Quý I, lượng nhập khẩu gạo Việt của Chile đạt 4.729 tấn, tăng 3.683,2% về lượng và trị giá đạt hơn 2,1 triệu USD. (Nguồn: TTXVN) |
Thêm một quốc gia tăng đột biến nhập khẩu gạo của Việt Nam
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2023 cả nước xuất khẩu 961.608 tấn gạo, tương đương 508,97 triệu USD, giá trung bình 529,3 USD/tấn, tăng 79,9% về lượng và tăng 77,9% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 1,1% về giá so với tháng 2/2023. So với tháng 3/2022, sản lượng đã tăng 81% và kim ngạch tăng 93,6% trong khi giá gạo xuất khẩu tăng 7%.
Tính chung cả quý I/2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 1,85 triệu tấn, tương đương gần 981,39 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng, tăng 34,3% về kim ngạch so với quý I/2022, giá trung bình đạt 529 USD/tấn, tăng 8,8%.
Đáng chú ý trong quý I vừa qua, Indonesia bất ngờ tăng cường nhập khẩu gạo của Việt Nam khi sản lượng xuất khẩu đạt 148.587 tấn, tương đương 69,73 triệu USD, tăng mạnh 17.932 về lượng và tăng 17.663% về kim ngạch.
Bên cạnh Indonesia, xuất hiện thêm một quốc gia tăng đột biến lượng nhập khẩu gạo từ Việt Nam với kim ngạch tăng đến 3638,2% so với cùng kỳ quý I/2022. Cụ thể, trong quý I, lượng nhập khẩu gạo Việt của Chile đạt 4.729 tấn, tăng 3683,2% về lượng và trị giá đạt hơn 2,1 triệu USD, tương đương với mức tăng 2.432,82% về kim ngạch, đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng mức tăng nhập khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2023.
Trong năm 2022, lượng gạo xuất khẩu sang Chile chỉ ở mức rất khiêm tốn. Tổng kết cả năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Chile chỉ đạt 262 tấn, trị giá 192.035 USD.
Về sản lượng gạo, báo cáo của Statista cho biết trong niên vụ 2019-2020, sản lượng gạo của Chile đạt 169.700 tấn và không có biến động nhiều qua các năm. Còn tại Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp, Phát triển và Nông thôn, trung bình một năm, Việt Nam sản xuất khoảng 26-28 triệu tấn gạo, sau khi dành cho tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo/năm, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long-vựa lúa chính chiếm đến hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Như vậy sản lượng gạo của Việt Nam gấp đến hơn 150 lần so với quốc gia này.
Về triển vọng xuất khẩu gạo trong năm 2023, ngày 27/3, Indonesia quyết định sẽ nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023. Trong đó 500 nghìn tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo đạt mức 6,5-6,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD. Nhu cầu nhập khẩu gạo để tăng cường dự trữ lương thực của các thị trường lớn sẽ mở ra nhiều triển vọng cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Hàng công nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường RCEP tăng 23%
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước năm 2022 ước đạt 45,75 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2021; chiếm tỷ trọng 12,32% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong đó, giá trị xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI đạt 42,55 tỷ USD, tăng 19,38%, chiếm 93% kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu sang khu vực thị trường RCEP đạt 13 tỷ USD, tăng 23% so với 2021 chiếm tỷ trọng hơn 28%. Tiếp đến là khối CPTPP đạt 6,14 tỷ USD, tăng 21%, khối thị trường thuộc EVFTA với 27 nước thành viên EU đạt 5,63 tỷ USD, tăng 38,5%, chiếm tỷ trọng 12%.
Về chủng loại, thống kê cho thấy, nhóm máy móc, thiết bị điện và điện tử được xuất khẩu nhiều nhất trong năm 2022, chiếm tỷ trọng tới hơn 73,24% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước. Dẫn đầu là chủng loại thiết bị điện dùng cho điện thoại hữu tuyến (HS 8517) với tổng kim ngạch đạt 20,76 tỷ USD, tăng 39,41% so với năm 2021.
Tiếp đến là các chủng loại: biến thế điện, máy biến đổi điện tĩnh (HS 8504) đạt hơn 4,08 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 8,93%; ắc quy điện (HS 8507) đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 4,58%; động cơ điện và máy phát điện (HS 8501) đạt 1,79 tỷ USD, chiếm 3,92%...
Các sản phẩm máy móc thiết bị đạt sản lượng cao trong năm 2022 là: động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều đạt 390,56 triệu chiếc; động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W đạt 373,76 triệu chiếc; máy khâu loại dùng cho gia đình đạt 4,35 triệu cái; máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu đạt hơn 1,95 triệu cái… được sản xuất chủ yếu tại các tỉnh thành: Đồng Nai, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội…
Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Hoa Kỳ tiếp tục giảm sâu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Hoa Kỳ, trong quý I/2023 giảm tới 53%, đạt 64 triệu USD.
Hiện xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đều giảm so với cùng kỳ, trừ phi lê cá ngừ hấp đông lạnh (mã HS16) tăng 20%. So với cùng kỳ năm trước, giá trung bình xuất khẩu nhóm mặt hàng này giảm 20%.
Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Hoa Kỳ, trong quý I/2023 giảm tới 53%, đạt 64 triệu USD. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Tồn kho nhiều, lạm phát cao tại Hoa Kỳ đã ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của người tiêu dùng trong giai đoạn đầu năm 2023.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu cá ngừ của Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2023 đang giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Hoa Kỳ có xu hướng giảm nhập khẩu cá ngừ từ các nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam hay Indonesia, tăng nhập khẩu cá ngừ từ các nước trong cùng khu vực như Mexico hay Ecuador.
Việt Nam hiện vẫn đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Hoa Kỳ sau Thái Lan, Indonesia. Thị phần của Việt Nam tại thị trường cá ngừ Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2023 đã bị thu hẹp từ 21% xuống còn 11%.
Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Hoa Kỳ trong quý I/2023 cũng giảm chỉ còn 36 doanh nghiệp. Trong đó, Mariso Vietnam, Mowi Vietnam và Dragon Waves là 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Hoa Kỳ.