📞

Xuất khẩu ngày 26-30/6: Đề xuất Hàn Quốc sớm mở cửa thị trường cho bưởi, thịt gà chế biến; thép Việt 'gặp khó' khi vào EU

Vân Chi 13:45 | 30/06/2023
Đề xuất Hàn Quốc sớm mở cửa thị trường cho bưởi, thịt gà chế biến; thép Việt "gặp khó" khi vào thị trường EU... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 26-30/6.
Cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường đối với trái bưởi của Việt Nam sang Hàn Quốc. (Nguồn: Báo Công Thương)

Đề xuất Hàn Quốc sớm mở cửa thị trường cho bưởi, thịt gà chế biến

Tại Kỳ họp lần thứ 5 của Ủy ban về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) ngày 27/6 tại Bộ Công Thương, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất 6 nội dung.

Cụ thể, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường đối với trái bưởi của Việt Nam sang Hàn Quốc; chuyển giao hoàn toàn chương trình tiền kiểm tra đối với sản phẩm xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện, tương tự như cách làm với thanh long; phê duyệt hồ sơ công nhận thêm vùng trồng xoài của Việt Nam xuất khẩu đi Hàn Quốc; tiếp tục duy trì chương trình tập huấn nâng cao năng lực về kiểm dịch thực vật tại Hàn Quốc cho cán bộ kiểm dịch thực vật các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam; hỗ trợ tổ chức khóa tập huấn nâng cao năng lực giám định kiểm dịch thực vật cho Việt Nam, giảng viên Hàn Quốc sẽ sang Việt Nam tập huấn trực tiếp về công tác này; xem xét mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt gà chế biến của Việt Nam.

Về phía Hàn Quốc cũng có 5 đề xuất với phía Việt Nam. Cụ thể, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sản phẩm thịt heo đã qua xử lý nhiệt sang Việt Nam; đăng ký cơ sở xuất khẩu mới thịt gia cầm tươi và thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt; gia hạn giấy phép nhập khẩu thịt gia cầm tươi của Hàn Quốc và đẩy nhanh thủ tục kiểm dịch; xuất khẩu sản phẩm dưa lưới Hàn Quốc sang Việt Nam; chứng nhận kiểm dịch điện tử lẫn nhau cho các sản phẩm thủy sản.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản đạt khoảng 371 triệu USD. Hiện nhu cầu nhập khẩu nông, thuỷ sản, thực phẩm chế biến của Hàn Quốc từ thế giới hiện khá lớn, trong đó, các nhà nhập khẩu nước này muốn tìm kiếm thêm các nhà cung ứng chất lượng từ Việt Nam.

Thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục khởi sắc

Trong 5 tháng năm 2023, dù chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, thương mại Việt Nam-Trung Quốc vẫn đạt con số bình quân hơn 10 tỷ USD/tháng.

Cụ thể, hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 61,51 tỷ USD (bình quân hơn 12,3 tỷ USD/tháng), chiếm 23,58% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Trong đó, xuất khẩu đạt 20,32 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 41,19 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 32,8% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng khởi sắc, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch cho mặt hàng sầu riêng. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến trong tháng 5, qua đó đưa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm lên hơn nửa tỷ USD. Riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt kim ngạch 477 triệu USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng của cả nước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc thu về 1,286 tỷ USD, tăng 80,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 572,3 triệu USD. Thị trường Trung Quốc chiếm đến 63,47% kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta trong 5 tháng đầu năm.

Mặt hàng gạo cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Trung Quốc. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 632.469 tấn, tổng kim ngạch đạt hơn 364 triệu USD, tăng gần 63% về lượng và tăng gần 79,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao hơn lượng nên có thể trị giá xuất khẩu bình quân của mặt hàng gạo sang thị trường Trung Quốc cũng tăng đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng kể trên, xuất khẩu hàng hóa nói chung sang Trung Quốc chưa có sự hồi phục như kỳ vọng sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023 do những khó khăn chung về tình hình thị trường. Trong thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khôi phục và phát triển bền vững, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.

Phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam-Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.

Nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc...

Tăng cường tham dự các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan trung ương hai nước phối hợp tổ chức nhằm tăng cường kết nối trực tiếp sau thời gian hạn chế kéo dài của dịch bệnh.

Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô tại Trung Quốc, trong đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ có một số hoạt động hướng tới cả thị trường truyền thống (cụ thể là Quảng Tây) và thị trường mới nằm sâu trong nội địa Trung Quốc (Sơn Đông, Hà Bắc).

Thép Việt "gặp khó" khi vào EU

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, ngày 26/6/2023, Liên minh châu Âu (EU) ban hành Quy định (EU) 2023/1301 sửa đổi Quy định (EU) 2019/159 về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu.

Quy định sửa đổi được đưa ra sau cuộc điều tra đánh giá việc chấm dứt sớm biện pháp tự vệ trước tháng 6/2023 có hợp lý hay không theo dữ liệu nhập khẩu tổng hợp năm 2022. Quy định sửa đổi trên duy trì biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu vào EU cho đến ngày hết hạn là 30/6/2024. Quy định có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Các biện pháp tự vệ này sẽ gia tăng rào cản cho xuất khẩu thép vào EU. (Nguồn: Báo Hải quan)

Tất cả hạn ngạch thuế quan (TRQ) của biện pháp tự vệ thép tiếp tục tăng 4% kể từ ngày 1/7/2023. Bất kỳ thành viên nào của WTO là nước đang phát triển đều được miễn trừ áp dụng nếu tỷ trọng xuất khẩu của nước đó vào EU duy trì dưới 3% tổng kim ngạch nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm.

Ngoài ra, nếu trong một danh mục nhất định, tỷ trọng chung của hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển (có tỷ trọng riêng lẻ dưới 3%) tổng vượt quá 9%, thì tất cả các nước đang phát triển sẽ phải chịu chung biện pháp trong danh mục sản phẩm đó.

Ủy ban cam kết giám sát mức tăng nhập khẩu sau khi biện pháp được thông qua và thường xuyên rà soát danh sách các quốc gia được loại trừ.

Theo quy định trên, những quốc gia hưởng lợi từ việc mở hạn ngạch theo quốc gia cụ thể, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Moldova, Bắc Macedonia, Oman, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Việt Nam bị áp dụng thêm đối với category 26 và loại bỏ khỏi category 3A so với phạm vi áp dụng cũ. Tất cả các nước đang phát triển được đưa vào danh mục 4B, 5, 25B và 28 vì có tổng tỷ trọng nhập khẩu vào năm 2022 thấp hơn 3% đang cao hơn 9%.

Biện pháp tự vệ thép được đưa ra từ mùa Hè 2018 sau khi Mỹ áp thuế 25% đối với EU và các nước khác vì lý do an ninh quốc gia và lo ngại thị trường châu Âu bị "sa lầy" bởi thừa công suất. Năm 2022, Belarus và Nga hoàn toàn bị loại khỏi thị trường thép EU và hạn ngạch của họ được phân bổ lại.

Biện pháp tự vệ thép của EU sẽ hết hạn vào năm tới nhưng có thể được kéo dài, đặc biệt nếu động cơ ban đầu của quy định thuế quan Mục 232 của Hoa Kỳ hiện được chuyển thành hạn ngạch thuế quan vẫn được áp dụng để chống lại EU.

Như vậy, cùng với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), bắt đầu được áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023, các biện pháp tự vệ này sẽ gia tăng rào cản cho xuất khẩu thép vào EU.

(tổng hợp)