Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất khẩu ngày 25-27/12: Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bắc Giang đẩy mạnh xuất khẩu nông sản; ngành thủy sản 'thoát hiểm ngoạn mục'

Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bắc Giang đẩy mạnh xuất khẩu nông sản; xuất khẩu trực tuyến khởi sắc; xuất khẩu thủy sản 'thoát hiểm ngoạn mục'... là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 25-27/12.
Xuất khẩu ngày 25-27/12: Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bắc Giang đẩy mạnh xuất khẩu nông sản; ngành thủy sản 'thoát hiểm ngoạn mục'
Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bắc Giang thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bắc Giang đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Ngày 25/12, Đoàn công tác Bộ Ngoại giao do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn đã thăm, làm việc với Lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Giang.

Tại buổi làm việc, các đồng chí được bổ nhiệm Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2021 có mặt trong Đoàn đã trao đổi, cung cấp thông tin hỗ trợ Bắc Giang trong thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế với các địa bàn mình phụ trách...

Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh đi thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư - thương mại tại các địa bàn; hỗ trợ xác minh thông tin liên quan đến hoạt động kinh tế nước ngoài cũng như hỗ trợ tỉnh trong xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bắc Giang đã nỗ lực vượt qua dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội rất đáng tự hào.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao nói chung, các đơn vị của Bộ nói riêng, cũng như các Đại sứ đi theo đoàn đã lắng nghe những tiềm năng thế mạnh của tỉnh, sẽ phối hợp với tỉnh trong đẩy mạnh công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa và thông tin đối ngoại, công tác tôn vinh di sản văn hóa...

Xuất khẩu trực tuyến khởi sắc

Dù chưa có số liệu cụ thể nhưng Việt Nam được dự đoán là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) ở mức 2 con số trong năm 2021. Đặc biệt, TMĐT xuyên biên giới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của không ít DN khi các phương thức xuất khẩu truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, TMĐT xuyên biên giới năm nay tăng trưởng đến 25,7% so với năm ngoái. Còn báo cáo của Amazon Global Selling thì ghi nhận trong một năm qua (từ ngày 1/9/2020 đến 31/8/2021), hàng ngàn DN vừa và nhỏ tại Việt Nam đã bán tổng cộng 7,2 triệu sản phẩm cho khách hàng thế giới, bình quân mỗi phút có 14 sản phẩm. Số lượng sản phẩm của DN nhỏ và vừa Việt Nam tiêu thụ trên Amazon tăng 34% so với năm ngoái.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, đánh giá TMĐT Việt Nam những năm gần đây đã có bước phát triển ấn tượng nhờ sự thay đổi trong tư duy của nhiều nhà bán hàng, nhà xuất khẩu. "DN từ chỗ ngại ngần chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng bán hàng trực tuyến. Đó là thay đổi lớn về mặt nhận thức, tư duy của DN Việt khi đưa sản phẩm ra thế giới" - ông Đặng Hoàng Hải nhận xét.

Thực tế, nhiều DN Việt đã khá thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế qua kênh xuất khẩu trực tuyến. Đại diện thương hiệu nón bảo hiểm Royal Helmet cho biết một trong những động lực chính khiến DN này quyết định xuất hàng qua nền tảng trực tuyến là bởi có thể dễ dàng tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng mà không cần tốn công xây dựng mạng lưới, giới thiệu sản phẩm… Điều này đem lại lợi ích kinh tế rất lớn.

Xuất khẩu thủy sản "thoát hiểm ngoạn mục"

Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cuối tuần qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ năm nay, ngành thủy sản có tới 4-5 tháng quan ngại về sản xuất, xuất khẩu.

Tin liên quan
Mở rộng thị trường và nâng cao thương hiệu cho cá basa Việt Nam tại Australia Mở rộng thị trường và nâng cao thương hiệu cho cá basa Việt Nam tại Australia

"Tại thời điểm đến hết tháng 10/2021, toàn ngành chỉ đưa ra dự báo xuất khẩu cả năm đạt khoảng 8,4-8,6 tỷ USD. Tuy nhiên, giai đoạn các tháng cuối năm tình hình khởi sắc rõ rệt. Đặc biệt, tính riêng trong tháng 12-2021, trị giá xuất khẩu thủy sản đã đạt tới 900 triệu USD. Có thể nói, năm nay ngành thủy sản đã thoát hiểm ngoạn mục" - ông Trần Đình Luân nói.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng nhận định, năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp với việc xuất hiện các biến chủng mới (sau biến chủng Delta là biến chủng Omicron). Việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm.

