Hàng Việt sang Nga giảm sâu do chiến sự Nga-Ukraine
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan công bố hôm 7/4, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nga trong tháng 3 giảm sâu, chỉ đạt 46,9 triệu USD, bằng 14% và 26% so với tháng 1 và 2.
Theo đó, trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga giảm ở tất cả các mặt hàng. Cụ thể, nhóm xuất khẩu chủ lực gồm điện thoại các loại và linh kiện thu về gần 5 triệu USD, trong khi tháng 2 đạt 42 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 4,7 triệu USD, trong khi tháng 2 đạt 27,7 triệu USD.
Trị giá xuất khẩu nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng giảm còn 4,3 triệu USD, chỉ bằng 17% so với tháng 2.
Không chỉ các mặt hàng công nghiệp nói trên, nhóm hàng nông nghiệp như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, hàng rau quả và thủy sản cũng giảm mạnh tới 30-80% so với tháng 2.
Trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga giảm ở tất cả các mặt hàng. (Nguồn: VnEconomy) |
Cùng với thị trường Nga, hàng hóa của Việt Nam xuất sang Ukraine trong tháng 3 chỉ đạt 1,3 triệu USD, giảm gần 10 lần so với mức tháng 2 là 12,9 triệu USD.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, lý do xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga, Ukraine giảm mạnh như nêu trên là do chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine bắt đầu nổ ra từ 24-2 cho đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Nhiều lô hàng đã làm thủ tục xuất khẩu vào 2 thị trường này buộc phải hủy.
Nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan khuyến cáo nhà xuất khẩu nào có hàng hóa không xuất vào được thị trường Nga và Ukraine, muốn đưa hàng về Việt Nam hoặc chuyển bán cho đối tác khác thì liên hệ với cơ quan hải quan để được hỗ trợ kịp thời.
Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, cho biết Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan địa phương hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục khai, sửa đổi bổ sung thông tin trên tờ khai hải quan khi tái nhập hàng hóa.
Lưu ý về quy định xuất xứ hàng hóa mới của Ấn Độ
Ngày 6/4, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp các doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thủ tục kiểm tra xuất xứ hàng hoá đối với hàng nhập khẩu theo quy định của Ấn Độ”.
Phát biểu khai mạc, ông T.K.Pandey - Giám đốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp các doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ chỉ ra rằng, thị trường Ấn Độ đang mở cửa mạnh mẽ với việc Ấn Độ vừa ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với UAE và trong năm 2022 có thể ký với một số quốc gia khác như Anh, EU, Canada, cộng đồng các nước vùng vịnh.
Dòng hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ đã tăng lên nhiều trong những năm qua. Do đó, để kiểm soát chất lượng hàng hóa và đảm bảo sự công bằng trên thị trường, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành Quy tắc Hải quan (Quản lý Quy tắc xuất xứ theo Hiệp định Thương mại - CAROTAR năm 2020).
Tại Hội thảo, ông Yogesh Gaba đã trình bày những quy định, điều khoản chính của CAROTAR 2020. Để nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Ấn Độ, các công ty nhập khẩu ở Ấn Độ phải cung cấp thông tin chi tiết về quốc gia xuất xứ (COO) cho các cơ quan chức năng của Ấn Độ để tiến hành thủ tục xác minh khi cần thiết. CAROTAR cũng yêu cầu nhà xuất khẩu đảm bảo đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo quy định như yêu cầu về tỷ lệ gia công, nội địa hóa sản phẩm tại nước xuất khẩu phải đáp ứng được yêu cầu từ 35% trở lên, doanh nghiệp nhập khẩu cũng phải thực hiện thẩm định cơ bản trước khi nhập khẩu hàng hóa đó.
Trường hợp chưa hoàn thành thủ tục xác minh, doanh nghiệp nhập khẩu muốn thông qua lô hàng thì sẽ phải đặt một khoản tiền bảo lãnh bằng chênh lệch giữa thuế thông thường và thuế ưu đãi.
Theo Quy tắc 3, CAROTAR 2020, để được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo hiệp định thương mại, tại thời điểm nộp đơn xin nhập khẩu, nhà nhập khẩu hoặc đại lý phải (a) kê khai, ghi rõ trên vận đơn và tờ khai nhập khẩu (Bill of Entry) về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa (b) ghi rõ trong hóa đơn nhập cảnh thông báo thuế quan tương ứng đối với từng mặt hàng; (c) xuất trình giấy chứng nhận xuất xứ đối với từng mặt hàng được yêu cầu thuế suất ưu đãi; và (d) nhập chi tiết chứng nhận xuất xứ vào vận đơn.
