📞

Xuất khẩu ngày 22-25/6: Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, tăng 6,5 lần; gỗ và sản phẩm gỗ sang Canada tăng 138%

Hoàng Nam 06:22 | 25/06/2021
Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, tăng 6,5 lần; gỗ và sản phẩm gỗ sang Canada tăng 138%; nhập gỗ nguyên liệu từ châu Âu tăng… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu (XK) ngày 22-25/6.
Xuất khẩu ngày 22-25/6: Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, tăng 6,5 lần. (Nguồn: DT)

Canada tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Canada trong tháng 5/2021 đạt 20,8 triệu USD, tăng 138,1% so với tháng 5/2020.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Canada đạt 104,3 triệu USD, tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng XK chính của Việt Nam tới thị trường Canada. Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK đồ nội thất bằng gỗ chiếm 89,4% tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada, đạt 74,76 triệu USD, tăng 60,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, gỗ và ván sàn XK tới thị trường Canada đạt 5,1 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2021, tăng 203,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là mặt hàng gỗ mỹ nghệ đạt 268 nghìn USD, tăng 472,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê Canada, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 847,84 triệu USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Canada tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và Việt Nam. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 326,1 triệu USD, tăng 73,9%; Việt Nam đạt 152,1 triệu USD, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Âu tăng mạnh

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn cho XK các mặt hàng nói chung và sản phẩm gỗ của Việt Nam nói riêng.

Không chỉ là đối tác lớn trong XK gỗ của Việt Nam, ở chiều ngược lại, châu Âu (EU) còn là nhà cung cấp nguyên liệu gỗ quan trọng cho Việt Nam.

Nguồn gỗ của EU có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, nên EU được đánh giá sẽ ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn về nguồn cung nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ, đồ gỗ nội thất.

Các doanh nghiệp Việt Nam được lợi từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ EU, nên lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường này ngày càng tăng do mức thuế suất bằng 0% theo Hiệp định EVFTA.

Về chủng loại gỗ nhập khẩu, tăng mạnh nhất là trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu 2 mặt hàng gỗ tròn và gỗ xẻ từ EU đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu ván bóc, lạng từ EU về Việt Nam cũng tăng mạnh. Trong đó, nhập khẩu gỗ tròn từ EU là 177,59 nghìn mét khối, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Chiếm tới 84% tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu từ EU trong 4 tháng đầu năm 2021 là gỗ tần bì, đạt 148,85 nghìn mét khối, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu gỗ phong tròn từ EU cũng tăng mạnh đến 947,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu gỗ xẻ từ EU cũng đạt trên 130 nghìn mét khối, tăng 76,2% so với cùng kỳ năm 2020. Gỗ thông vẫn là loài gỗ xẻ được nhập khẩu nhiều nhất từ EU về Việt Nam, đạt 49,26 nghìn mét khối, tăng 104,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng theo Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các thị trường chủ chốt thuộc EU đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thị trường Bỉ tăng 20,5%; thị trường Pháp tăng 45%; thị trường Đức tăng 17,5%; Phần Lan tăng 62,9%…

Các doanh nghiệp chế biến, XK đồ gỗ cho biết: Nhập khẩu gỗ từ EU về Việt Nam tăng do nhu cầu nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp đang khẩn trương hoàn thiện đơn hàng để kịp tiến độ giao theo hợp đồng đã ký kết năm 2021.

Ô tô Trung Quốc “đổ bộ” vào Việt Nam

Thị trường xe ngoại nhập tại Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của ô tô Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm, lượng xe nhập từ Trung Quốc cao gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Các hãng xe của nước này đang dần chuyển nhà máy sản xuất sang các nước Đông Nam Á để có thể tận dụng ưu đãi thuế quan, khiến cho giá của các loại ô tô trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam trong tháng 5 là 15,6 nghìn chiếc, tăng 4,8%. Tổng trị giá 374 triệu USD, tăng 20,5%.

Tính trong 5 tháng đầu năm, tổng lượng xe nguyên chiếc cả nước nhập về là hơn 65,7 nghìn chiếc, trị giá 1,5 tỷ USD - tăng 78% về lượng và 83,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt gần 43,5 nghìn chiếc, tăng 53%, tương ứng tăng hơn 15,1 nghìn chiếc; ô tô tải đạt 15,36 nghìn chiếc, gấp 2,2 lần, tương ứng tăng gần 8,5 nghìn chiếc.

Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong 5 tháng năm 2021 chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia, chiếm 80% tổng lượng nhập khẩu của cả nước. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan là 33,14 nghìn chiếc, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Indonesia là 18,34 nghìn chiếc, tăng 16,2%.

Đặc biệt, thị trường ô tô ngoại Việt Nam chứng kiến sự gia tăng vượt bậc của ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, đạt khoảng 9,4 nghìn chiếc so với 1,4 nghìn chiếc của cùng kỳ năm ngoái. Dòng xe chủ yếu được nhập khẩu là ô tô chuyên dụng - gần 5,6 nghìn chiếc và ô tô tải - 2,84 nghìn chiếc.

Có thể nói, sau hàng chục năm phát triển, xe ô tô của Trung Quốc đang dần thoát khỏi mác hàng nhái và kém chất lượng, trở thành thế lực mới tại châu Á và trên thế giới. Trung Quốc hiện giờ đang có một số thương hiệu xe lớn, đứng đầu phải kể đến Great Wall Motors, SAIC, BYD, Li Auto, Xpeng Motors, Byton,... Đây là những hãng sản xuất xe động cơ đốt trong và xe điện.

Trong vòng 3 - 5 năm trở lại đây, các nhà sản xuất xe đang nhắm đến thị trường Đông Nam Á sau hàng loạt thương vụ hợp tác mua bán sát nhập, đầu tư trực tiếp hoặc mua đứt cơ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, các hãng xe Trung Quốc cũng tích cực đầu tư sang Thái Lan, Indonesia.

Năm 2016, hãng xe nội địa Trung Quốc SAIC đã hợp tác với một doanh nghiệp Thái Lan để sản xuất xe ô tô với sản lượng lên đến 200.000 chiếc một năm. Mẫu xe MG của SAIC từ đó đã được nhập về Việt Nam mới mức giá chưa đến 800 triệu đồng, cạnh tranh trực tiếp với dòng Tucson và Mazda CX5.

Trên thực tế, xe nhập khẩu từ Trung Quốc đã liên tục đổ bộ vào thị trường Việt Nam với con số không ngừng gia tăng kể từ giai đoạn cuối năm 2020. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các mẫu xe du lịch, xe tải từ nền kinh tế đông dân nhất thế giới này.

Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 4/2021, XK thuỷ sản sang Trung Quốc giảm 11%, sang tháng 5 tiếp tục giảm sâu hơn, giảm 22%. Trong đó, XK giảm sâu ở tất cả các nhóm sản phẩm chính như: Tôm giảm 35%, cá biển khác (trừ cá ngừ) giảm 23%, cá tra giảm 5%.

Tính đến hết tháng 5, XK tôm sang Trung Quốc giảm 19%, đạt 137 triệu USD, chiếm 34% giá trị XK thuỷ sản sang thị trường này. Cá tra đã vượt tôm, chiếm 41%, đạt 165,5 triệu USD, tăng nhẹ 2%....

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường này giảm 6%, đạt 405 triệu USD.

Tác động của đại dịch Covid-19 và động thái của Trung Quốc đã tạo ra 2 xu hướng rõ nét trong XK thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này. Cụ thể, kim ngạch các sản phẩm tươi/đông lạnh giảm mạnh, XK hàng khô, hàng chế biến tăng.

Theo đó, XK tôm sú tươi/sống/đông lạnh giảm sâu 25% trong tháng 5/2021 và giảm 26% trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 46 triệu USD, trong khi tôm sú chế biến tăng 278%, đạt 1,4 triệu USD.

Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt hàng nhập khẩu, ngoài lý do liên quan đến Covid-19, VASEP nhận định còn có nguyên nhân nội tại do XK thuỷ sản của chính Trung Quốc cũng sụt giảm vì Covid-19 và vì chiến tranh thương mại với Mỹ - thị trường nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Do đó, Trung Quốc muốn người tiêu dùng, nhà chế biến thuỷ sản nước này tập trung tiêu thụ nguồn nguyên liệu trong nước.

(tổng hợp)