📞

Xuất khẩu ngày 23-26/2: Gạo xuất ngoại giảm 36%; khó khăn kết nối cung cầu; người Canada thích đồ gỗ Việt Nam

Hoàng Nam 08:35 | 26/02/2021
TGVN. Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm sụt giảm, ‘điểm nghẽn’ của xuất nhập khẩu Việt Nam 2021, Canada tăng mua đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 23-26/2.
Xuất khẩu ngày 23-26/2: Gạo xuất ngoại giảm 36%. (Nguồn: Vietnamplus)

Xuất khẩu gạo sụt giảm đáng kể

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1/2021 ước đạt 347.774 tấn, tương đương 191,88 triệu USD, giảm 36,4% về khối lượng và giảm 34,2% về kim ngạch so với tháng 12/2020; giảm 15,4% về lượng và giảm 2,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2020.

Trong tháng 2 trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán và đơn hàng đi chậm, các doanh nghiệp dự báo kim ngạch xuất khẩu gạo tiếp tục giảm.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, qua đàm phán, các đối tác nhập khẩu gạo đều có nhu cầu lớn. Tuy nhiên trong 2 tháng đầu năm, lượng xuất đi khá ít so với những năm trước; trong đó, khách hàng Malaysia duy trì mua đều theo tiến độ trong khi hai thị trường lớn là Philippines và Trung Quốc có xu hướng mua chậm hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, đầu năm chưa phải là cao điểm xuất nhập khẩu vì trước đó các khách hàng đã chủ động mua dự trữ cho kỳ nghỉ lễ dài. Hơn nữa, vụ Đông Xuân hiện chưa thu hoạch rộ nên sản lượng mua vào của doanh nghiệp chưa được nhiều. Cộng thêm giá lúa gạo trong nước tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức cao nên các doanh nghiệp thu mua và khách hàng nước ngoài đều có tâm lý chờ giá hạ nhiệt.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) nhận định, ngoài những lý do mùa vụ thì khó khăn trong vấn đề vận chuyển cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2021 sụt giảm. Việc thiếu hụt container rỗng diễn ra từ cuối năm 2020 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, giá cước vận chuyển tăng cao, gấp 3-4 lần so với trước khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu điêu đứng.

Theo ông Phạm Thái Bình, giá gạo cao tương ứng với chất lượng thì khách hàng sẵn sàng mua nhưng giá cước vận chuyển tăng quá cao sẽ khiến nhà nhập khẩu cân nhắc việc mua chậm hoặc tìm nhà cung ứng có vị trí địa lý và điều kiện vận chuyển thuận lợi hơn để cắt giảm chi phí.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Australia tăng nhanh

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Australia đang có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến thương mại thế giới.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hai chiều Việt Nam và Australia tăng 39,92% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt gần 873 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia tăng 62,08%, cao hơn rất nhiều so với các tháng trước, đạt gần 391 triệu USD.

Về cơ cấu sản phẩm, bên cạnh sự gia tăng ổn định của các mặt hàng như gỗ và các sản phẩm gỗ, đồ chơi, các sản phẩm nhựa, dây và cáp điện, dệt may và giày dép, nông sản và thủy hải sản của Việt Nam cũng đang từng bước trở thành những mặt hàng được ưa chuộng tại một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.

Tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Australia ghi nhận mức tăng 106,09% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nông sản tăng 37,16%.

Nhận định về tình hình xuất khẩu thời gian qua, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, nhờ sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và Australia, mối quan hệ đầu tư, thương mại của doanh nghiệp hai nước đã được cải thiện đáng kể.

Năm 2020, số lượng doanh nghiệp Australia tìm kiếm bạn hàng từ Việt Nam thông qua đầu mối là Thương vụ đã tăng vọt. Hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam, mong muốn có thể mở rộng thị trường, cũng như đa dạng hóa nguồn cung.

Trong năm 2020, số lượng sản phẩm hàng hóa tiêu dùng xuất xứ từ Việt Nam có mặt trên thị trường lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương ngày càng nhiều, đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2021, hàng hóa của Việt Nam lần đầu tiên không chỉ được bày bán và tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị đồ châu Á, mà còn xuất hiện phong phú cả trong hệ thống phân phối của hai chuỗi siêu thị lớn nhất Australia là Woolworth và Coles.

“Điểm nghẽn” của xuất nhập khẩu Việt Nam

Tính đến 15/2, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 38 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu trong gần 2 tháng qua cũng tăng khoảng 25%. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, gây tác động cả trước mắt và lâu dài đối với nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, đây là kết quả tương đối khả quan.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong gần 2 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu đang gặp một số khó khăn, "điểm nghẽn", gây ảnh hưởng tới kỳ vọng tăng trưởng.

Ông Hải giải thích: Trong năm 2020, nhất là trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chúng ta thấy có những đặc điểm tác động đến xuất nhập khẩu, trước hết đó là việc thiếu hụt về nguồn cung. Vào giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2020 thì khi chúng ta khôi phục và thích ứng được về nguồn cung thì khó khăn tiếp theo là về thị trường, tức là cầu.

Đến cuối năm 2020 các vấn đề đó chúng ta đều vượt qua được thì từ cuối năm 2020 đến nay, khó khăn lại nằm ở khâu giữa - chính là về logistics - là khâu kết nối giữa cung và cầu. Cụ thể, những vấn đề như chi phí container rỗng gia tăng hoặc thiếu hụt các chuyến tàu, đặc biệt là đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ đã làm cho chi phí vận chuyển tăng lên rất nhiều.

“Còn ngay ở trong nước thì tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở một số địa phương, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng đã có những tác động nhất định đến khâu vận chuyển, lưu thông và do vậy thì các hàng hóa để đưa ra cảng đi xuất khẩu cũng phần nào bị ảnh hưởng”, ông Hải nói.

Canada tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam

Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê Canada cho hay, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada trong tháng 12/2020 đạt 226,22 triệu USD, tăng 29,3% so với tháng 12/2019.

Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ tăng mạnh liên tiếp trong 4 tháng cuối năm 2020, tuy nhiên mức tăng chưa bù đắp được mức giảm mạnh trong tháng 4, 5 và 6/2020 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì vậy nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada trong năm 2020 chỉ đạt 2 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2019.

Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam là 3 thị trường cung cấp chính mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ cho Canada trong năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm 69,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada. Trong đó, Canada chỉ tăng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam trong năm 2020, đạt 327,38 triệu USD, tăng 16,3% so với năm 2019. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2019.

Trong cơ cấu đồ nội thất bằng gỗ Canada nhập khẩu trong năm 2020, mặt hàng ghế khung gỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 757,63 triệu USD, giảm 9,2% so với năm 2019. Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn nhập khẩu đạt 624,72 triệu USD, giảm 0,6% so với năm 2019.

Đáng chú ý, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục khởi sắc trong tháng 1/2021, bất chấp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1/2021 đạt 1,34 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 12/2020, tăng 59,2% so với tháng 1/2020. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,06 tỷ USD, tăng 1,6% so với tháng 12/2020, tăng 72,4% so với tháng 1/2020.

(tổng hợp)