Ông Yogesh cũng lưu ý trong trường hợp nếu Chứng nhận về xuất xứ (COO) không được xuất trình tại làm tờ khai hải quan (Bill of Entry) thì ưu đãi thuế quan sẽ không được áp dụng tại thời điểm đó. Tuy nhiên, nhà nhập khẩu có thể bổ sung COO trong khoảng thời gian nhất định để được hưởng thuế suất ưu đãi.
Bên cạnh đó, ông Yogesh nhấn mạnh những yêu cầu về COO hết sức nghiêm ngặt, ví dụ, nếu trong lô hàng có 15 loại sản phẩm, nhưng chỉ 1 loại sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về COO thì toàn bộ 14 sản phẩm còn lại cũng đều không được chấp thuận.
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu sắn
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu sắn đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và 16,5% về trị giá so với năm 2020. Sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong những mặt hàng nông sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong năm qua.
Những tháng đầu năm 2022, sau sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 và 2, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 3 có xu hướng tăng trở lại. Theo ước tính, tháng 3/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 450 nghìn tấn, trị giá 202 triệu USD, tăng 80,6% về lượng và tăng 97,1% về trị giá so với tháng 2/2022; so với tháng 3/2021 tăng 51% về lượng và tăng 79,1% về trị giá.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước tính đạt khoảng 970 nghìn tấn, trị giá 420 triệu USD, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 15,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện sắn và sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam và là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới về sản lượng chỉ sau Thái Lan, Campuchia và đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu chỉ sau Thái Lan.
Cảnh báo lừa đảo trong xuất khẩu sang thị trường Nigeria
Theo ông Trần Hùng Cường - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nigeria, hiện tượng lừa đảo trong giao dịch kinh doanh tại Nigeria nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung vẫn thường diễn ra.
Hình thức lừa đảo của các đối tượng tương đối đa dạng, có thể lừa đảo trong đấu thầu, trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo thường ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện giao 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng sản phẩm tốt nhằm tạo ra sự tin tưởng. Từ hợp đồng thứ ba, đối tượng yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30% - 50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này và không giao hàng.
Một điểm nữa, doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán khi hầu hết các nước khu vực Tây Phi sử dụng hình thức thanh toán có độ rủi ro nhất định như T/T, D/A, D/P.
“Việc thẩm tra, xác minh kỹ đối tác là cần thiết để tránh rủi ro khi ký hợp đồng xuất khẩu - nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng nên áp dụng hình thức thanh toán thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (L/C)”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nigeria nhấn mạnh.
Ông Trần Hùng Cường cũng khuyến cáo: Trường hợp thanh toán theo hình thức đặt cọc, doanh nghiệp nên yêu cầu đối tác đặt cọc từ 30-50% giá trị đối với các đơn hàng mới và lần đầu. Không nên chuyển tiền với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị, như: Phí môi giới, phí luật sư...
Với hoạt động nhập khẩu về Việt Nam, cần tiến hành kiểm định hàng hóa tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu hoặc thuê các công ty kiểm định có uy tín để đảm bảo chất lượng. Trong giai đoạn đầu nên sang trực tiếp để gặp gỡ nhà cung cấp, giám sát việc thu mua và chất hàng lên tàu.
Ngao Việt Nam "hút" khách, "có bao nhiêu Mỹ, Nhật Bản cũng mua hết"
Dây chuyền chế biến thịt ngao đông lạnh tại nhà máy của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Theo ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, sản phẩm ngao của Việt Nam có tiềm năng cả về thị trường nội địa và xuất khẩu và "có bao nhiêu Mỹ, Nhật Bản cũng mua hết".
Về xuất khẩu của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, năm 2020 đạt 11,8 triệu USD; 2021 đạt 14,5 triệu USD. Đối với thị trường nội địa, năm 2020 đạt 33 tỷ đồng và năm 2021 tăng lên tới 49 tỷ đồng. Dự kiến 2022 là 70 tỷ đồng.
Ông Nguyên khẳng định, ngao của Việt Nam có tiềm năng rất lớn cả về thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thế nhưng, ông Nguyên cho rằng, phát triển ngành nhuyễn thể của Việt Nam, trong đó có ngao vẫn chưa bền vững.
Hiện, thị trường xuất khẩu ngao của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam 90% sang châu Âu. Và size ngao quanh quẩn 60, 80 và 100 con/kg, thậm chí 120-130 con/kg. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường này đòi hỏi ngao 40 - 60 con/kg.
Thị trường Mỹ, Nhật Bản đưa ra yêu cầu ngao size từ 20 - 40 con/kg. "Họ nói có bao nhiêu cũng mua hết. Nhưng chúng tôi không có đủ nguyên liệu là con ngao hoa", ông Nguyên cho biết.
Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, EU vẫn là thị trường nhập khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 71%, tiếp đó là Mỹ 14% và Nhật Bản 3%.