Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Xuất khẩu quý I/2024 "khởi sắc"
Theo Bộ Công Thương, quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%); nhập khẩu ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 15,4%).
Trong quý I/2024, có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7%), nhiều hơn 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD).
Tại họp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024 của Bộ Công Thương vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân đạt tín hiệu khởi sắc của hoạt động xuất khẩu trong quý I/2024, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện tại, tình hình sản xuất, kinh doanh đang phát triển khá tốt nhờ đã góp phần vào sự phục hồi của tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng đã có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái.
Mặt khác, theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, sự khởi sắc của xuất khẩu hàng hoá phải kể tới hiệu quả từ các giải pháp của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt độn, như về giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, Việt Nam đã và đang tích cực thu hút đầu tư, cũng như đón các làn sóng dịch đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, thông tin về tình hình khai thác các thị trường có FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, hiện Việt Nam tham gia ký kết 16 FTA, cơ bản các thị trường FTA đều có hiệu quả rất tốt và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều nằm trong các FTA.
Ngoài ra, "hiện có một số khu vực, địa bàn chưa có FTA như Trung Đông, Nam Á, châu Phi. Vì vậy, Bộ Công Thương đang nỗ lực tìm kiềm khả năng để tiến tới ký kết FTA, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới"- ông Hải cho hay.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, ngoài 16 FTA Việt Nam tham gia, hiện có 3 FTA đang đàm phán đó là FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); Việt Nam tham gia khuôn khổ đàm phán FTA Asean và Canada; FTA Việt Nam với UAE hiện đang nỗ lực kết thúc đàm phán sớm. “Riêng FTA Việt Nam với UAE, đây là FTA đã được đàm phán nhanh, khi hai bên nhận thấy các tiềm năng hợp tác phát triển”- ông Hải nói.
Nêu rõ giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023, ông Trần Thanh Hải cho biết: Bộ Công Thương tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đã đề ra, trong đó sẽ mở rộng đàm phán các FTA, phổ biến các ưu đãi từ FTA. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, đơn giản hoá thủ tục xuất nhập khẩu nhằm giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hoá.
Nhấn mạnh về khai thác hiệu quả các thị trường FTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ thêm, ngoài việc tiếp tục mở rộng, nghiên cứu ký kết thêm các FTA, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế, Việt Nam cần tăng cường nâng cấp các FTA đã tham gia ký kết; tận dụng tốt hơn các ưu đãi các FTA, khai thác các thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng thị trường tiềm năng.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 15,4%); trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 55,3 tỷ USD, tăng 13,6%.
Trong quý I/2024 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó, có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 40,3%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch ước đạt 75,7 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 23,9 tỷ USD, tăng 23,6% so với quý I/2023; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,1%.
Tương tự, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng như: thép các loại tăng gần 32%; chất dẻo nguyên liệu tăng 8,5%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 9,1%; vải các loại tăng 2,7%.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu quý I/2024 giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 4,6 tỷ USD. Trong đó, tăng cao nhất là kim ngạch nhập khẩu hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 22,7% và rau quả tăng 21,2%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa quý I/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 14,6%); tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 4,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 27,1%); ASEAN đạt 11,07 tỷ USD, tăng 9,8% (cùng kỳ năm 2023 giảm 14,9%); Nhật Bản đạt 5,6 tỷ USD, tăng 6,8% (cùng kỳ năm 2023 giảm 9,6%); EU đạt 3,9 tỷ USD, tăng 17,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 14,6%); Hoa Kỳ đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,8% (cùng kỳ năm 2023 giảm 12,1%).
Các chuyên gia nhận định, nhờ xuất khẩu tiếp đà phục hồi từ cuối năm ngoái, đã kéo theo nhu cầu nhập nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp tăng mạnh trở lại. Đây là chỉ dấu tích cực cho hoạt động thương mại, tạo đà để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt 6% trong năm nay.
