📞

Xuất khẩu ngày 4-8/12: Rau quả kiếm 'bộn tiền'; xuất nhập khẩu Việt Nam – Hoa Kỳ vượt mốc 100 tỷ USD

Vân Chi 22:22 | 08/12/2023
Xuất nhập khẩu Việt Nam – Hoa Kỳ vượt mốc 100 tỷ USD; rau quả kiếm "bộn tiền"; 10 tháng đầu năm 2023, cua ghẹ Việt Nam mang về 161 triệu USD ... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 4-8/12.
Hoà Bình xuất khẩu lô bưởi diễn đầu tiên sang Hoa Kỳ. (Nguồn: Báo Công Thương)

Xuất nhập khẩu Việt Nam – Hoa Kỳ vượt mốc 100 tỷ USD

Theo Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, trong 11 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88,05 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nhập khẩu từ Hoa Kỳ ước đạt 12,57 tỷ USD, giảm 6,4%. Như vậy, xuất siêu sang thị trường này ước đạt 75,45 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.

Việc kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều có sự sụt giảm do tình hình khó khăn chung trên thế giới. Dự báo thời gian tới, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều sẽ phục hồi.

Theo Bộ Công Thương, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ những năm qua đã có sự chuyển biến thực sự mạnh mẽ. Từ thời điểm năm 1994 đến nay, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD (năm 2022).

Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Mới đây, tại Phiên họp toàn thể Hội đồng thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu. Thứ trưởng nhấn mạnh, các nội dung liên quan tới sở hữu trí tuệ, thương mại số và dịch vụ, lao động và nông nghiệp sẽ là những nội dung cốt lõi của trụ cột hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị hai nước tăng cường các hoạt động trao đổi chính sách, củng cố lòng tin chiến lược, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư thông qua cơ chế đối thoại của Hội đồng TIFA.

Cũng theo Bộ Công Thương, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”.

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối.

Đồng thời tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại. Đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức. Đặc biệt, từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các “tiêu chuẩn sản xuất xanh”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ.

Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách, để giảm thiểu rủi ro.

Xuất khẩu viên nén “lỗi hẹn” với mục tiêu 1 tỷ USD

Xuất khẩu viên nén của Việt Nam đã tăng gấp 28 lần về khối lượng và 34 lần về giá trị trong 1 thập kỷ qua, kể từ năm 2013. Năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu 4,9 triệu tấn viên nén, kim ngạch đạt 790 triệu USD, tăng 30% về lượng và 67% về giá trị so với năm 2021.

Đầu năm 2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu viên nén đạt mốc 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sau thời gian “sốt” (năm 2022), xuất khẩu viên nén đã suy giảm trong năm 2023.

Theo Viforest, giá trị xuất khẩu viên nén tháng 11/2023 chỉ đạt 58 triệu USD, lũy lế 11 tháng đạt 597 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu viên nén đạt 1 tỷ USD trong năm nay đã không trở thành hiện thực.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Forest Trends với tựa đề “Ngành viên nén gỗ Việt Nam: Thực trạng và tương lai” cho biết trong 3 quý đầu năm 2023, xuất khẩu viên nén của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản đạt 2 triệu tấn, tương đương gần 82% lượng xuất khẩu vào thị trường này năm 2022. Trong khi đó, lượng viên nén xuất khẩu vào Hàn Quốc cũng trong 3 quý chỉ đạt gần 1,3 triệu tấn, tương đương 56% lượng xuất vào thị trường này trong cả năm 2022.

Lượng viên nén của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc giảm không phải là giảm cầu tại thị trường này mà do các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu viên nén từ các nguồn cung khác, bao gồm cả nguồn cung từ Nga.

“Tại thị trường Hàn Quốc, dư địa phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai không nhiều. Hiện một số doanh nghiệp của Hàn Quốc, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, vẫn tiếp tục mua nguồn viên nén từ Nga. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới còn sử dụng nguồn cung từ Nga”, TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp Forest Trend nhận định.

Một số doanh nghiệp Việt Nam hiện đang xuất khẩu viên nén vào Hàn Quốc, cho biết các nhà mua lớn của Hàn Quốc đang bắt đầu đòi hỏi các bằng chứng về truy xuất nguồn gốc. Theo đánh giá của các doanh nghiệp này, trong 4 - 5 năm tới, yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ là bắt buộc đối với các sản phẩm xuất khẩu vào Hàn Quốc.

