📞

Xuất khẩu ngày 28/9-1/10: Đấu giá nhập 97.000 tấn đường, cá tra Việt có ở 139 thị trường thế giới, Trung Quốc thiếu điện-Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Hoàng Nam 08:45 | 01/10/2021
Danh sách 7 doanh nghiệp trúng đấu giá nhập 97.000 tấn đường năm 2021, xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng bất chấp Covid-19, xuất nhập khẩu nguyên liệu Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc thiếu điện… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 28/9-1/10.
Xuất khẩu ngày 28/9-1/10: Đấu giá nhập 97.000 tấn đường, cá tra Việt có ở 139 thị trường thế giới, Trung Quốc thiếu điện-Việt Nam có bị ảnh hưởng? (Nguồn: ĐT)

Xuất nhập khẩu nguyên liệu Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc thiếu điện?

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 30/9, trước lo ngại phía Trung Quốc đang thiếu điện và phải đóng cửa một số nhà máy sẽ ảnh hưởng đến tình hình nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất bởi đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định, việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất của Việt Nam vẫn chưa bị ảnh hưởng.

Theo ông Thành, trên thực tế, giá một số nguyên liệu đầu vào cho ngành điện cũng như việc cắt giảm khí thải của Trung Quốc đã gây ra việc thiếu điện dẫn đến một số ngành sản xuất công nghiệp; trong đó, có các sản phẩm về nguyên liệu cung ứng đầu ra cho thị trường cũng bị giảm sút. Tuy nhiên, thời gian qua Bộ Công Thương chưa ghi nhận phản ánh nào của doanh nghiệp về việc thiếu nguyên liệu đầu vào.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã đối mặt với việc thiếu nguyên liệu từ năm 2020 khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát lần đầu gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp như: Dệt may, da giày, các ngành công nghiệp nặng… Tuy nhiên, ngay sau đó các doanh nghiệp đã kịp thời ứng phó và chủ động được nguồn cung này.

Mặt khác, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến lần 3, lần 4 hết sức phức tạp, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước bị giảm sút, thậm chí nhiều doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố phía Nam phải dừng hoạt động.

Chính vì vậy, nhu cầu nguyên liệu đầu vào chưa thể hiện rõ sự thiếu hụt và doanh nghiệp chưa đề cập vấn đề này với cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện nay, một số mặt hàng Việt Nam có thể chủ động được nguyên liệu đầu vào như thép xây dựng. Hay một số ngành khác, biến động trong ngắn hạn với đối tác Trung Quốc trong thời điểm này cũng chưa ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào của Việt Nam.

7 doanh nghiệp trúng đấu giá 97.000 tấn đường nhập khẩu năm 2021

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức thành công Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 108.000 tấn đường năm 2021. Phiên đấu giá được tổ chức đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai và minh bạch dưới sự chứng kiến, giám sát của các bên liên quan và các cơ quan thông tấn báo chí. Kết quả có

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Thành viên Hội đồng đấu giá, có 11 trong tổng số 14 doanh nghiệp gửi hồ sơ tham gia đấu giá đảm bảo đủ, đúng các tiêu chí hợp lệ để tham gia phiên đấu giá.

Trong số đó, có 9 doanh nghiệp tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô và 2 doanh nghiệp tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan đường tinh luyện.

Kết quả đấu giá cho thấy, có 2 thương nhân trúng đấu giá được quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường tinh luyện năm 2021, với tổng khối lượng trúng đấu giá là 21.000 tấn.

5 thương nhân trúng đấu giá được quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô năm 2021, với tổng khối lượng trúng đấu giá là 76.000 tấn, đạt 100% khối lượng đưa ra đấu giá.

Cụ thể, 2 doanh nghiệp trúng đấu giá nhập khẩu hạn ngạch thuế quan 21.000 tấn đường tinh luyện gồm Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre 20.000 tấn và Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre: 1.000 tấn.

Ngoài ra, 5 doanh nghiệp trúng đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 76.000 tấn đường thô gồm: Công ty cổ phần Đường Việt Nam: 20.000 tấn; Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi 20.000 tấn; Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa 16.000 tấn; Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai 16.000 tấn và Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa 4.000 tấn.

Đây là phương thức phù hợp với cam kết WTO về nguyên tắc áp dụng, quy trình thủ tục hồ sơ tiếp nhận đơn xin cấp phép là cơ quan hành chính của Nhà nước, trong đó thành viên Hội đồng đấu giá là đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước.

