Khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh tới 30,4%, đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD. (Nguồn: Lao Động) |
Từng bước cân bằng thương mại giữa Việt Nam và Argentina
Tại buổi làm việc với Đại sứ mới được bổ nhiệm của Cộng hòa Argentina tại Việt Nam Luis Pablo Maria Beltramino, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp với Đại sứ quán Argentina tại Việt Nam để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước".
Về kim ngạch thương mại hai chiều, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ sự vui mừng trước tốc độ tăng trưởng ổn định của kim ngạch thương mại song phương trong những năm gần đây. Năm 2020, bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai nước vẫn đạt 3,95 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2019.
Argentina hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh (sau Brazil và Mexico), chính vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng Đại sứ Luis Pablo Maria Beltramino và Đại sứ quán Argentina tại Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, kết nối giao thương, cung cấp thông tin để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Argentina, từng bước cân bằng cán cân thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Argentina.
Về phần mình, Đại sứ Luis Pablo Maria Beltramino bày tỏ sự vui mừng trước tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương và tin rằng dưới môi trường kinh doanh giữa hai nước sẽ ngày càng được nâng cao, từ đó tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp của cả hai bên.
Cùng với đó, Đại sứ khẳng định sẽ nỗ lực giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thương mại song phương, đồng thời xúc tiến các hoạt động trao đổi đa lĩnh vực giữa hai nước.
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, hai bên thống nhất tổ chức Kỳ họp lần VII Ủy ban liên Chính phủ về Hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ trong năm 2021.
Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 2/2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 440 triệu USD giảm 3,22% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Argentina đạt 174 triệu USD, tăng 164,52% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Argentina đạt 266 triệu USD, giảm 31,61%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Đại sứ Argentina tại Việt Nam Luis Pablo Maria Beltramino trong buổi làm việc mới đây. |
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, về thị trường xuất khẩu hàng hóa quý I/2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 21,2 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 34,3%; thị trường EU đạt 9,6 tỷ USD, tăng 14,2%; thị trường ASEAN đạt 6,5 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 5 tỷ USD, tăng 6,4%; Nhật Bản đạt 4,9 tỷ USD, giảm 1,5%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2021 ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 4,9%, chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,04 tỷ USD, tăng 28,5%, chiếm 76,3%.
Trong quý I có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 54,7%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2021 đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,05 tỷ USD, tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 50,26 tỷ USD, tăng 31,5%.
Trong quý I năm 2021, 15 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (2 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 36,7%).
Nguyên nhân xuất khẩu gạo giảm 30,4% trong quý I/2021
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh tới 30,4%, đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD. Do giá gạo tăng cao nên giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ giảm ở mức 17,4%.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết giá trị xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm tăng cao rất nhiều so với cùng kỳ các năm.
Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu lại giảm so với cùng kỳ năm 2020, nguyên nhân chính vì ngay từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp không thuê được container, một số thuê được thì số lượng cũng rất hạn chế.
Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cũng cho biết: Giá cước tàu biển và giá thuê container rỗng tăng cao ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu, trong đó có mặt hàng gạo.
Giải thích thêm về nguyên nhân xuất khẩu gạo giảm, nhiều thương nhân cho biết: Trong 3 tháng qua, các thị trường nhập khẩu nhiều gạo của Việt Nam như Philippines và Trung Quốc lại giảm lượng gạo nhập 32,8% nên xuất khẩu gạo quý I/2021 bị giảm.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm này, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, riêng trong 2 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo sang quốc gia này đã chiếm tới 38,3% thị phần. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu sang Philippines đã giảm 28,3%, chỉ đạt 225,9 nghìn tấn với 137,6 triệu USD.
Ở các thị trường nhỏ hơn, khối lượng xuất khẩu gạo cũng bị giảm sút. Trong đó, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Mozambique (giảm 83,6%).