Đối với thị trường Nhật Bản, TS Tô Xuân Phúc cho rằng ngành viên nén Việt Nam vẫn có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Viên nén xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản luôn đòi hỏi phải có chứng chỉ bền vững. Theo đánh giá của các doanh nghiệp viên nén, nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ tại Nhật Bản sẽ mở rộng gấp 3 lần so với hiện tại. Hiện Việt Nam đang cung khoảng 80% viên nén cho thị trường này. Cơ hội mở rộng thị phần tại đây là rất lớn.

Rau quả kiếm "bộn tiền"

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm 2023 dự kiến sẽ đạt khoảng 5,5 - 5,6 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay.

Tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 375,478 triệu USD, giảm 38,4% với tháng trước (tháng 10/2023 đạt 608,790 triệu USD) và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, 11 tháng 2023, xuất khẩu rau quả đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ 11 tháng 2022.

Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu nhập khẩu rau quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 66%, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ở chiều ngược lại, tháng 11/2023, Việt Nam nhập khẩu 153,696 triệu USD rau quả, giảm 5,6% so với tháng 10 và giảm 0,7% so với cùng kỳ. Sau 11 tháng, Việt Nam nhập khẩu 1,77 tỷ USD, giảm 5,8 % so với cùng. Như vậy, giá trị xuất siêu rau quả 11 tháng 2023 đạt trên 3,4 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, sắp tới, Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký nghị định thư cho sản phẩm dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu theo nghị định thư. Thứ trưởng kỳ vọng, khi triển khai được các nghị định thư này sẽ đóng góp thêm vào xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội ngành hàng đặc biệt lưu ý về chất lượng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, cơ sở đóng gói. Thị trường mở rộng, các ngành hàng cần thực hiện nghiêm chỉnh theo các nghị định thư đã ký kết.

10 tháng đầu năm 2023, cua ghẹ Việt Nam mang về 161 triệu USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi sụt giảm liên tục trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam có xu hướng phục hồi vào nửa cuối năm.

Tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu cua ghẹ đã tăng 25% so với cùng kỳ, lên mức gần 25 triệu USD. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nhóm sản phẩm này đạt 161 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, 44% kim ngạch xuất khẩu là từ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là các sản phẩm cua ghẹ và giáp xác khác muối, sống tươi và đông lạnh, với giá trị gần 61 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cua ghẹ và giáp xác khác của Việt Nam đều giảm, trừ các mặt hàng chế biến khác tăng 26%.

Tính đến hết tháng 10/2023, các sản phẩm cua ghẹ và giáp xác khác của Việt Nam đã xuất khẩu sang 32 thị trường trên thế giới. (Nguồn: VASEP)

Trong đó, có 5 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất 10 tháng đầu năm 2023 lần lượt là Trung Sơn Long An, Trung Sơn Hưng Yên, Trinity Việt Nam, Seafood Việt Nam và Chế biến Thủy hải sản Trans Pacific.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực là cua ghẹ, giáp xác khác muối, sống tươi và đông lạnh đạt trị giá gần 61 triệu USD, tương đương chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm này trong 10 tháng.

Tính đến hết tháng 10/2023, các sản phẩm cua ghẹ và giáp xác khác của Việt Nam đã xuất khẩu sang 32 thị trường trên thế giới. Năm 2023, do ảnh hưởng của lạm phát khiến cho nhu cầu tiêu dùng, đơn hàng bị hạn chế, nên thị trường xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác của Việt Nam bị thu hẹp hơn so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác của Việt Nam sang các thị trường chính vẫn giảm so với cùng kỳ, như Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) giảm 75%, Pháp giảm 41%, hay Anh giảm 23%... Tuy nhiên, cũng có một số thị trường tăng nhập khẩu như Nhật Bản tăng 38%, Mỹ tăng 2% và Canada tăng 22%.

Từ đầu năm 2023 đến này, Nhật Bản là nước duy nhất liên tục tăng nhập khẩu cua ghẹ của Việt Nam. Cùng với Nhật Bản, Canada cũng là nước tăng mạnh nhập khẩu cua ghẹ từ Việt Nam trong nhiều tháng kể từ đầu năm, có những tháng xuất khẩu sang nước này tăng tới 3 con số.

(tổng hợp)