📞

Xuất khẩu ngày 27-29/5: Khối FDI xuất siêu 10,3 tỷ USD; thanh long Việt 'hút khách' tại Australia và New Zealand

Vân Chi 18:57 | 30/05/2022
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng mạnh, xuất siêu 10,3 tỷ USD; các nước RCEP chiếm trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; thanh long Việt "hút khách" tại thị trường New Zealand và Australia... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 27-29/5.
Ngược với tình trạng thâm hụt thương mại chung của cả nước (223 triệu USD), tính từ đầu năm đến 15/5, các doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,3 tỷ USD. (Nguồn: VnEconomy)

Xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng mạnh, xuất siêu 10,3 tỷ USD

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 187,3 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 23,44 tỷ USD) so với cùng kỳ.

Trong khi đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 83,26 tỷ USD, tăng 17,8% (tương ứng tăng 12,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 5/2022 đạt 9,24 tỷ USD, giảm 30,1%, tương ứng giảm 3,97 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 4/2022.

Tính đến hết ngày 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 98,8 tỷ USD, tăng 13,3%, tương ứng tăng 11,63 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 5/2022 đạt 9,77 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 331 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 4/2022.

Lũy kế đến 15/5, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp này đạt 88,5 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 11,81 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 65,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Như vậy, ngược với tình trạng thâm hụt thương mại chung của cả nước (223 triệu USD), tính từ đầu năm đến 15/5, các doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,3 tỷ USD.

Hiện doanh nghiệp FDI đóng góp lớn trong tất cả nhóm hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, từ điện thoại và linh kiện; máy vi tính, máy móc, thiết bị; dệt may; giày dép...

Năm 2021, xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, khối doanh nghiệp FDI vẫn là trụ cột chính của xuất khẩu. Bộ Công Thương đánh giá, dù xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đạt 247,5 tỷ USD tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt gần 89 tỷ USD, tăng 13,4%, thấp hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (19%) và chỉ chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2020 chiếm 27,7%).

Các nước RCEP chiếm trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

Hiệp định RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.

Cụ thể, với mặt hàng hàng thủy sản, các hiệp định thương mại tự do trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam, nhưng RCEP cho phép con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm thị phần lớn (trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam).

Thời gian qua, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng khả quan. Những thành tựu trong những năm qua cũng là những dấu ấn để khẳng định vị trí của ngành thủy sản Việt Nam, sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh hơn vào thị trường các quốc gia thành viên RCEP.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD.

Bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng thủy sản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.

Ngoài ra, để tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp định RCEP làm nâng cao lợi thế so sánh của ngành thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối; đồng thời cần đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.

Xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021

Với mục tiêu ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín của Việt Nam với đối tác nước ngoài, Bộ Công Thương triển khai tổ chức xét chọn "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021".

Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai Chương trình, cụ thể:

Thông báo về Chương trình xét chọn "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021" đến các doanh nghiệp trực thuộc và hướng dẫn các doanh nghiệp kê khai đăng ký xét chọn theo quy định.

Đồng thời, triển khai việc xét chọn theo Quy chế xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín ban hành kèm theo Quyết định số 911/QĐ-BCT; phối hợp với cơ quan hải quan, thuế, môi trường để xác nhận tại thời điểm xét chọn doanh nghiệp không bị cưỡng chế ngừng làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, không nợ đọng thuế, không vi phạm pháp luật về môi trường. Tiêu chí xét chọn về kim ngạch xuất khẩu tối thiểu đối với từng nhóm hàng, tính từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021.

Kết quả xét chọn đề nghị gửi về Bộ Công Thương, muộn nhất là ngày 15/7/2022.

Trước đó, ngày 18/8/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1974/QĐ-BCT phê duyệt Danh sách "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" năm 2020. Theo đó, công nhận 315 "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" năm 2020.

Giá trị cao về hàm lượng dinh dưỡng, thanh long Việt "hút khách" tại nhiều thị trường

Được đánh giá rất cao về chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng tốt, thanh long Việt Nam là một trong những loại trái cây được rất nhiều thị trường ưa chuộng. Trong đó, Australia và New Zealand được đánh giá là những thị trường tiềm năng vì đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Thanh long xuất khẩu thành công vào các thị trường này sẽ có cơ hội vào được nhiều thị trường khác.

Thanh long là một trong số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Australia và New Zealand. Với Australia, bà Nguyễn Thu Hường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường này thông tin, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào Australia tăng 36%. Năm 2021, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, con số tăng trưởng xuất khẩu có giảm nhưng vẫn đạt 14%, đạt 4,8 triệu USD, cao hơn mức tăng trưởng chung của mặt hàng thanh long xuất khẩu đi các thị trường.

Thanh long Việt Nam nhiều cơ hội hiện diện tại thị trường Australia và New Zealand. (Nguồn: Báo Công Thương)

“Ngoài hệ thống phân phối của người Việt, thanh long Việt Nam đã được bày bán tại các siêu thị bán lẻ lớn tại Australia”, bà Nguyễn Thu Hường nói. Điều này cho thấy trái thanh long tươi của Việt Nam đang được người tiêu dùng tại quốc gia này ưa chuộng.

Tương tự, tại New Zealand, thanh long là một trong 3 loại quả được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này. Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung cho hay, thanh long là loại quả xuất khẩu thành công nhất của Việt Nam vào New Zealand với mức tăng trưởng liên tục từ năm 2014 đến nay.

Từ năm 2013 chính phủ New Zealand tài trợ cho Việt Nam dự án nhằm phát triển giống thanh long có sức kháng bệnh tốt, năng suất cao. Đến nay dự án đã đạt được những thành công nhất định, đáng kể nhất là tạo được nguồn thanh long chất lượng tốt để xuất khẩu sang New Zealand và các thị trường khác.

Với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, cơ hội xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào New Zealand khá rộng mở. Ông Humphrey Lawrence, Tổng giám đốc phụ trách nhập khẩu, Công ty MG Marketing (New Zealand) cho rằng, sau dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng thanh long tăng cao, trong khi đó loại trái cây này của Việt Nam có hình thức bắt mắt, hương vị rất ngon.

Hiện giá thanh long trên thị trường khoảng 40-45 USD/thùng 5kg. Nhà sản xuất Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này.

(tổng hợp)