Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 4 tháng vượt 210 tỷ USD
Tổng cục Thống kê thông tin, về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 96,1 tỷ USD, chiếm 88,5%. Đây vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước.
Tuy nhiên, nhóm hàng công nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì tình hình suy giảm nhu cầu chung của các nước trên thế giới. Đơn cử, với mặt hàng dệt may, theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu dệt may đang gặp nhiều khó khăn. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Đây là con số suy giảm rất mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước đó. Hiện nay, lượng đơn hàng của doanh nghiệp rất khiêm tốn và nhiều doanh nghiệp phải nỗ lực duy trì sản xuất để có đủ việc làm chứ không có lợi nhuận.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước và giảm 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 95,64 tỷ USD, chiếm 93,6%. Con số này cho thấy, kim ngạch nhập khẩu vẫn tập trung vào các sản phẩm để sản xuất phục vụ xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa.
Đối với thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,3 tỷ USD.
Dù có kim ngạch xuất nhập khẩu không tăng cao như dự kiến, song điểm sáng của hoạt động xuất nhập khẩu chính là cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,39 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so cùng kỳ năm trước là yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng là khác nhau. Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản là những ngành sụt giảm nhiều nhất.
Tiu nhiên, các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao-su, gạo, rau quả, hạt điều... ít chịu tác động hơn.
Ngoài ra, chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển... cũng tăng cao.
Trước tình hình như vậy, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống, vừa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản,… có thể ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.
Bộ sẽ thực hiện đánh giá toàn diện các biện pháp điều chỉnh chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nước ta để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới giữa hai nước, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính thời vụ; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu. Mặt khác, các thị trường mới tại khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La-tinh tuy nhỏ nhưng đang có tốc độ tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa khai thác cũng sẽ được định hướng để thúc đẩy xuất khẩu.
Giải pháp trọng tâm khác là tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn doanh nghiệp phát huy hiệu quả ưu đãi của các FTA đã ký kết, từ đó tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những Hiệp định này.
Nhận tin vui từ Trung Quốc, quý I/2023, xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng 3 con số
Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng tới hơn 8,3 lần (733,2%) so với cùng kỳ năm ngoái lên 153,5 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến 87% thị phần với 133,6 triệu USD.
Còn theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong quý I/2023, nước này đã nhập khẩu 91.360 tấn sầu riêng với kim ngạch lên đến 506,8 triệu USD, tăng 2,5 lần về lượng và 2,2 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng từ thị trường Việt Nam với khối lượng 27.374 tấn với kim ngạch 133,4 triệu USD, chiếm 30% về lượng và 26,3% về kim ngạch trong tổng nhập khẩu sầu riêng của nước này.
Hiện giá xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng khoảng 10% so với thời điểm mới được cấp phép vào thị trường này. Tuy nhiên, giá sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc vẫn đang khá cạnh tranh với bình quân 4.849 USD/tấn trong quý I/2023 so với 5.555 USD/tấn của Thái Lan.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu các loại quả đạt 377 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sầu riêng là loại trái cây có trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, đạt 57 triệu USD, tăng 291% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 15,1% kim ngạch xuất khẩu trái cây. Sầu riêng chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 83% tổng trị giá xuất khẩu loại trái cây này của cả nước.
4 thương hiệu điện thoại nào được nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam?
Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2022 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, trong năm 2022, số lượng điện thoại Việt Nam đã sản xuất ước đạt khoảng 210,5 triệu chiếc, giảm 9,1% so với năm 2021. Trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt khoảng 663,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2021.
Điện thoại các loại và linh kiện giữ vững vị trí đầu tiên, là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Cụ thể, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,99 tỷ USD, tăng 0,81% so với năm 2021 và chiếm 15,62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Trong đó, kim ngạch của khối doanh nghiệp FDI đạt 57,8 tỷ USD, tăng 1,35% so với năm trước và chiếm 99,67% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng.
Sản xuất điện thoại tại nhà máy của Samsung Việt Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Về chủng loại, xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc đạt 33,32 tỷ USD, tăng 0,67% so với năm 2021, chiếm 57,4% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng. Trong đó, xuất khẩu điện thoại Samsung đạt trên 31,42 tỷ USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước.
Về linh kiện, phụ kiện điện thoại, báo cáo cho biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2022 đạt trên 24,67 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2021.
Đáng chú ý, về thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng điện thoại và linh kiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với 2021, chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng. Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch 11,9 tỷ USD, tăng 22,5%, chiếm 20,5% tổng xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, trong năm vừa qua, nhập khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam đạt 21,1 tỷ USD, giảm 1,6% so với năm 2021 và chiếm trên 5,9% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó, kim ngạch của khối doanh nghiệp FDI đạt 20,1 tỷ USD, giảm 0,9% so với năm trước và chiếm 95,4% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng.
Đặc biệt, nhập khẩu điện thoại di động nguyên chiếc, trong năm 2022 đạt trị giá trên 3,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021 và chiếm 16,6% tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện.
Điện thoại iPhone, Samsung, Oppo, Xiaomi là những thương hiệu điện thoại được nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam, chiếm 93,4%. Riêng iPhone chiếm 46% tổng kim ngạch nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước.
Trong năm 2022, nhập khẩu linh kiện, phụ kiện điện thoại đạt trị giá trên 17,6 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Linh kiện nước ta nhập khẩu chủ yếu từ các doanh nghiệp khác với tỷ trọng lên đến hơn 99%, thị phần các hãng lớn như LG, Samsung chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Về thị trường nhập khẩu, năm 2022, nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn chiếm chủ yếu tỷ trọng nhập khẩu điện thoại và linh kiện. Riêng kim ngạch nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm tới hơn 92% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 11,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2021, chiếm 54,4% tổng nhập khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 8 tỷ USD, giảm 12,7% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 38,2%...