"Khó khăn, thách thức còn là yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, 'thẻ vàng' của EC chưa được tháo gỡ, cường lực khai thác ở mức cao trong khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm..." - ông Hùng nói và cho biết toàn ngành đặt ra chỉ tiêu tổng sản lượng thủy sản năm 2022 đạt khoảng 8,73 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9 tỉ USD.

Hải quan Trung Quốc đã cấp 1.045 mã sản phẩm cho hàng xuất khẩu Việt Nam

Theo ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ - Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), nhấn mạnh: Còn 5 ngày nữa (từ ngày 1/1/2022) là đến thời điểm Trung Quốc áp dụng Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu".

Hiện tại, số lượng mã sản phẩm được Hải quan Trung Quốc cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng nhanh. Tính đến ngày 24.12.2021, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 31.988 mã sản phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc, trong đó có 1.045 mã sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, mỗi sản phẩm xuất khẩu vào thị trường nước này được cấp một mã. Như vậy, một doanh nghiệp có thể được cấp nhiều mã sản phẩm.

Nhằm giúp doanh nghiệp kịp thời hoàn thiện các thủ tục, đáp ứng những quy định mới của Lệnh 248, Lệnh 249, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi văn bản hướng dẫn các cơ quan liên quan hai việc: Đổi mật khẩu và quản lý tài khoản để đăng nhập Hệ thống một cửa thương mại quốc tế của Trung Quốc; Thông báo và cập nhật trên website tại các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Với những doanh nghiệp chưa gửi hồ sơ đăng ký với cơ quan thẩm quyền để xuất khẩu sản phẩm thực phẩm sang Trung Quốc, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị tiếp tục hoàn thiện thủ tục với các cơ quan có thẩm quyền hoặc trên hệ thống bao gồm: website: http://cifer.singlewindow.cn/ hoặc Cổng thương mại quốc tế một cửa Trung Quốc là http://singlewindow.cn/.

Xuất khẩu hàng hóa qua cảng biển tăng 4%

Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong năm 2021 tăng 2% so với năm trước, trong đó hàng xuất khẩu tăng 4%.

Theo đó, ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 12 tháng năm 2021 là: 703 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020 trong đó: Hàng xuất khẩu đạt 184,4 triệu tấn, tăng 4% với cùng kỳ năm 2020; Hàng nhập khẩu đạt 214 triệu tấn, giảm 5% với cùng kỳ năm 2020; Hàng nội địa đạt 303 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020; Hàng quá cảnh bốc dỡ đạt 1,72 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu ngày 25-27/12: Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bắc Giang đẩy mạnh xuất khẩu nông sản; ngành thủy sản 'thoát hiểm ngoạn mục'
Ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 12 tháng năm 2021 là 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước. (Nguồn: Báo Công Thương)

Ước khối lượng hàng container thông qua cảng biển 12 tháng đầu năm 2021 là: 23,8 triệu Teus, tăng 6% so với năm 2020, trong đó: Hàng xuất khẩu ước đạt 7,85 triệu Teus, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020; Hàng nhập khẩu ước đạt 7,86 triệu Teus, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020; Hàng nội địa ước đạt 8,1 triệu Teus, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.

Liên quan tới vận tải hàng hóa nói chung, lũy kế 11 tháng năm 2021 ước đạt 1.471 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ. Luân chuyển hàng hóa ước đạt 300,7 tỷ tấn.km giảm 1,7% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng không (-5,9%), đường bộ (-9,4%), đường thủy (-5,3%), đường biển (+3,1%), đường sắt (+10,3%).

Năm 2022, dự kiến hoạt động vận tải sẽ tiếp tục ổn định, khối lượng hàng hóa (tấn) tăng khoảng 6%; khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt 750 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với năm 2021.

Để đảm bảo năng lực cạnh tranh trong vận tải hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong lưu thông hàng nội địa và xuất khẩu, ngành giao thông vận tải sẽ tập trung tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics.

Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bắc Giang thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bắc Giang thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Ngày 25/12, Đoàn công tác Bộ Ngoại giao do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn đã ...

Quảng bá nguồn hàng Việt Nam ở Australia trên nền tảng trực tuyến

Quảng bá nguồn hàng Việt Nam ở Australia trên nền tảng trực tuyến

Chuỗi triển lãm nguồn hàng Việt Nam trên nền tảng kỹ thuật số do Thương vụ Việt Nam tại Australia tổ chức từ ngày 10-31/12 ...

(tổng hợp)