Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 3 (-85% so với cùng kỳ 2021) đang có dấu hiệu phục hồi. (Nguồn: VnEconomy) |
Xuất khẩu sang Nga đang dần "hồi sức"
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Nga 8 tháng năm 2022 đạt 2,48 tỷ USD, giảm 27,74% so cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga tháng 8 đạt 130,8 triệu USD, tăng 15,4% so với tháng 7/2022 nhưng giảm 47,5% so với tháng 8/2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2022 đạt 1,1 triệu USD, giảm 49,34% so với cùng kỳ 2021.
Đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản, từ tháng 5/2022 xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, kim ngạch tháng sau tăng so với tháng trước. Trong tháng 8/2022 kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trên (trừ hạt điều giảm 22,8%) đều tăng khá cao so với tháng 8/2021.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện tử, máy tính, điện thoại, thiết bị máy móc tiếp tục xu hướng giảm mạnh trong tháng 8, mức độ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của các nhóm hàng dệt may và giày dép có xu hướng giảm.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nga tháng 8/2022 đạt 119,9 triệu USD, tăng 26,1% so với tháng 7/2022, nhưng giảm 26,3% so với tháng 8/2021. Tám tháng đầu năm 2022 kim ngạch nhập khẩu đạt 1,4 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính từ đầu năm đến nay có thể thấy một số mặt hàng nhập khẩu từ Nga có sự tăng trưởng đáng kể như: than tăng 57,1%, thủy sản 73,50%, dược phẩm 114,91%, gỗ và sản phẩm gỗ 59,38%, chất dẻo nguyên liệu 155,04%,…
Phân tích một số vấn đề tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư với Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Nga cho rằng từ cuối tháng 2/2022, do tác động của các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga, đồng Ruble mất giá sâu, giá cả hàng hóa tại Nga tăng mạnh, tâm lý doanh nghiệp bất an, các hãng tàu, hãng hàng không lớn dừng hợp tác với Nga… thương mại giữa Việt Nam và Nga gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt là về vận tải và thanh toán.
Sau giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, tình hình thị trường Nga dần ổn định, giá trị đồng Ruble phục hồi, doanh nghiệp thích nghi dần với điều kiện mới... Bên cạnh đó, Nga từng bước điều chỉnh, xây dựng các tuyến đường vận tải logistics mới, áp dụng các phương thức thanh toán xuất nhập khẩu phù hợp.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 3 (-85% so với cùng kỳ 2021) đang có dấu hiệu phục hồi.
Thương vụ thông tin, Liên bang Nga sẽ tiến hành sát nhập các khu vực Donest, Lugansk, Kherson và Zaparozhie trong thời gian ngắn sắp tới.
Dự báo, Hoa Kỳ và đồng minh cũng sẽ thực hiện các biện pháp trừng mạnh hơn đối với Nga, nhiều khả năng ảnh hưởng tới vấn đề thanh toán hàng xuất nhập khẩu, như ngắt toàn bộ các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán.
Thương vụ Việt Nam tại Nga khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp có hợp tác với thị trường Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương cần tiến hành tìm hiểu, kiểm tra kỹ về đối tác (có thể thông qua Thương vụ). Nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong thời gian gần đây các doanh nghiệp Nga rất quan tâm tới việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với thị trường Việt Nam. Số lượng các công ty Nga sang Việt Nam tham dự các hội chợ, triển lãm và tìm kiếm cơ hội kinh doanh đầu tư ngày càng tăng. Vì vậy, Thương vụ kiến nghị Cục xúc tiến thương mại, các địa phương, hiệp hội quan tâm hỗ trợ các đối tác Nga.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 ước đạt 50 tỷ USD
Chiều 3/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Họp báo thường kỳ tháng 9/2022.
Theo báo cáo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước đạt khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%. Ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Về xuất khẩu, nhóm nông sản chính xuất khẩu đạt trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 38%. Đến nay, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu 2 tỷ USD.
Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ như: cà phê đạt gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt trên 1 tỷ USD (tăng 21%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%)
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8%); thị trường Trung Quốc đạt khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2%); thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Gần nhất, 2 nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam-Trung Quốc; có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt và trong tháng 9 đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.
Đến thời điểm này, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt xuất khẩu ước đạt 40,8 tỷ USD, trong bối cảnh nhiều khó khăn do tình hình địa chính trị, khiến thị phần thị trường sẽ thu hẹp, tồn kho xuất hiện, đơn hàng giảm rất sâu. Để đạt được mục tiêu về đích xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 50 tỷ USD; tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành 2,8-3%.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, cần tận dụng nguyên liệu tại chỗ, sản xuất đi theo hướng kinh tế tuần hoàn, đồng thời, tháo gỡ khó khăn tại các thị trường. Theo đó, tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường. Đồng thời, xoay trục sản phẩm xuất khẩu. "Sụt giảm đơn hàng mảng này nhưng sẽ tăng đơn hàng mảng khác. Do đó, dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 sẽ đạt mục tiêu đề ra", ông Tiến nhận định.
Việt Nam xuất khẩu sang Tây Ban Nha vượt Nhật Bản, Hàn Quốc
Việt Nam đã vươn lên là một trong những nước có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực châu Á sang thị trường Tây Ban Nha, chỉ xếp sau Trung Quốc, đứng ngang hàng với Hong Kong (Trung Quốc) và xếp trên cả Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Ấn Độ - vốn được Tây Ban Nha xác định là các thị trường chiến lược...
Đó là thông tin được Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha đưa ra tại “Hội nghị trực tuyến giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2022”.
Theo thống kê mới nhất của Hải quan Tây Ban Nha, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Tây Ban Nha trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,19 tỷ Euro.
Điện thoại các loại và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Tây Ban Nha. (Nguồn: TTXVN) |
Trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha đạt 1,95 tỷ Euro với mức tăng trưởng cao 56,41%; kim ngạch nhập khẩu là 0,24 tỷ Euro, giảm 7,24%. Việt Nam tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu rất cao với giá trị xấp xỉ 1,71 tỷ Euro (tăng 12,21%).
Các mặt hàng chính Việt Nam xuất sang Tây Ban Nha là điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt, may; giày dép các loại; cà phê; hàng thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ; sản phẩm mây, tre, cói và thảm…
Để tăng cường xuất khẩu bền vững sang Tây Ban Nha, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho rằng các địa phương và Hiệp hội ngành hàng cần đề xuất và phối hợp với Thương vụ tổ chức các sự kiện tọa đàm trực tiếp và trực tuyến giới thiệu về cơ hội hợp tác kinh doanh tiềm năng cho các doanh nghiệp địa phương và các hiệp hội ngành hàng của hai nước.
Trong đó, bao gồm cả việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đặc biệt, đối với các mặt hàng Thương vụ đã đăng ký mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu cho năm 2022 như: thủy sản, rau quả và thủ công mỹ nghệ…
Đồng thời, tăng cường công tác tổ chức các đoàn doanh nghiệp với thành phần là các nhà nhập khẩu, phân phối và siêu thị lớn của Việt Nam sang làm việc kết nối, trao đổi hàng hóa trực tiếp song phương với các đối tác tại địa bàn sở tại.