soát được cấu trúc chi phí vận chuyển theo từng tuyến, theo từng đơn vị hàng hóa để có lựa chọn tối ưu cho việc vận chuyển.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng nhờ thương mại điện tử
Với doanh thu TMĐT kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, nhất là với hàng Việt.
Do vậy, việc chuyển từ hình thức mua bán truyền thống sang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, TMĐT không còn là sự lựa chọn, mà là xu thế tất yếu. Đối với TMĐT qua biên giới, khi có chính sách quản lý về hải quan riêng, phù hợp sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển đó.
Khi Nghị định được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử. (Nguồn: Báo Công an Nhân dân) |
Để thay đổi và hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển TMĐT, thực hiện cam kết quốc tế, đơn giản thủ tục hải quan và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, thời gian qua Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT.
Dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định, hiện đang trình Chính phủ để lấy ý kiến thành viên Chính phủ trước khi ban hành.
Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Nguyễn Bắc Hải, dự thảo Nghị định quy định các vấn đề trọng tâm như quy định cụ thể đối tượng điều chỉnh là các sàn giao dịch, website TMĐT bán hàng (bao gồm cả các sàn giao dịch, website TMĐT bán hàng ở nước ngoài), các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa giao dịch qua TMĐT.
Khi Nghị định đi vào thực tế sẽ tạo thuận lợi, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT phát triển. Người mua hàng (đối với hàng nhập khẩu) khuyến khích việc mua hàng vì được miễn thuế nhập khẩu, miễn quản lý chuyên ngành theo định mức quy định tại dự thảo Nghị định. Khi đã cung cấp thông tin đơn hàng đầy đủ, đúng quy định thì người khai hải quan được chấp nhận giá mua bán hàng hóa thực tế để làm cơ sở tính thuế.