Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, Hiệp định RCEP đi vào thực thi đã mang lại nhiều lợi ích cho xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào Australia. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Việt Nam “soán ngôi” đầu của Trung Quốc xuất khẩu thuỷ sản vào Australia
Australia là một trong 15 thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam trong khối RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực). Bà Nguyễn Thu Hường- Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, cho hay: Hàng năm Australia sản xuất khoảng 230.000 tấn thuỷ sản nhưng hơn một nửa trong số này phục vụ cho xuất khẩu. 70% nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thuỷ sản trong nước của Australia được nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… Năm 2021, Australia nhập khẩu hơn 800 triệu USD, tăng 15,9% so với năm trước.
“Năm 2019 Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất vào Australia. Đến năm 2021 Việt Nam đã “soán ngôi” trở thành đối tác số 1 với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 184,4 triệu USD”, bà Nguyễn Thu Hường nói.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi đã mang lại nhiều lợi ích cho xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào Australia.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu 35,5 triệu USD giá trị mặt hàng thuỷ sản vào Australia, tăng 60,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bốn tháng đầu năm, đạt 128 triệu USD, tăng 53,8%. Tôm và các loại cá là sản phẩm xuất khẩu chính.
“Việt Nam còn cơ hội mở rộng xuất khẩu thuỷ sản sang Australia”, bà Nguyễn Thu Hường khẳng định, đồng thời chỉ ra nguyên nhân, hai quốc gia là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có RCEP- hiệp định có quy mô lớn nhất thế giới.
Nhu cầu thuỷ sản của Australia tăng đáng kể trong 3 thập kỷ qua với lượng tiêu thụ 1 triệu tấn/năm, sản lượng sản xuất nội địa không đáp ứng khiến nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản, nhất là thuỷ sản từ châu Á ngày càng tăng. Dân số Australia đang tăng nhanh, dự kiến đạt 40 triệu dân vào năm 2050, đồng nghĩa lượng tiêu dùng thuỷ sản có xu hướng tăng, hiện ở mức 15kg/người/năm.
Ngoài hệ thống cửa hàng siêu thị châu Á, nhiều mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam đã được bày bán tại hệ thống siêu thị bán buôn và bán lẻ của Australia.
Các FTAs trợ lực tích cực cho xuất khẩu gỗ
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước tính đạt 1,55 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng 5/2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,2 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.
Với kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm 2022, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, khả năng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 8% trong nửa đầu năm 2022 là hoàn toàn khả thi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa có hồi kết, cùng với tình hình dịch bệnh khó lường, nhưng ngành gỗ vẫn duy trì đà tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Điều này cho thấy sự điều hành thống nhất, linh hoạt, đúng hướng của Chính phủ, các bộ ban ngành và Hiệp hộị.
Trong đó, đáng chú ý là của các doanh nghiệp ngành gỗ đã biến thách thức thành cơ hội, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp, tính linh hoạt, tìm tòi, sáng tạo của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là còn có sự góp phần của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đã hỗ trợ ngành chế biến gỗ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia không có hiệp định.
Chiến sự Nga-Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thủy sản
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 5/2022, xuất khẩu thủy sản không duy trì được mức tăng trưởng nóng như trong tháng 4/2022 nhưng vẫn chạm mốc 1 tỷ USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, luỹ kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước mang về kim ngạch trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo VASEP, xuất khẩu thuỷ sản tháng 5/2022 chững lại một chút so với tháng 4 chủ yếu do xuất khẩu tôm. Trong tháng 5, xuất khẩu tôm đạt 416 triệu USD, tăng 19%, sau khi tăng nóng 47% trong tháng 4. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 38% và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ
Về phía các doanh nghiệp, xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm nay tăng đột phá là do các doanh nghiệp có sẵn nguồn nguyên liệu dự trữ và tồn kho từ năm 2021, nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng từ cuối năm ngoái với mức giá cao trong bối cảnh Covid-19 căng thẳng, tình trạng lạm phát giá trên toàn cầu cũng tác động giá tôm tăng, sự trở lại của doanh nghiệp Việt Nam với các hội chợ thuỷ sản quốc tế tại Mỹ, EU…
Tuy nhiên, từ đầu tháng 5, thời tiết có chiều hướng bất lợi cho tôm nuôi, mưa đầu mùa sớm hơn mọi năm, ảnh hưởng đến sản lượng tôm, do vậy nguồn nguyên liệu tôm không được khả quan như 4 tháng đầu năm.