Xuất khẩu ngày 28/9-1/10: Đấu giá nhập 97.000 tấn đường, cá tra Việt có ở 139 thị trường thế giới, Trung Quốc thiếu điện-Việt Nam có bị ảnh hưởng? (Nguồn: TTXVN)

Cá tra Việt Nam có mặt ở 139 thị trường thế giới

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam tháng 8/2021 đạt 87,5 triệu USD, giảm 30,66% so với tháng trước và giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra đạt 994,2 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ 2020. Cá tra Việt Nam có ở 139 thị trường trên thế giới.

Trong cơ cấu sản phẩm cá tra xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2021, cá tra phi-lê đông lạnh HS 030462 chiếm tới 86%; cá tra cắt khúc đông lạnh HS 0303 chiếm 11%; bao tử/khô cá tra HS 0305 chiếm 2%; còn lại 1% là cá tra chế biến và sản phẩm khác (cá khô, tẩm bột, da cá sấy giòn, chả cá, cá xay).

Về thị trường, ngay từ đầu năm 2021, cá tra Việt Nam sang thị trường số 1 là Trung Quốc đã không giữ được nhịp độ tăng trưởng mạnh dần đều như các năm trước. Một trong những nguyên nhân lớn là chính sách hạn chế nhập khẩu thủy sản của nước này.

Tháng 8/2021, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 46,7% so cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 8/2021, XK cá tra sang thị trường này đạt gần 262 triệu USD, giảm 11,5%.

Ngược lại, với thị trường Mỹ, tháng 8/2021, các doanh nghiệp cá tra được hưởng mức thuế chống bán phá giá tốt vẫn cố gắng tận dụng cơ hội khi Mỹ rộng cửa nhập khẩu sản phẩm cá tra đông lạnh.

Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tháng 8/2021 vẫn tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2020. Tổng 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt gần 225 triệu USD, tăng 45,5% so cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường tiềm năng tại châu Mỹ như Mexico, Brazil, Colombia… cũng được trông đợi nhiều trong năm nay do nhu cầu gia tăng.

Trong đó, xuất cá tra sang Mexico tháng 8 đạt 3,84 triệu USD, tăng 48,8% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt 46,3 triệu USD, tăng 72,3%. Còn xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt 41,4 triệu USD, tăng 75,3% so cùng kỳ năm trước.

Hiện nhu cầu cá tra, cá thịt trắng của Mexico và Brazil tương đối tốt. Do đó, điều quan trọng với doanh nghiệp cá tra Việt Nam chính là sớm ổn định sản xuất, công suất và đáp ứng tốt hơn các đơn hàng.

Ngoài ra, một số thị trường mới nổi trong năm 2021 đang hứa hẹn nhiều hy vọng như Colombia, Nga, Ai Cập. Tính đến hết tháng 8/2021, xuất khẩu cá tra sang Colombia đạt 28,11 triệu USD (tăng 65,7%); sang Nga đạt 23,7 triệu USD (tăng 113,7%) và Ai Cập đạt 18,7 triệu USD (tăng 87,6%).

Xi măng Việt xuất nhiều nhất sang Trung Quốc

Theo Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), 8 tháng năm 2021, tiêu thụ xi măng đạt khoảng 70,77 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 43,54 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu ước đạt khoảng 27,23 triệu tấn, tăng tới 12% so với cùng kỳ. Hiện Trung Quốc, Philippines, Bangladesh là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng xi măng và clinker.

Đánh giá về hoạt động xuất khẩu, TS. Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho hay, sản lượng xuất khẩu xi măng tăng 12% là tín hiệu đáng mừng do tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Canada, Mỹ, Trung Quốc đã trở lại hoạt động bình thường. Nhu cầu sử dụng xi măng tăng cao và giá xi măng tại các thị trường này cũng đang được điều chỉnh theo xu hướng tăng.

Hơn nữa, xuất khẩu xi măng và clinker Việt Nam có sức cạnh tranh lớn nhờ lợi thế về đường biển.

Theo VNCA, thị trường tiêu thụ cả nội địa và xuất khẩu vẫn ở mức trung bình khoảng 200 triệu tấn/năm. Tháng 8 và 8 tháng năm 2021 tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa giảm.

Số liệu của VNCA cho thấy, lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa ở các vùng trong tháng 8 đều giảm so với tháng 7. Đặc biệt, tổng lượng tiêu thụ xi măng tại miền Nam - khu vực chịu ảnh hưởng lớn đại dịch đã giảm tới 55,8% so với tháng 7/2021.

(tổng hợp)