Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất khẩu ngày 26-28/3: Xuất nhập khẩu của Việt Nam nửa đầu tháng 3 tăng ấn tượng; khai phá thị trường Thổ Nhĩ Kỳ

Cá tra Việt Nam đang hồi sinh mạnh mẽ ở nhiều thị trường lớn; thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ; tiềm năng đầu tư Việt Nam-Ấn Độ... là những thông tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 26-28/3.
Xuất khẩu ngày 26-28/3: Xuất nhập khẩu của Việt Nam nửa đầu tháng 3 tăng ấn tượng; khai phá thị trường Thổ Nhĩ Kỳ
Tính đến hết ngày 15/3, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 69,78 tỷ USD, tăng 12,2%, tương ứng tăng 7,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. (Nguồn: VnEconomy)

Nửa đầu tháng 3, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 30,55 tỷ USD

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3 (từ ngày 1-3 đến ngày 15/3/2022) đạt 30,55 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 3,44 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2022.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/3 đạt 140,05 tỷ USD, tăng 14,3%, tương ứng tăng 17,48 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng trị giá xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 97,45 tỷ USD, tăng 11,8% (tương ứng tăng tới 10,31 tỷ USD).

Trong kỳ 1 tháng 3/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 93 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 492 triệu USD.

Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3 đạt 15,32 tỷ USD, tăng 5,6% (tương ứng tăng 808 triệu USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 2-2022.

Như vậy, tính đến hết ngày 15/3, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 69,78 tỷ USD, tăng 12,2%, tương ứng tăng 7,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: Hàng dệt may tăng 1,26 tỷ USD, tương ứng tăng 21,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 776 triệu USD, tương ứng tăng 8,2%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 724 triệu USD, tương ứng tăng 10%... so với cùng kỳ năm 2021.

Cá tra Việt Nam đang hồi sinh mạnh mẽ ở nhiều thị trường lớn

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng giá trị xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm đạt 384,8 triệu USD, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới ba con số.

Cụ thể, tính tới hết tháng 2/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 94,57 triệu USD, tăng 119,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng 2 đạt gần 42 triệu USD, tăng 167%. Kết thúc tháng 2, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tin liên quan
Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam

Dự báo sự phục hồi và nhu cầu tiêu thụ mạnh của thị trường Mỹ vẫn tiếp tục trong nửa đầu năm nay. Giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng lên mức từ 30.000 - 32.000 đồng/kg thúc đẩy giá xuất khẩu trung bình tăng.

Khối CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gồm 11 nước): xuất khẩu cá tra sang khối này trong hai tháng đầu năm nay đạt 52,5 triệu USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sang Mexico đạt 18,3 triệu USD, tăng 23,3%; Canada đạt 9,6 triệu USD, tăng 81,5%; Australia đạt 6,8 triệu USD, tăng 19%; Malaysia đạt 5,6 triệu USD, tăng gần 165%.

Thị trường châu Âu (EU): Hai tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hà Lan đạt gần 10 triệu USD, tăng 78,3%; Đức đạt 3,4 triệu USD, tăng 98%; Bỉ đạt 2,8 triệu USD, tăng 64,3%; Tây Ban Nha đạt 2,7 triệu USD, tăng 53%.

Ngoài các thị trường chính trên, giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường tiềm năng khác như Brazil, Thái Lan, UAE, Anh cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.

Miền Bắc trồng đậu đỏ xuất khẩu qua Nhật

Một vài tỉnh miền Bắc đã và đang gieo vụ đậu đỏ đầu tiên trong cam kết hợp tác thu mua 20.000 tấn mỗi năm của doanh nghiệp Nhật.

Xuống giống đầu tiên là khu vực xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với 10 ha trồng thử nghiệm giống đậu đỏ Nhật Bản hôm 26/3. Đây là vùng trồng được triển khai bởi Mia Group, Tập đoàn Endo Seian của Nhật Bản, Công ty Real Estale Vietnam và Công ty Nông nghiệp Chiềng Sung.

Trước đó, theo ký kết cuối tháng 11/2021, Mia Group và Endo Seian thỏa thuận hợp tác cung ứng đậu đỏ trong 5 năm với tổng giá trị giao dịch gần 800 tỷ đồng. Dự kiến sản lượng năm đầu tiên gieo trồng là 2.000 tấn mỗi năm, các năm tiếp theo đạt 20.000 tấn.

Để có sản lượng này, bà Nguyễn Ngọc Huyền, Chủ tịch Mia Group cho hay đã đề ra tiến độ trồng thử tại tại Sơn La, Hà Giang và Nghệ An vào tháng 3. Đến tháng 4 sẽ mở rộng vùng trồng lên 1.000 ha. Riêng huyện Mai Sơn và Vân Hồ của Sơn La là 100 ha mỗi nơi. Diện tích các vùng trồng sẽ tiếp tục mở rộng trong hai năm tới. "Đầu tháng sau, chúng tôi sẽ giao trồng tại Hà Giang và Nghệ An", bà Huyền nói.

Endo Seian - một trong 3 công ty đậu đỏ lớn nhất Nhật Bản - cho biết nhu cầu sử dụng đậu đỏ của nước này khoảng 40 triệu tấn một năm. Ngành nông nghiệp nội địa chỉ tự cung cấp được một nửa sản lượng, còn lại phải nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Canada.