Tin liên quan |
Truyền thống quốc tế: Ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tiếp tục đưa đất nước hoàn thành mục tiêu kép |
Khó khăn chồng chất với doanh nghiệp xuất khẩu
Kể từ cuối tháng 3/2021, sự cố kênh đào Suez đã khiến tình hình thuê container căng thẳng trở lại. Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang bất an bởi mọi chi phí từ giá thành đầu vào, logistics, thuê container đóng hàng xuất khẩu đều ở mức cao ngất ngưởng.
Mỗi tháng, Công ty CP XNK Hàng Việt (Furnist) xuất khẩu một lô hàng đồ gỗ đến thị trường châu Âu. Nếu như trước dịch bệnh Covid-19, giá cước vận chuyển một lô hàng từ Việt Nam đến cảng Hamburg của Đức chỉ khoảng 3.000 USD thì nay tăng thêm khoảng 5.000 USD. Do bán theo hình thức FOB nên đối tác của doanh nghiệp này rất ngại chuyện đặt các đơn hàng mới, do giá vận chuyển đã bằng giá hàng. Từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của công ty.
Tương tự, với ngành thủy sản, kể từ cuối năm 2020, tình trạng căng thẳng phí thuê container rỗng đã kéo kim ngạch xuất khẩu của thủy sản chậm lại. Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết: Ngành thủy sản đang phải đối mặt với việc giá thuê container lạnh để xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, châu Âu quá cao do vấn đề thiếu container…
Ngoài ra, ngay tại nội địa, chi phí logistics hiện cũng đang ở mức rất cao, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí vận hành của doanh nghiệp.
“Các chi phí logistics gồm chi phí vận chuyển nội địa, cước thuê container rỗng đang ở mức cao ngất ngưởng, đó là chưa kể giá thu mua nguyên liệu đầu vào cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ dẫn tới giá cạnh tranh của sản phẩm giảm so với các đối thủ khác” - ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice - quan ngại.
Theo giới phân tích, ngành hậu cần vốn đã bị tê liệt vì dịch bệnh kéo dài hơn 1 năm qua thì gần đây xuất hiện thêm sự cố tàu Ever Given ở kênh đào Suez nên trong ngắn hạn việc tắc nghẽn tàu container tại các cảng châu Âu sẽ khiến việc đặt tàu xuất khẩu quay đầu ngược về châu Á trở nên phức tạp hơn nhiều.
Nhiều ý kiến còn dự báo rằng, phải tới trước Tết Nguyên đán năm 2022 (tức tháng 2 năm sau) tình hình mới có thể trở lại bình thường.
Giá xuất khẩu hạt điều giảm
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính xuất khẩu hạt điều tháng 3/2021 đạt 41 nghìn tấn, trị giá 240 triệu USD, tăng 86,5% về lượng và tăng 88,2% về trị giá so với tháng 2/2021, so với tháng 3/2020 giảm 6,8% về lượng và giảm 22,5% về trị giá.
Tính chung quý I/2021, xuất khẩu hạt điều ước đạt 108 nghìn tấn, trị giá 634 triệu USD, tăng 13,2% về lượng, nhưng giảm 5,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong tháng 3/2021 ước đạt 5.854 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng 2/2021, nhưng giảm 16,9% so với tháng 3/2020. Tính chung quý I/2021, giá xuất khẩu bình quân hạt điều ước đạt 5.862 USD/tấn, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, quý I/2021 ngành điều vẫn xuất khẩu tốt, tăng mạnh về khối lượng nhưng giá xuất khẩu thấp hơn so với quý I/2020, vì vậy kim ngạch xuất khẩu tăng không tương xứng với mức tăng khối lượng.
Có một nghịch lý là giá xuất khẩu nhân điều chưa tăng nhưng giá nhập khẩu điều thô vẫn tăng do công suất chế biến điều của các nhà máy chế biến điều quá lớn nên luôn trong tình trạng "đói" nguyên liệu.
Do đó, dẫn đến chuyện các nhà máy tranh nhau mua nguyên liệu còn nhân điều vẫn đủ cung cấp cho thị trường. Trong khi đó, giá xuất khẩu điều thấp là hệ quả của dịch Covid-19 làm giá đi xuống từ năm ngoái.