📞

Xuất khẩu ngày 25-29/7: Nông sản 'ghi điểm' tại thị trường EU nhờ lực đẩy EVFTA; thương hiệu Việt được yêu thích trên Amazon

Vân Chi 13:00 | 29/07/2022
Một loạt hàng nông sản "ghi điểm" tại thị trường EU nhờ lực đẩy EVFTA; cán cân thương mại thâm hụt hơn 2 tỷ USD; doanh nghiệp gỗ thất thu tại nhiều thị trường lớn... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 25-29/7.

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng tích cực tại thị trường EU

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) sau 2 năm thực thi (từ ngày 1/8/2020) đã có sức lan tỏa mạnh mẽ tới hoạt động kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và các đối tác.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU tăng 15 % so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận mức xuất siêu của Việt Nam sang EU tăng gần 40%

Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU ghi nhận sự tăng trưởng tốt, khi kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trong Khối đạt mức tăng trưởng 2 con số…

Theo đánh giá, nông lâm thủy sản là các mặt hàng được hưởng ưu đãi lớn từ Hiệp định EVFTA đã ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó, càphê, thủy sản, tiêu, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đà phục hồi và tăng rất ấn tượng.

Đơn cử, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam (bao gồm càphê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè) sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Với kết quả này, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất nước ta, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính.

Đánh giá từ cơ quan chức năng cho thấy, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được các ngành tận dụng khá tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU. Trong 6 tháng năm, các ngành hàng có tỷ lệ sử dụng mẫu C/O EVFTA cao, gồm: gạo, thuỷ sản, rau quả, chè, giày dép, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc...

EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được các ngành tận dụng khá tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU. (Nguồn: Vietstock)

Bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin năm đầu tiên, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo Hiệp định EVFTA đạt 14,8% và tăng vọt lên mức 20,7% vào năm thực thi hiệp định này, trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tỷ lệ sử dụng C/O cao như thuỷ sản là 78,89%, rau quả 65,58%, gạo 100%, hàng dệt may 15,17%...

Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng C/O theo Hiệp định EVFTA đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta vào năm thứ hai đều tăng so với năm đầu thực thi. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã từng bước tận dụng hiệu quả các cam kết về thuế quan của Hiệp định EVFTA…

Có thể nói, với "chất xúc tác" từ EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng rất tích cực. Các chuyên gia kinh tế dự báo, trên đà tăng trưởng năm 2021, năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia. Các ngành sản xuất như nông sản, dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…. đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.

Sản phẩm gỗ sụt giảm tại nhiều thị trường lớn

Doanh nghiệp ngành gỗ sụt giảm mạnh doanh thu và đơn hàng tại nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Anh… Thông tin được đưa ra Hội nghị giao ban ngành gỗ quý III/2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các hiệp hội gỗ tổ chức chiều 28/7 tại Đồng Nai.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, đây là tháng thứ 2, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc.

Trong khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp ngành gỗ do các Hiệp hội và nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends vừa tiến hành trong 2 tuần vừa qua: Trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Hoa Kỳ có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%). Xu thế tương tự đối với thị trường EU.

Cụ thể, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này có tới 24 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%. Tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.

Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends, hiện doanh nghiệp đang chịu nhiều sức ép về vốn vay ngân hàng, chi phí lao động, nguyên liệu đầu vào. Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp làm gì trong bối cảnh này.

Báo cáo nghiên cứu cho thấy, 71,2% doanh nghiệp cho biết sẽ giảm quy mô sản xuất; 15,5% doanh nghiệp cho biết sẽ chuyển đổi mặt hàng sản xuất xuất khẩu; 9,6% doanh nghiệp cho biết sẽ chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu…

44,2% doanh nghiệp cho biết có thể cầm cự được từ 3-6 tháng, 23,1% doanh nghiệp cho biết sẽ cầm cự được trên 12 tháng, 19,2% có thể cầm cự dưới 3 tháng. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng như giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, giảm/chậm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất…

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, các con số này cho chúng ta thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm. Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác.

