📞

Xuất khẩu ngày 28-30/7: Từng phải 'giải cứu', mặt hàng này có thể đạt 5 tỷ USD năm 2023; cá tra 'ăn đong' từng đơn hàng

Vân Chi 18:34 | 31/07/2023
Tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu; từng phải “giải cứu”, mặt hàng này có thể đạt 5 tỷ USD năm 2023... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 28-30/7.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước. (Nguồn: Báo Hải quan)

Tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu

Theo báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,76 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,92 tỷ USD, tăng 1,7%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Bảy giảm 3,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 3,2%.

Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 7 tháng năm 2023 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,6%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,53 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 171,5 tỷ USD, chiếm 88,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 15,75 tỷ USD, chiếm 8,1%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 4,95 tỷ USD, chiếm 2,5%. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất nhập khẩu. Đơn cử, theo quy định tại Thông tư 36/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ 21/7, doanh nghiệp xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) phải nộp lệ phí. Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này gồm: Bộ Công Thương và cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương uỷ quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương.

Tuy nhiên, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nộp phí, doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí/lệ phí C/O bằng hình thức trực tuyến. Hình thức này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và các chi phí phát sinh khác. Sau khi thực hiện nộp phí/lệ phí C/O, doanh nghiệp sẽ nhận được biên lai qua email đã đăng ký với cơ quan quản lý.

Từng phải “giải cứu”, mặt hàng này có thể đạt 5 tỷ USD năm 2023

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/7, xuất khẩu rau quả đã mang về hơn 3 tỷ USD và đến hết tháng 7, khả năng vượt qua kết quả 3,3 tỷ USD của cả năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Dự báo, xuất khẩu rau quả có thể chạm mốc 5-5,3 tỷ USD trong năm 2023.

Xuất khẩu rau quả bắt đầu sôi động từ cuối năm 2022, khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều mặt hàng trái cây tiếp tục được thị trường Trung Quốc đón nhận như: thanh long, sầu riêng, mít, xoài…

Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu rau quả tăng đột biến từ 2 tuần cuối tháng 5/2023 khi đạt trên 400 triệu USD; tăng gấp đôi so với 2 tuần trước đó.

Bộ Công Thương lý giải, Trung Quốc tăng mua, trong khi Việt Nam đang vào thời vụ nhiều loại trái cây là yếu tố chính khiến xuất khẩu rau quả của Việt Nam bứt phá trong những tháng đầu năm 2023.

Với nguồn cung dồi dào, nửa cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả sẽ rất khả quan nếu đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Trung Quốc theo hướng Thực hành sản xuất tốt (GAP).

Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng trưởng khả quan như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, UAE, Malaysia…

Bên cạnh đó, nhiều loại trái cây Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch và có đặc tính rải vụ, nên ngành rau quả được đánh giá còn nhiều dư địa để xuất khẩu. Trong đó, vú sữa, chôm chôm gần như có thể cung cấp quanh năm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, giá xuất khẩu cũng tốt hơn năm trước.

Xuất khẩu mặt hàng rau quả đang gặp nhiều thuận lợi khi Việt Nam đã ký các nghị định thư đã ký với Trung Quốc trong năm 2022 giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nhiều nghị định thư xuất khẩu cho các loại nông sản, gồm: tổ yến, sầu riêng, khoai lang, chuối, thạch đen, măng cụt... Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc có nhiều thuận lợi.

Năm 2023, mặc dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng hàng rau quả của Việt Nam có chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh, nên được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Hiện Việt Nam đang đề nghị phía Trung Quốc mở cửa cho các mặt hàng rau quả khác như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa… nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu rau quả sang thị trường này.

Trong Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Cá tra "ăn đong" từng đơn hàng

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã tăng hơn những tháng đầu năm 2023 nhưng so với 2022 thì vẫn còn tương đối ảm đạm. Nhìn lại năm 2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2022 đã có nhiều "kỷ lục" được xác lập, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỉ USD, tăng 70% so cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỉ USD.

VASEP cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay giảm khá mạnh trong 6 tháng đầu năm. Thị trường Mỹ là thị trường giảm nhanh, nhiều và liên tục. Thị trường Trung Quốc có giảm song đang có dấu hiệu tốt lên. Trong tình thế khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự, thực hiện cả những đơn hàng nhỏ để bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã tăng hơn những tháng đầu năm 2023 nhưng so với 2022 thì vẫn còn tương đối ảm đạm. (Nguồn: invivo)

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đạt 281 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 6/2023, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã nhập khẩu 48 triệu USD cá tra Việt Nam, giảm 4% so với tháng 5/2023, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm 15% trong tháng 6 đã thấp hơn so với mức giảm của các tháng trước đó (tháng 4 và 5 ghi nhận giảm từ 30% - 60%).

Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) luôn duy trì vị trí số 1 về nhập khẩu cá tra Việt Nam. So với các thị trường chính, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) duy trì tăng trưởng cao nhất.

Sau giai đoạn giảm liên tục từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, giá trung bình xuất khẩu cá tra sang thị trường này ghi nhận ổn định trong các tháng sau đó. Giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay dao động từ 2,11 USD/kg - 2,29 USD/kg, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 5, giá trung bình đạt 2,29 USD/kg tăng 0,4% so với tháng trước.

Nhu cầu tiêu thụ giảm, lạm phát vẫn sát mức 0%, doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc vẫn kỳ vọng giá sẽ giảm thêm, từ đó trì hoãn chi tiêu khiến tốc độ tiêu thụ hàng hóa sụt giảm đáng kể. Các chỉ số giá tiêu dùng và giá sản xuất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục yếu đi trong tháng 5. Các yếu tố này đã tác động không tích cực tới xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong nửa đầu năm nay.

Bức tranh của ngành thủy sản và cá tra 6 tháng cuối năm sẽ dần hồi phục khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho các dịp lễ hội cuối năm. Đây là tín hiệu dự báo cho việc giá cá tra sẽ có cải thiện trong những tháng tới.

Mục tiêu năm 2023, ngành cá tra dự kiến thả nuôi 5.600 ha; sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,3 tỉ USD. Tuy nhiên, con số này sẽ rất khó có thể đạt được.

(tổng hợp)