Tỉ lệ thành công của tôm Việt Nam đạt dưới 40%, thấp hơn so với Ecuador (90%) và Ấn Độ (60 - 70%). (Nguồn: Báo Công Thương) |
"Bắt bệnh" cho tôm Việt
Theo số liệu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 5/2023 đạt 331 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt khoảng 1,4 tỉ USD. Xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm sút từ tháng 8/2022 kéo dài cho tới nay.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Minh Phu Seafood Corp, ngành tôm đang phải đối mặt với các áp lực lớn của thị trường như suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm. Giá tôm giảm do dư cung, biên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của ngành tôm Việt Nam hiện nay đó là sức cạnh tranh. Ông Lê Văn Quang phân tích, so sánh giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ thì giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8 - 5,0 USD/kg) cao hơn 100% so với Ecuador (2,3 - 2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4 - 3,8 USD/kg).
Tỉ lệ thành công của tôm Việt Nam đạt dưới 40%, thấp hơn so với Ecuador (90%) và Ấn Độ (60 - 70%). Tỷ lệ sống của tôm Việt Nam trong nuôi thương phẩm đạt thấp do chưa chủ động chọn giống và sản xuất tôm giống có sức chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường.
Căn nguyên của tình trạng trên là do đặc điểm của nuôi tôm ở Việt Nam là nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, mỗi gia đình chỉ nuôi từ 1-3 ha và không có kênh cấp thoát nước riêng. Do vậy, nên tỷ lệ sống của tôm thấp. Chính việc nuôi tôm nhỏ lẻ cũng khiến đầu tư cơ sở hạ tầng, đường xá, giao thông cho vùng nuôi rất khó khăn.
“Tôm nuôi Việt Nam có mật độ lên tới 250 - 500 con/m2, Ấn Độ 60 con/m2 trong khi Ecuador chỉ 20 - 30 con/m2. Tôm nuôi Việt Nam có mật độ dày, cao hơn so với sức tải sinh thái và khả năng quản lý ao, dẫn tới rủi ro lớn. Giá các nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ nuôi tôm cao hơn thực tế khi đến tay người nuôi tôm”, ông Lê Văn Quang cho hay.
Một vấn đề nữa được các doanh nghiệp cho biết đó là tình trạng nuôi tôm có kháng sinh tiêu tốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Sự tiêu tốn này phát sinh trong chi phí lấy mẫu kiểm kháng sinh tại vùng nuôi, trong nhà máy, trước khi nhập cảnh, thời gian lưu bãi. Tất nhiên, các chi phí này cộng hết vào giá tôm. Chính tình trạng này khiến Nhật Bản kiểm tra 100% hàng từ Việt Nam trong khi Ấn Độ, Thái Lan không bị.
Ông Võ Văn Phục - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam đánh giá, cuộc khủng hoảng trên thế giới chưa biết bao giờ sẽ dừng lại. Do đó, thị trường tiêu thụ sẽ khó khăn, cộng thêm thách thức chiến lược về nguồn cung tôm giá rẻ, trong khi cung vượt cầu làm cho giá tôm thành phẩm xuống thấp, thậm chí còn thấp hơn giá nguyên liệu. Cho nên, người nuôi tôm bị thua lỗ và co lại, ảnh hưởng tới quy mô ngành tôm.
Việc giá thành tôm trong nước cao, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hướng tới sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Việc này đồng nghĩa sẽ khuyến khích đối thủ phát triển ngành nuôi tôm, đồng thời sẽ làm mai một ngành nuôi tôm trong nước và ảnh hưởng tới giá tôm trong nước.
“Cần một cuộc cách mạng giảm giá thành, tăng năng suất trong lĩnh vực nuôi tôm, trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp”, ông Võ Văn Phục nhận định và cho rằng, trong thời gian tới doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ để làm sao chúng ta có được sự đầu tư mạnh mẽ vào vùng nuôi. Đây là tiền đề để giải quyết được thách thức về mặt giá thành nguyên liệu. Đồng thời chứng minh cho người mua là các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, nghiêm túc, vùng nuôi có chứng nhận, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, Nhà nước có vai trò lớn để phát triển ngành tôm. Theo đó, cần quy hoạch cơ sở hạ tầng thuận lợi cho vùng nuôi, như đường xá, kênh thủy lợi, tích tụ ruộng đất, các cơ sở hạ tầng khác và có các chính sách hỗ trợ nông dân để tránh mai một nghề nuôi.
Hiện năng lực chế biến của Việt Nam thuộc Top đầu thế giới nhưng các đối thủ Ecuador, Ấn Độ cũng đang vận động, phấn đấu và có thể đuổi kịp Việt Nam. Trong khi Ấn Độ, Ecuador đã có nhiều thế mạnh về nuôi tôm, nếu họ phát triển tốt khâu chế biến thì chỉ 10 năm nữa, Việt Nam khó có thể cạnh tranh.
Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 618 tỷ USD năm 2030
Báo cáo nghiên cứu Tương lai của thương mại: Những cơ hội mới cho các hành lang tăng trưởng cao do Ngân hàng Standard Chartered công bố mới đây cho thấy, tổng kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 32.600 tỷ USD, với mức tăng trưởng 5%.
Đáng lưu ý, theo báo cáo này, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 5%.
Bà Michele Wee - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu.
So với báo cáo do Standard Chartered phát hành năm 2021, tổ chức này dự kiến xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 535 tỷ USD vào năm 2030, thì chỉ sau 2 năm, mức dự báo đã tăng thêm 83 tỷ USD.
Ở chiều nhập khẩu, Standard Chartered ước đoán, tới năm 2030, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm. Như vậy, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn tiếp tục thặng dư, nhưng chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp FDI.
Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ vẫn là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong những năm tới. Ba thị trường này đã nhập khẩu từ Việt Nam 171 tỷ USD trong năm 2022. Bên cạnh đó, thương mại với Ấn Độ, Singapore và Indonesia được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2030.
Với hoạt động thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, Việt Nam nổi lên là địa điểm sản xuất quan trọng, thu hút vốn FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU. Các lĩnh vực máy móc và thiết bị điện, dệt may, điện tử… sẽ tiếp tục đóng góp lớn vào hoạt động xuất khẩu.
Theo bà Michele Wee, nhu cầu ngày một gia tăng của thế giới đối với các sản phẩm điện tử, hoạt động đầu tư và các sáng kiến về phát triển bền vững sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Nghiên cứu của Standard Chartered mở ra những kỳ vọng cho xuất khẩu hàng hoá nước ta thời gian tới, nhất là trong bối cảnh xuất nhập khẩu trong gần nửa đầu năm 2023 đã và đang gặp phải nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2023 đạt hơn 287,9 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 148,87 tỷ USD, giảm 12% và nhập khẩu đạt 139,07 tỷ USD, giảm 18,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 9,8 tỷ USD.
Những mặt hàng tỷ USD Việt Nam tại Hàn Quốc
Theo Tổng cục Hải quan, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, hoạt động trao đổi thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những tháng đầu năm cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy vậy, Hàn Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu hiện nay của Việt Nam.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 9,2 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,9 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện 1,3 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 1,1 tỷ USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 456 triệu USD…Cùng với đó là các mặt hàng thế mạnh như thủy sản đạt 293 triệu USD, rau quả 86 triệu USD, cà phê 86 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ 325 triệu USD, hàng dệt may 1,1 tỷ USD, giày dép 256 triệu USD...
Hàn Quốc thuộc nhóm 5 khách hàng đứng đầu trong tổng số 180 thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam, đồng thời nằm trong nhóm thị trường xuất khẩu hàng đầu của đồ gỗ nước ta.
Ở chiều ngược lại, trong 5 tháng, nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập siêu từ thị trường này giảm 38,3%, tương ứng 10,8 tỷ USD.
Dệt may là một trong những nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc. (Nguồn: Báo Tiền Phong) |
Nhiều năm qua, Hàn Quốc là thị trường cung cấp máy móc thiết bị và nhiều nguyên liệu đầu vào cho các ngành xuất khẩu, như điện thoại, máy tính, hàng dệt may, sắt thép...chủ yếu để phục vụ các doanh nghiệp FDI 100% vốn Hàn Quốc tại Việt Nam,
Trong 5 tháng, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 2,3 tỷ USD, xăng dầu từ Hàn Quốc đạt 1,3 tỷ USD, chất dẻo nguyên liệu 773 triệu USD, vải các loại 638 triệu USD...
Hàn Quốc là một trong số những quốc gia cung cấp bông lớn nhất cho Việt Nam, đứng thứ hai trong số các thị trường cung cấp vải lớn nhất cho Việt Nam.
Trong số các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, Hàn Quốc đứng thứ hai sau Trung Quốc, nhưng kim ngạch lại gấp rưỡi Nhật Bản (đứng thứ ba).
Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương của hai nước đạt 87 tỷ USD. Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Mỹ, Trung Quốc) và ngược lại.
Đến nay có khoảng 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam, thuộc nhiều lĩnh vực từ dịch vụ, du lịch tới công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu nhiều sản phẩm Made in Việt Nam. Sự có mặt của các tập đoàn lớn Hàn Quốc đang kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ giúp sản xuất của Việt Nam tăng hàm lượng giá trị gia tăng.