Trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 57 tỷ USD. (Nguồn: VOV) |
Xuất nhập khẩu 7 tháng đạt 375 tỷ USD
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 57 tỷ USD, tăng 3,9% so với tháng trước, giúp quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả 7 tháng đã qua của năm 2021 đạt 375 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu đạt 27,9 tỷ USD, tăng 2,4% và nhập khẩu đạt tới 29,1 tỷ USD, tăng 5,3%.
Sự tăng trưởng nêu trên là rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước, nhất là các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…
Như vậy, lũy kế hết tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 375 tỷ USD, tăng mạnh 30,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất khẩu đạt 186,4 tỷ USD, tăng 26,2% và nhập khẩu đạt 188,8 tỷ USD, tăng 35,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7 thâm hụt 1,25 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thâm hụt trong 7 tháng đầu năm lên 2,4 tỷ USD, ngược lại với con số xuất siêu 8,7 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo gặp khó
Trong tháng 7/2021, giá gạo xuất khẩu chào bán trên thế giới bình quân đạt 421 USD/tấn, là mức thấp nhất trong vòng 1 năm đối với gạo Việt Nam; trong vòng 19 tháng đối với gạo Thái Lan và trong vòng 7 tháng đối với gạo Ấn Độ.
Riêng đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam, giá gạo trắng 5% tấm bình quân trong tháng 7 ở mức 465-470 USD/ tấn, là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống 1.509,6 nghìn ha lúa, ít hơn cùng kỳ năm 2020 là 14.454 nghìn ha.
Đến nay, vụ lúa Hè Thu đã thu hoạch 702 nghìn ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 123,3 nghìn ha; sản lượng 4.059 nghìn tấn, thấp hơn cùng kỳ 793 nghìn tấn. Dự kiến, thu hoạch trong tháng 8/2021 được 680 nghìn ha.
Thu hoạch lúa Hè Thu bị chậm lại làm chậm tiến độ xuống giống lúa Thu Đông. Mặt khác, xe vận chuyển giống không lưu thông được qua địa bàn các tỉnh do thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ.
Về tình hình thu mua lúa gạo vụ hè thu 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết, hiện sản lượng thu mua sụt giảm 20-30%.
Nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng lúa hàng hóa: từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu xuất khẩu. Trong khi, kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng đường bộ hay đường thủy. Một số doanh nghiệp phải đang thực hiện hợp đồng từ tồn kho, chưa mua cho hợp đồng mới.
Xi măng, sắt thép tăng trưởng xuất khẩu giữa đại dịch
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là cước phí vận chuyển tăng cao, nhưng 2 ngành công nghiệp nặng là xi măng, sắt thép không những không bị tác động mà còn có mức tăng xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2021, ngành xi măng đã xuất khẩu 24,35 triệu tấn sản phẩm xi măng, clinker, trị giá 945 triệu USD, tăng lần lượt 23,7% và 28,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng so với sắt thép thì mức tăng của xi măng chưa thấm vào đâu. 7 tháng qua, các doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 7 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 5,52 tỷ USD, tăng 45,6% về lượng và tăng 118% về trị giá so với cùng kỳ.
Các sản phẩm từ sắt thép cũng có mức tăng xuất khẩu phi mã khi mang về 2,26 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của xi măng, sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép đã mang về hơn 8,7 tỷ USD. Trong đó, nhờ tăng xuất khẩu thêm gần 5 triệu tấn sản phẩm, ngành xi măng đã mang về thêm 211 triệu USD.
Nhãn lồng Hưng Yên được bán ở Singapore. (Ảnh: Hương Quê Việt). |
Nhãn lồng Hưng Yên bán hơn 220.000 đồng mỗi ký tại Singapore
500kg nhãn lồng Hưng Yên vừa chính thức được bày bán ở hệ thống phân phối trái cây cao cấp Hương Quê Việt tại Singapore, với giá 220.000 đồng/kg.
Nhãn xuất khẩu được cắt cành, đóng theo quy cách 1kg/hộp nhựa hoặc 5kg/hộp giấy để thuận tiện làm quà tặng. Trên hộp có mã QR để khách hàng tìm hiểu thêm về câu chuyện, thông tin xuất xứ, cách trồng nhãn lồng Hưng Yên.
Hưng Yên nổi tiếng với đặc sản nhãn lồng trái to, cùi dày giòn có gân, ráo nước, vị ngọt hậu, thanh mát. Mùa nhãn kéo dài từ đầu tháng 8 đến khoảng cuối tháng 9 hằng năm.
Đại diện đơn vị xuất khẩu, CEO của Mia Fruit Nguyễn Ngọc Huyền nhận định, nhãn lồng Hưng Yên có triển vọng tiêu thụ rất lớn tại Singapore, khi nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc tại đảo quốc này.
Bà Huyền nói: "Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á thì lô nhãn xuất khẩu này là tín hiệu đáng mừng. Đa số nhãn đã được đặt hàng trước khi chính thức 'cập bến' tại Singapore.
Mọi người rất háo hức được thưởng thức những quả nhãn tươi ngon, giòn ngọt mang đậm hương vị quê nhà, đặc biệt ý nghĩa khi nhiều người Việt chưa thể về quê do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc di chuyển".
Phía đơn vị xuất khẩu nhận định ngoài nhãn lồng Hưng Yên, tại Việt Nam có rất nhiều giống nhãn ngon như nhãn Sơn La, nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng tại các tỉnh miền Tây...
Hiện tại đơn vị này đã có các đơn xuất khẩu hằng tuần cho thị trường Mỹ, Australia, Singapore, Malaysia... với sản lượng mỗi đơn từ 500kg đến 1 tấn. Nhà xuất khẩu này cũng dự định tiếp tục xuất khẩu nhãn Sông Mã - Sơn La sang Australia và Mỹ.
Xuất khẩu cá ngừ sang Italy tăng trưởng mạnh nhờ EVFTA
Các sản phẩm từ cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Italy đã có sự tăng trưởng liên tục với tốc độ cao tới ba con số trong nửa đầu năm nay nhờ tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do giữ Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA).
Theo đó, chỉ tính riêng trong tháng 6, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng 283% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 2,1 triệu USD. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Italy đạt gần 22,5 triệu USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang thị trường này, đáng chú ý là sự tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh.
Nếu như nửa đầu năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam không xuất được lô hàng loin cá ngừ hấp đông lạnh nào sang Italy, năm nay số lô hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt tới hơn 11,4 triệu USD, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Italy. Xuất khẩu cá ngừ tươi, đông lạnh mã HS03 cũng tăng 19%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp giảm 63%.
Phân tích nguyên nhân xuất khẩu cá ngừ tăng, VASEP cho rằng, đây là hiệu ứng từ Hiệp định EVFTA. Các thống kê từ VASEP cho thấy, hiện có khoảng 7 doanh nghiệp cá ngừ tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Italy.
Ngoài hiệu ứng từ EVFTA, theo các doanh nghiệp, việc dịch bệnh bùng phát mạnh tại các nước như Indonesia hay Ecuador từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021 đã làm ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu cá ngừ của các nước này. Nhờ đó, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để mở rộng thị phần.