Cán cân thương mại thâm hụt hơn 2 tỷ USD

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2022 (từ ngày 01/7 đến ngày 15/7/2022) đạt 30,59 tỷ USD, giảm 8,3% (tương ứng giảm 2,77 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 6/2022.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 7/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/7/2022 đạt 403,11 tỷ USD, tăng 16,7%, tương ứng tăng 57,66 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 277,75 tỷ USD, tăng 16,5% (tương ứng tăng tới 39,32 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 125,35 tỷ USD, tăng 17,1% (tương ứng tăng 18,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trong kỳ 1 tháng 7 năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,01 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 955 triệu USD.

Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 7 năm 2022 đạt 14,29 tỷ USD, giảm 19,5% (tương ứng giảm 3,47 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 6/2022.

Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu giảm, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,41 tỷ USD (tương ứng giảm 45,9%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 682 triệu USD (tương ứng giảm 26,8%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 274 triệu USD (tương ứng giảm 13%); sắt thép các loại giảm 193 triệu USD (tương ứng giảm 44%)...

Như vậy, tính đến hết 15/7/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 201,08 tỷ USD, tăng 17,4% tương ứng tăng 29,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 4,83 tỷ USD (tương ứng tăng 26,2%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,8 tỷ USD (tương ứng tăng 18%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,98 tỷ USD (tương ứng tăng 15,7%); hàng dệt may tăng 3,38 tỷ USD (tương ứng tăng 19,9%)...

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng7/2022 đạt 10,17 tỷ USD, giảm 23,5%, tương ứng giảm 3,12 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 6/2022.

Tính đến hết ngày 15/7/2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 146,82 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng tăng 21,24 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2022 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 4,5% (tương ứng tăng 699 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 6/2022.

Một số nhóm hàng có trị giá nhập khẩu tăng là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 465 triệu USD (tương ứng tăng 13,8%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 164 triệu USD (tương ứng tăng 23,9%)...

Bên cạnh đó, có một số nhóm hàng giảm như: sắt thép các loại giảm 136 triệu USD (tương ứng giảm 20,6%); than các loại giảm 106 triệu USD (tương ứng giảm 20,5%); phế liệu sắt thép giảm 105 triệu USD (tương ứng giảm 68,1%)...

Như vậy, tính đến hết 15/7/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 202,03 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 27,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,48 tỷ USD (tương ứng tăng 28,7%); xăng dầu các loại tăng 3,1 tỷ USD (tương ứng tăng 131,8%); than các loại tăng 2,73 tỷ USD (tương ứng tăng 136,6%)...

Trong kỳ 1 tháng 7/2022, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt 10,57 tỷ USD, tăng 7,4% (tương ứng tăng 728 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 6/2022.

Tính đến hết ngày 15/7/2022, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 130,94 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 18,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 64,8% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam. (Nguồn: VNE)

Những nhóm hàng Việt tiềm năng xuất khẩu online trên Amazon

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ các ngành hàng như gia dụng, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, dụng cụ sửa nhà, đồ dùng tiện ích... từ các thương hiệu Việt được khách hàng quốc tế ưa chuộng trên Amazon.

Theo ông Gijae, doanh nghiệp Việt và những ai đang ấp ủ ý định khởi nghiệp kinh doanh online xuyên biên giới có thể khai thác những dữ liệu này, định hướng kinh doanh và có chiến lược phù hợp. Ông Gijae chỉ rõ, hiện những danh mục sau đây không chỉ có lượng bán ra tích cực ở hiện tại, mà dự kiến trong tương lai vẫn duy trì tăng trưởng ổn định vì đúng với thị hiếu người dùng.

Đầu tiên là đồ gia dụng, bao gồm các sản phẩm trang trí nhà, nhà bếp, dụng cụ nấu nướng... Thứ hai là may mặc. Kế tiếp là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và chăm sóc cá nhân như thực phẩm và thực phẩm chức năng. Cuối cùng là các công cụ dùng để sửa nhà và những tiện ích nhỏ khác.

Lợi thế của Việt Nam là các sản phẩm gia đình, thủ công, thân thiện với môi trường, có thiết kế độc đáo và khác biệt so với các nước khác. Hai trong số những doanh nghiệp thành công được người tiêu dùng quốc tế công nhận thông qua Amazon là gốm sứ Minh Long và thiệp 3D popup HMG.

Cả hai đơn vị này đều tập trung vào việc cải tiến thiết kế & gia công sản phẩm có độ tinh xảo cao, mang yếu tố độc đáo và đặc trưng sản phẩm Việt.

(tổng hợp)