Tháng 3/2024, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 770 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023. (Nguồn: VASEP) |
Điểm tên 3 thị trường mua nhiều thủy sản nhất của Việt Nam trong quý I/2024
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 3/2024, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 770 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung, hết quý I/2024, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam trong quý I/2024. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ; trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 15%.
Riêng xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý I/2024 tăng 15%, xuất khẩu cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13 - 53%. Giá trung bình cá tra xuất khẩu sang Mỹ đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm, tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong tháng 3 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu giảm cá tra và các loại cá biển, trong khi đó xuất khẩu tôm sang thị trường này vẫn tăng trên 30%.
Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý I/2024, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với quý I/2023. Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Trong quý I, xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Không chỉ Trung Quốc, Mỹ tăng nhu cầu tôm, cua của Việt Nam, mà xuất khẩu 2 loài này sang Nhật Bản cũng có tín hiệu tích cực. Trong đó xuất khẩu tôm chân trắng sang Nhật tăng 20%, xuất khẩu cua tăng 23%.
Ngoài ra, cá tra Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Nhật, theo đó xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tăng 25% trong quý đầu năm nay. Nhật Bản cũng nhắm tới thị trường Việt Nam gia công chế biến các mặt hàng hải sản như cá hồi, cá nục, cá saba…
Gần đây, Nhật Bản tích cực tìm kiếm đối tác gia công chế biến sò điệp cho thị trường này, sau khi Trung Quốc – đối tác gia công sò điệp quan trọng của Nhật - đã cấm nhập khẩu hủy sản từ Nhật Bản.
Thị trường EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam, nhưng xuất khẩu cá ngừ sang những thị trường này đều tăng trưởng dương: sang EU tăng 27%, sang Hàn Quốc tăng 15%... Nhìn chung, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chủ lực đều khá tích cực: sang Mỹ - thị trường lớn nhất – tăng 30%, sang Nhật Bản tăng 9%... Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc vẫn tăng 16%, trong khi sang các thị trường chính khác như Mỹ giảm 3%, Nhật Bản giảm 21%...
Lô sầu riêng bị Trung Quốc "tuýt còi" là lời cảnh báo cho nhà sản xuất
Chiều 1/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức họp báo thường kỳ quý 1/2024. Trả lời báo chí về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo và yêu cầu điều tra nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật), cho hay ngay khi nhận được thông tin này, Cục đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan điều tra làm rõ nguyên nhân khiến sầu riêng nhiễm cadimi.
"Hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến hàm lượng kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có thể do nhiều nguyên nhân như do nguồn đất bị nhiễm cadimi hoặc do nguồn nước, khí thải từ nhà máy. Cũng có thể do sau thu hoạch, nguồn nước rửa sản phẩm nhiễm cadimi" - ông Hiếu nói.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết 30 lô hàng sầu riêng nhiễm cadimi vượt ngưỡng không phải phía Trung Quốc phát hiện cùng một lúc, mà đây là số liệu phía bạn tổng hợp từ tháng 5-2023.
"Số lượng lô hàng sầu riêng nhiễm cadimi chỉ chiếm 0,1% tổng số lô hàng được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vì vậy, thông báo của Trung Quốc chưa ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu, tuy nhiên cũng là thông tin cảnh báo những nhà sản xuất tại Việt Nam" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Hiếu, hiện các doanh nghiệp, địa phương đang truy xuất nguồn gốc, làm rõ nguyên nhân từng lô hàng để báo cáo về cục. Do đó đơn vị chưa thể xác định nguyên nhân chính xác để đưa ra khuyến cáo cụ thể về các biện pháp phòng tránh nguy cơ nhiễm cadimi trên sầu riêng.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo dựa trên những nguyên nhân có thể gây nên tình trạng này. Các đơn vị sản xuất cần điều chỉnh các biện pháp canh tác nhằm giảm sự hấp thụ cadimi như sử dụng phân chuồng ở giới hạn cho phép, kiểm tra nguồn đất, nguồn nước đang canh tác.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên kiểm tra nồng độ cadimi để tránh xuất khẩu các lô hàng không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu sau này" - đại diện Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo.
(tổng hợp)