Do vậy, trong tháng 5 và dự báo trong những tháng tới, có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu tôm của một số thị trường nhập khẩu chính có xu hướng chững lại sau khi tăng mạnh từ cuối năm 2021 tới nay. Do vậy, xuất khẩu tôm quý II/2022 dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với quý I.
Xuất khẩu cá tra trong tháng 5 tăng 65%, đạt 245 triệu USD, cũng tăng trưởng thấp hơn so với tháng 4. Tuy nhiên, luỹ kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được tăng trưởng cao gần 90% đạt trên 1,2 tỷ USD. Năm nay, lạm phát giá thực phẩm và thuỷ sản cao kỷ lục trên thế giới là một lợi thế cho mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng mạnh, nhất là thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cá tra đang lo ngại khi xuất khẩu sang Trung Quốc vì quy định kiểm tra chặt dấu vết Covid-19 trên thuỷ sản nhập khẩu. Thực tế, đã có một số doanh nghiệp bị trả hàng về và bị tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường này vì lý do Covid-19. Mặc dù một số thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải đã mở cửa trở lại, nhưng chính sách “Zero Covid” vẫn còn là trở ngại lớn với doanh nghiệp Việt Nam.
Xuất khẩu cá ngừ vẫn giữ được tăng trưởng cao 41% trong tháng 5/2022, đạt trên 93 triệu USD. Tính đến hết tháng 5/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt 461 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác như mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ, tuy vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng mức tăng đều thấp hơn so với tháng 4.
VASEP nhận định, tình hình chiến sự Nga chưa đến hồi kết, vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế, trong đó có khai thác thuỷ sản, khiến nguyên liệu khan hiếm vì chi phí khai thác cao. Do vậy, nguồn nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu tiếp tục là bài toán khó với các doanh nghiệp hiện nay.
Số phận 100 container hạt điều
Ngày 30/5, những container hạt điều còn lại trong số 35 container hàng bị mất quyền kiểm soát chứng từ gốc hồi đầu tháng 3 vừa qua đã được giải phóng, đánh dấu cái kết tốt đẹp cho vụ việc liên quan đến xuất khẩu 100 container hạt điều sang Italy qua môi giới của Công ty Kim Hạnh Việt.
Ngoài 12/35 container hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam đã giành được quyền kiểm soát hồi đầu tháng 4 vừa qua, toàn bộ 23 container hàng còn lại đều được tòa trả lại cho các công ty Việt Nam.
Đối với 3 công ty xuất khẩu đã không vội đặt cược 150% giá trị lô hàng cho các hãng tàu để lấy hàng ra, tòa hình sự tại thành phố Genova đã ra phán quyết rằng "các công ty Việt Nam có thể lấy lại hàng hoặc bán cho người mua mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra phán quyết".
Với phán quyết này, 3 công ty Việt Nam đã giảm được rất nhiều thiệt hại. Các doanh nghiệp Việt Nam được lấy hàng ra bán cho người mua mới mà không bị mất tiền đặt cược cho hãng tàu, tương đương 150% giá trị lô hàng cho thời gian từ 18 tháng cho trường hợp đặt cọc tiền mặt và 6 năm cho trường hợp làm bảo lãnh ngân hàng.
Sầu riêng rớt giá vì xuất khẩu khó khăn
Tiền Giang là một trong những địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn và chất lượng cao. Một số nhà vườn ở đây cho biết, giá bán tại vườn hiện chỉ khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg. Đây là năm thứ hai liên tiếp tiêu thụ gặp khó khăn vì dịch bệnh đầu ra khó. Hiện tại Việt Nam chưa xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch mà mới chỉ xuất khẩu tiểu ngạch và đông lạnh sang một số nước.
Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn ở miền Tây xác nhận: Hiện tại giá sầu riêng thấp do tình hình chung của thị trường.
Bên cạnh đó việc vận chuyển, xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, chi phí cao. Chỉ có mặt hàng sầu riêng đông lạnh là tương đối ổn định. Chúng tôi vẫn xuất khẩu đều đi một số nước như: Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Australia, Hàn Quốc…
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng chính của Việt Nam. Nhưng hiện Trung Quốc chưa cấp phép cho trái sầu riêng tươi của Việt Nam vào nước này bằng đường chính ngạch. Trong mấy năm qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực đàm phán nhưng hai năm nay lại bị ảnh hưởng dịch bệnh nên việc xuất khẩu càng thêm khó khăn.