Lần đầu tiên 22 tấn quả sấu đông lạnh của Việt Nam được xuất khẩu, phân phối và tiếp thị tại Australia. (Nguồn: Eva) |
22 tấn quả sấu đông lạnh sang Australia
Theo Bộ Công Thương, lần đầu tiên, một lô hàng lớn lên đến 22 tấn quả sấu đông lạnh của Việt Nam được xuất khẩu, phân phối và tiếp thị tại Australia.
Dẫn nguồn tin từ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Bộ Công Thương cho biết: Với giá bán thấp nhất là 18 AUD/1kg, tổng giá trị của lô hàng 22 tấn tiêu thụ tại thị trường Australia có thể mang về giá trị kim ngạch lớn lên đến trên 390.000 AUD (trên 6,5 tỷ đồng Việt Nam).
Như vậy, với mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 6-9, tiềm năng về kim ngạch của quả sấu không thua kém một số loại quả khác đang xuất khẩu sang quốc gia này.
Dựa trên nhận định về kim ngạch, thị trường, vùng sản xuất, và để đa dạng đặc sản vùng miền xuất khẩu trong bối cảnh Covid-19 đang có nhiều tác động bất cập, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai xúc tiến loại quả này.
Theo đó, Thương vụ đã bố trí chi phí để quảng cáo trên mạng xã hội tại các khu vực tiêu thụ chính, cũng như đã đề xuất, phối hợp doanh nghiệp thực hiện khuyến mại mua sấu trúng thưởng 10 phần quà là yến sào Việt Nam và xúc tiến từng bước giới thiệu vào hệ thống phân phối lớn.
Ngoài ra, Thương vụ cũng chuẩn bị giới thiệu sách ẩm thực quả sấu bằng tiếng Anh để tiếp thị tới đa dạng các nhóm khách hàng tại Australia bên cạnh người Việt. Chủ trương nhất quán của Thương vụ là ủng hộ, quảng bá nông sản xuất khẩu có thương hiệu, cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù nhiều thành phố bị giãn cách xã hội và vận tải xuất khẩu gặp khó khăn, nhưng 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản rau quả sang Australia tăng trưởng kỷ lục lên đến hơn 52% so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 40 triệu USD.
Nếu tính luôn các mặt hàng nông sản chủ lực khác như hạt điều, hạt tiêu, càphê, gạo, xuất khẩu nông sản sang Australia đạt gần 110 triệu USD.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 373,36 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 185,33 tỷ USD, nhập khẩu 188,03 tỷ USD, nhập siêu 2,7 tỷ USD.
Sau 7 tháng, cả nước đã có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%). Như vậy, riêng tháng 7 đã có thêm 2 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Hầu hết các nhóm hàng đều có sự tăng trưởng xuất khẩu ổn định trong 7 tháng qua. Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 1,87 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 164,89 tỷ USD, tăng 27,1%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 13,65 tỷ USD, tăng 16,7%. Nhóm hàng thủy sản đạt 4,92 tỷ USD, tăng 12%.
Xuất khẩu tăng trưởng ở hầu hết các thị trường lớn, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cả nước trong 7 tháng đã ước tính đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tập trung mạnh vào nhóm hàng tư liệu sản xuất như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên, nhiên, vật.
Với cơ cấu như vậy, cán cân thương mại trong tháng 7 tiếp tục ghi nhận nhập siêu ở mức 1,7 tỷ USD, lũy kế 7 tháng nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD).
Nhãn Sơn La lần đầu "đặt chân" sang EU và Anh
Mới đây, tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Nhãn Sơn La" và cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã-Sơn La xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Anh năm 2021.
Nhãn là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tỉnh Sơn La. Những năm trở lại đây, sản phẩm nhãn Sơn La đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Theo thống kê, năm 2021 diện tích nhãn toàn tỉnh Sơn La ước đạt hơn 19.200 ha, tập trung tại các huyện như Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La... sản lượng đạt 98.500 tấn; trong đó, 2.200 ha nhãn đủ điều kiện xuất khẩu, với sản lượng gần 22.000 tấn, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ, châu Âu.
Riêng huyện Sông Mã là vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La với trên 7.200 ha trồng nhãn; trong đó, gần 5.900 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh.
Thời điểm này đang là mùa thu hoạch nhãn, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu, tiêu thụ nhãn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sông Mã Nguyễn Văn Phương cho hay, việc xuất khẩu thành công sản phẩm nhãn sang thị trường EU và Anh đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, khẳng định được vị thế, giá trị của các mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế, góp phần thúc đẩy sản xuất tại cơ sở, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người trồng nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.
Mỹ ban hành kết luận rà soát chống bán phá giá ống dẫn dầu từ Việt Nam
Ngày 30/7, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Mỹ đã ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 3 (POR3) đối với sản phẩm ống dẫn dầu nhập khẩu từ Việt Nam.
Thông tin về vụ việc, Cục Phòng vệ thương mai cho hay, Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm ống dẫn dầu (oil country tubular goods-OCTG) có xuất xứ từ Việt Nam vào năm 2013 và ban hành quyết định cuối cùng vào năm 2014 với mức thuế CBPG cho các doanh nghiệp Việt Nam từ 9,57% đến 111,47%.
Ngày 28/7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết quả rà soát hành chính lần thứ 3 cho giai đoạn từ ngày 1/9/2018 - 31/8/2019 đối với sản phẩm này.
Theo đó, trong kết luận, DOC xác định mức thuế cho Công ty TNHH Thép Seah Việt Nam là 0% (không bán phá giá). Mức thuế đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu khác của Việt Nam là 111,47%. Kết quả này tương tự với các đợt rà soát trước đây.
Số liệu của Mỹ cho thấy, trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ống dẫn dầu sang thị trường này đạt xấp xỉ 17 triệu USD, chủ yếu từ Công ty TNHH Thép Seah Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, trường hợp các doanh nghiệp mới có nhu cầu xuất khẩu mặt hàng ống dẫn dầu sang Mỹ, có thể yêu cầu DOC rà soát theo cơ chế nhà xuất khẩu mới để được hưởng mức thuế riêng rẽ.
Để được hỗ trợ về quy trình, thủ tục rà soát theo cơ chế nhà xuất khẩu mới, doanh nghiệp liên hệ Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.