Riêng doanh nghiệp này đã có Công ty Endo Seian có hơn 70 năm kinh nghiệm chuyên nhập khẩu, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp thô và sản phẩm nông nghiệp chế biến, đặc biệt là hạt đậu đỏ và các sản phẩm chế biến từ đậu đỏ.

Nhiều tiềm năng đầu tư, xuất khẩu giữa hai thị trường Việt Nam - Ấn Độ

Thông tin về hoạt động thương mại Việt Nam - Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết: Việt Nam đang đứng thứ 23 trong danh sách thị trường đối tác của Ấn Độ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 11,3 tỷ USD.

Cụ thể, ông Bùi Trung Thướng cho biết, trong 4 năm liên tiếp (kể từ năm 2017-2018 đến năm 2020-2021), Việt Nam luôn đạt thặng dư trong thương mại đối với Ấn Độ. Tính trong khoảng thời gian 10 tháng của năm tài chính hiện tại (từ tháng 4/2021 đến tháng 1/2022), Việt Nam đang đứng thứ 23 trong danh sách thị trường đối tác của Ấn Độ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 11,3 tỷ USD.

Xuất khẩu ngày 26-28/3: Xuất nhập khẩu của Việt Nam nửa đầu tháng 3 tăng ấn tượng; khai phá thị trường Thổ Nhĩ Kỳ
Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu quả thanh long sang Ấn Độ. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Kỳ vọng đến hết năm tài chính 2021-2022, tổng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt mức 13 tỷ USD, cán cân thương mại cơ bản cân bằng và Việt Nam sẽ nằm trong tốp 20 đối tác lớn nhất của Ấn Độ. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Ấn Độ là sắt thép, bông, ngũ cốc, thịt, hải sản, nhôm, các sản phẩm điện tử.

Trong khi các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Ấn Độ bao gồm điện tử, hóa chất vô cơ, nhựa, đồng.

Thông tin về thị trường Ấn Độ tại Hội thảo với chủ đề "Tổng quan về ngoại thương của Ấn Độ trong 5 năm qua, các đối tác thương mại và mặt hàng xuất, nhập khẩu chính của Ấn Độ và cơ hội cho Việt Nam" do Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ tổ chức mới đây, ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) cho hay, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Ấn Độ mới chiếm 36% GDP và còn nhiều dư địa để mở rộng. Nước này có kế hoạch nâng tỷ lệ kim ngạch xuất, nhập khẩu trên GDP lên 60% và đang nỗ lực mở cửa thị trường.

Về triển vọng đầu tư tại Việt Nam, ông Atul Kumar Saxena cho biết, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin; viễn thông… Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu quả thanh long, các mặt hàng gia vị như quế, hồi, tiêu, thảo quả… tới Ấn Độ.

Đặc biệt, doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu trở lại thị trường Ấn Độ do nhu cầu về thực phẩm chế biến rất cao tại Ấn Độ.

Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như dược phẩm, dệt may, thực phẩm chế biến… Trong lĩnh vực dược phẩm, hiện có khoảng 150 doanh nghiệp Ấn Độ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, chưa có hợp tác liên doanh nào giữa doanh nghiệp hai nước.

Nếu có thể phát triển hợp tác liên doanh sẽ giúp chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dược phẩm sang các quốc gia trong khu vực. Đối với các sản phẩm dệt may, may mặc, cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực xơ, sợi nhân tạo tại Việt Nam.

Tư vấn giúp doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Tây Á, chỉ đứng sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Cán cân thương mại song phương Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây thường thặng dư về phía Việt Nam.

Tuy vậy, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ còn thấp (chỉ chiếm khoảng 0,5%). Nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, thấp hơn các nước cạnh tranh trực tiếp, ngoại trừ hạt tiêu, hạt điều, xơ, sợi, cao su.

Nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình thị trường, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đối với các sản phẩm từ hạt tiêu, hạt điều, cao su, hoa quả, hàng thủ công mỹ nghệ…, ngày 30/3, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 189 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có các ngành công nghiệp khá phát triển, với nhiều ngành có thế mạnh tương tự như Việt Nam, tuy nhiên chi phí sản xuất lại cao hơn. Đặc biệt, thị trường này có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn nhập khẩu do vị trí địa lý nằm giữa 3 châu lục và nằm sát châu Âu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sở tại cũng khá năng động, luôn tìm kiếm nguồn cung cấp với chi phí cạnh tranh để giảm giá thành sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt phải có sức cạnh tranh về chi phí, giá thành, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ, thì mới thâm nhập vào thị trường này dễ dàng.

Xuất khẩu ngày 21-25/3: Ngành dệt may kín đơn hàng; doanh nghiệp xuất khẩu sắn 'kêu trời' vì bị truy thu thuế

Xuất khẩu ngày 21-25/3: Ngành dệt may kín đơn hàng; doanh nghiệp xuất khẩu sắn 'kêu trời' vì bị truy thu thuế

Tín hiệu sáng cho vụ container hạt điều xuất khẩu sang Italy; doanh nghiệp sắn kêu cứu vì bị dừng hoàn, truy thu thuế; doanh ...

Việt Nam là một trong những nhà cung cấp cao su hàng đầu của Hàn Quốc

Việt Nam là một trong những nhà cung cấp cao su hàng đầu của Hàn Quốc

Dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 2 tháng đầu ...

(tổng hợp)