Hiệp định RCEP lại mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là dệt may và nông thủy sản khi xuất khẩu đến một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng. (Nguồn: Báo Tin tức) |
Xây dựng các giải pháp thúc đẩy thương mại biên giới
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn về tình hình xuất nhập khẩu, thương mại biên giới trên địa bàn, ngày 25/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá cao những nỗ lực và thành công của tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa trong năm 2020 cũng như quý I/2021.
Bằng những cách làm hay và sáng tạo vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, tỉnh Lạng Sơn vẫn duy trì được hoạt động xuất nhập khẩu và có những kết quả khá thành công.
Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, thời gian tới, Lạng Sơn cần đẩy mạnh xây dựng các giải pháp thúc đẩy thương mại biên giới; quan tâm phát triển dịch vụ thương mại, đào tạo nguồn nhân lực logistics. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để cùng có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục nắm bắt những diễn biến mới trong hoạt động thương mại biên giới từ phía nước bạn, qua đó kịp thời thông tin đến các bộ, ngành trung ương, từ đó sẽ chủ động đề ra giải pháp cụ thể…
UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma. Đồng thời, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục quan tâm đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để bổ sung các mặt hàng nông sản thế mạnh trong nước để đa dạng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Bộ Công Thương xem xét cho phép nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá qua cửa khẩu Bình Nghi. Cùng với đó là tiếp tục trao đổi với các cơ quan ngang cấp phía Trung Quốc hoàn tất các thủ tục sớm phê chuẩn vận hành chính thức tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh – Pò Chài qua mốc 1088/2-1089 trở thành lối thông quan thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị quan.
Xuất khẩu dầu thô giảm gần 50%
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, xuất khẩu dầu thô của Việt Nam tính đến ngày 15/2 là 354.700 tấn, với trị giá đạt 153,8 triệu USD. Như vậy, sản lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh tới gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Cùng kỳ 2020, dầu thô xuất khẩu được 656.113 tấn, trị giá đạt hơn 324 triệu USD.
Đại diện Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) cho biết, giá dầu thô xuất bán của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trung bình tháng 2/2021 là 63,67 USD/thùng, tăng hơn 7,39 USD/thùng so với giá dầu tháng 1/2021 là 56,28 USD/thùng, ước tính cao hơn 18,7 USD/thùng so với giá dầu kế hoạch năm 2021 là 45 USD/thùng.
Tuy vậy, đại diện Vụ Dầu khí và than công nhận việc giảm sản lượng. Cụ thể, sản lượng khai thác dầu thô trong nước hai tháng đầu năm đạt 1,51 triệu tấn, tăng 112,6% so với kế hoạch là 1,34 triệu tấn, nhưng chỉ bằng 90% so với cùng kỳ năm 2020.
Quy tắc xuất xứ theo RCEP "dễ thở" hơn cho một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
Tại Hội nghị phổ biến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, RCEP có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhiều ngành hàng xuất của Việt Nam nhờ quy tắc xuất xứ "dễ thở" hơn so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, điển hình nhất là các mặt hàng dệt may, nông thủy sản.
Ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Tp. Hồ Chí Minh, Cục Xuất nhâp khẩu, Bộ Công Thương thông tin: Tất cả thành viên RCEP đều đã có FTA song phương hoặc đa phương với Việt Nam, do đó RCEP không có vai trò mở rộng thị trường xuất khẩu như một số FTA khác.
Tuy nhiên, Hiệp định RCEP lại mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là dệt may và nông thủy sản khi xuất khẩu đến một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Cụ thể, với hàng dệt may, các FTA trước đó giữa Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) đều yêu cầu quy tắc xuất xứ hai công đoạn, nghĩa là vải phải được sản xuất trong khu vực ASEAN hoặc Nhật Bản mới được ưu đãi thuế quan.
Còn với RCEP, Việt Nam có thể nhập vải bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản. Tương tự, với hàng thủy sản, các hiệp định trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, nhưng RCEP cho phép nhập khẩu con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.
Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 10 cho Pháp về gỗ nội thất
Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, Pháp nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong năm 2020 đạt 1,08 triệu tấn, trị giá 3,15 tỷ Eur (tương đương 3,75 tỷ USD), giảm 6,8% về lượng và giảm 6,9% về trị giá so với năm 2019.
Pháp luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong khối. Với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 10 cho Pháp, tỷ trọng chỉ chiếm 3,2% tổng lượng nhập khẩu, còn rất thấp so với nhu cầu nhập khẩu tại thị trường này.
Việt Nam là thị trường cung cấp ghế khung gỗ lớn thứ 5 cho Pháp sau Trung Quốc, Italy, Romania và Ba Lan. Tuy nhiên, lượng và trị giá nhập khẩu ghế khung gỗ từ Việt Nam đều giảm trong năm 2020.
Đáng chú ý, do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp tăng cao trong năm 2020, khiến sức mua của người tiêu dùng suy giảm nên nhu cầu đối với hàng hóa giá rẻ tăng mạnh. Đây là phân khúc Việt Nam có giá cả cạnh tranh nhờ các ưu đãi từ FTA giữa EU và Việt Nam (EVFTA). Cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất mặt hàng này nhanh chóng nghiên cứu, chuẩn bị chiến lược tiếp cận thị trường một cách hiệu quả.
Xuất khẩu hàng may mặc tăng 79,6%
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3/2021, xuất khẩu nhóm hàng dệt may đã tăng 565 triệu USD, tương ứng tăng 79,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tiến độ xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc) được đẩy nhanh so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, số lượng các lô hàng đạt giá trị cao như áo thun, quần, áo jacket đã tăng khá, số lượng các lô hàng đồ chống dịch ngày càng giảm.
Thị trường dệt may năm 2021 được đánh giá khả năng phục hồi tốt hơn hẳn so với năm 2020 do các thị trường đã có cách ứng xử và quản lý xã hội trong dịch bệnh với một cách tiếp cận mới. Cùng với đó là gói hỗ trợ rất lớn trên 1.900 tỷ USD của Mỹ hướng tới các hộ thu nhập thấp và trung bình làm tăng khả năng chi dùng cho các mặt hàng thiết yếu, trong đó có dệt may.
Do vậy, dự đoán trong quý II/2021, đơn hàng ngành may, sợi được đảm bảo, tiếp tục có hiệu quả khá, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai tốt công tác dự báo và thương lượng hợp đồng mới trong quý III, quý IV.
Đến 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD
Đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD; trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020.
Đó là một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề án cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 thu hút đầu tư mới 50-60 cơ cở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.