📞

Xuất khẩu ngày 7-9/4: Giá gạo xuất khẩu tăng cao kỷ lục; nhóm hàng chủ lực 'đuối sức'

Vân Chi 12:15 | 11/04/2023
Giá gạo xuất khẩu tăng cao nhất 10 năm qua; nhóm hàng chủ lực "đuối sức"; Việt Nam lọt top 4 quốc gia châu Á xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 7-9/4.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất trong 10 năm qua. (Nguồn: VnEconomy)

Giá gạo xuất khẩu tăng cao nhất 10 năm qua

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu tháng 3/2023 đạt 900 nghìn tấn, giá trị 480 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,79 triệu tấn và 952 triệu USD. Xuất khẩu gạo quý I/2023 tuy giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giá xuất khẩu gạo bình quân cao nhất trong 10 năm qua.

Sở dĩ giá gạo xuất khẩu tăng cao là nhờ tỷ trọng các loại gạo phẩm cấp cao (gạo thơm, gạo nếp, gạo đặc sản…) có giá bán cao đã tăng mạnh. Hiện tỷ trọng gạo phẩm cấp cao đã chiếm 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, với giá bán dao động từ 600 USD/tấn đến 1000 USD/tấn.

Trong quý I/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đạt trung bình khoảng 450 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt khoảng 430 USD/tấn, cao hơn giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Thái Lan và Ấn Độ.

Trên thị trường gạo châu Á, trong đầu của tháng 4/2023, giá gạo xuất khẩu Việt Nam điều chỉnh tăng mạnh. Theo đó, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam hiện dạt lần lượt 473 USD/tấn và 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với thời điểm 31/3/2023.

Nhìn lại quý đầu năm 2023, Philippines vẫn đang là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 43,3% thị phần xuất khẩu gạo của cả nước nước ta. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 3 tháng đạt 608 nghìn tấn và 409 triệu USD.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai của Việt Nam. Trong quý đầu năm 2023, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng 86% về lượng và tăng 120% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đạt trung bình 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước,

Theo các doanh nghiệp, thị trường Trung Quốc đã trở nên khó tính, chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, như gạo thơm và gạo nếp. Đó là lý do khiến giá gạo xuất khẩu bình quân vào thị trường này tăng mạnh.

Bên cạnh đó, các loại gạo phổ thông và tấm của Việt Nam giá cũng khá cao. Sang đầu quý II/2023, nhập khẩu gạo từ Việt Nam của các thương nhân Trung Quốc vẫn đang cao, nhất là với gạo nếp và gạo thơm.

Việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2023, song Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng thị trường Trung Quốc vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác.

Trong quý I/2023, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam sau Philipines và Trung Quốc. Lượng gạo xuất khẩu sang Indonesia trong quý đầu năm đạt 286 nghìn tấn, và 136 triệu USD; chiếm 16% trong tổng lượng và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước".

Nhóm hàng chủ lực "đuối sức"

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15%).

Cụ thể, về xuất khẩu, mặc dù trong tháng 3/2023 có sự hồi phục, ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước nhưng giảm tới 14,8% so với cùng kỳ năm trước do những khó khăn trong sản xuất và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu… Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,33 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,24 tỷ USD, tăng 13,7%.

Tính chung quý I/2023, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%); trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%), điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong quý I/2023, có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).

Về xuất khẩu các nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản quý 1/2023, đạt 6,86 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong nhóm này gồm: rau quả, tăng 10,6%; nhân điều tăng 14,2%; gạo tăng 30,2%. Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng giảm trong nhóm này như: thủy sản giảm 29%; cao su giảm 22,9%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 5,5%.

Điểm nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản là xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và về trị giá xuất khẩu. Ước tính xuất khẩu gạo tháng 3/2023 so với tháng trước tăng 68,3% về lượng và tăng 67,6% về kim ngạch; so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 69,3% về lượng và tăng 82,3% về kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo quý 1/2023 suy giảm mạnh, ước đạt 67,5 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh.

Nhìn chung, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều giảm so với quý I/2022.

Trong quý I/2023, chỉ có số ít mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái là giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,4%; thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh tăng 63%; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,8%.

Đối với xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản, trong quý I/2023 cũng ghi nhận sụt giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do sự sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu than đá (giảm 97,8%) và xuất khẩu quặng và khoáng sản khác (giảm 28,9%). Điểm sáng duy nhất trong xuất khẩu nhóm hàng này là xuất khẩu dầu thô tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong quý I/2023 đều giảm.

Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,57 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 21,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 11,54 tỷ USD, giảm 13,8%; EU đạt 10,37 tỷ USD, giảm 10,8%; ASEAN đạt 8,34 tỷ USD, tăng 2%; Hàn Quốc đạt 5,8 tỷ USD, giảm 5,5%; Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 0,9%.

Việt Nam lọt top 4 quốc gia châu Á xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ

Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia dẫn đầu việc gia tăng mạnh xuất khẩu chip bán dẫn vào thị trường Mỹ trong năm nay. Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu của Mỹ trên toàn thế giới trong 7 tháng liên tiếp.

Theo dữ liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ (US Census), nhập khẩu chip bán dẫn của nước này đạt 4,86 tỷ USD trong tháng 2/2023, tăng 17% so với năm 2022. Khu vực châu Á chiếm 83% trong tổng số chip bán dẫn Mỹ đã nhập khẩu trên toàn thế giới.

Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia dẫn đầu xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ. (Nguồn: AL ARABYA)

Ấn Độ chứng kiến việc xuất khẩu các lô hàng chip bán dẫn vào Mỹ tăng 34 lần, đạt 152 triệu USD; trong khi Campuchia đạt mức tăng trưởng ấn tượng 698%, ở mức 166 triệu USD, doanh thu chưa từng có trong những năm trước.

Theo Bloomberg, Việt Nam và Thái Lan đều có thị trường sản xuất chip bán dẫn lớn, và cũng đã tăng thương mại với Mỹ trong lĩnh vực này lần lượt là 75% và 62%.

Riêng Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu của Mỹ trên toàn thế giới trong 7 tháng liên tiếp.

Trong tháng 2/2023, Việt Nam đã xuất khẩu chip vào Mỹ đạt doanh số 562,5 triệu USD, so với tháng 2/2022 chỉ có 321,7 triệu USD. Xét về mặt doanh số, Việt Nam đứng hạng 3 châu Á - sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) trong việc xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ.

Các quan chức Mỹ gần đây bày tỏ lo ngại ngày càng tăng về sự phụ thuộc quá mức của đất nước họ vào các nhà cung cấp chip nước ngoài, chẳng hạn như từ Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan để sản xuất chip tiên tiến nhất.

Số liệu tháng 2 là số liệu mới nhất cho thấy Mỹ đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng điện tử của mình, và thông qua các động thái như Apple Inc. chuyển dần việc sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc sang Ấn Độ.

(tổng hợp)