📞

Xuất khẩu ngày 8-10/7: Sầu riêng Việt chính thức 'đặt chân' sang Trung Quốc; thép xuất khẩu 'kiếm bộn'

Vân Chi 17:16 | 11/07/2022
Sầu riêng chính thức "đặt chân" sang Trung Quốc từ hôm nay (11/7), vải thiều tươi lần đầu được xuất khẩu qua cửa khẩu tại Móng Cái, thép xuất khẩu "kiếm bộn"... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 8-10/7.
Theo nghị định thư, sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Sầu riêng chính thức "đặt chân" sang Trung Quốc từ hôm nay 11/7

Ngày 11/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (nghị định thư). Nghị định thư kéo dài trong 3 năm.

Theo nghị định thư, sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.

Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch. Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Việc ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đã được Bộ NN&PTNT và GACC chuẩn bị, đàm phán trong hơn 2 năm qua.

Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và GACC phê duyệt.

Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, Bộ NN&PTNT phải gửi cho GACC danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được đăng trên website của GACC.

Tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng.

Phải áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác…

Các hoạt động giám sát và quản lý vùng trồng phục vụ xuất khẩu phải được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật am hiểu về lĩnh vực kiểm dịch thực vật và cán bộ quản lý kỹ thuật được Bộ NN&PTNT hoặc đơn vị do Bộ NN&PTNT ủy quyền tập huấn.

Tất cả vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật dịch hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể bao gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình canh tác...

Thu về 5,12 tỷ USD, thép xuất khẩu "kiếm bộn"

Xuất khẩu sắt thép nửa đầu năm 2022 dù chỉ bằng 84,7% về lượng nhưng tăng trưởng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ, lần lượt 6,96 triệu tấn và 5,125 tỷ USD.

Xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép còn tăng mạnh hơn, đạt 2,438 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Tổng cộng xuất khẩu sắt thép và sản phẩm từ sắt thép đạt 7,563 tỷ USD.

Trong bối cảnh giá đầu vào sản xuất thép tăng mạnh, giá thép trong nước những tháng gần đây có nhiều đợt giảm mạnh, tiêu thụ chậm, kênh xuất khẩu vẫn tăng tốc, khác hẳn sự giảm tốc của ngành hàng xi măng, clinker.

Số liệu của Chứng khoán Mirae Asset Vietnam, lượng thép tồn kho nội địa đến hết tháng 5/2022 đã đạt mức kỷ lục là 1.49 triệu tấn, tương đương sản lượng tháng 5/2022, so với trung bình 3 năm 2019-2021 chỉ ở mức 56% sản lượng tháng. Lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép trong đầu tháng 6/2022 đã giảm về mức 16,8 triệu đồng/tấn, giảm 2,1 triệu đồng/tấn so với lúc đỉnh.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá, ngành thép Việt Nam đã có những bước tiến dài trong suốt hành trình 20 năm qua kể từ năm 2001, phát triển vượt bậc cả về quy mô sản xuất cũng như chủng loại sản phẩm.

Tăng trưởng ngành thép Việt Nam những năm gần đây đều ở mức hai con số. Năng lực sản xuất thép thô (phôi thép) của doanh nghiệp trong nước vào năm 2021 là 23 triệu tấn, cao gấp 4,6 lần sản lượng năm 2011 và gấp hơn 70 lần năm 2001.

Vải thiều tươi lần đầu được xuất khẩu qua cửa khẩu tại Móng Cái

Ngày 9/7, chuyến hàng gồm 3 xe vải thiều tươi đầu tiên với tổng sản lượng 64,7 tấn, trị giá gần 600 triệu đồng, được xuất khẩu qua lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (thuộc Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).

Toàn bộ hàng hóa, xe chở nông sản được thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc đều được phân luồng, kiểm tra y tế, xét nghiệm, test nhanh kháng nguyên nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch Covid-19.

Việc xuất khẩu mặt hàng vải thiều góp phần hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam cho người dân trong thời điểm phía Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt và kiểm soát hoạt động thông quan hàng hóa ở mức độ cao.

Những xe vải tươi đầu tiên được xuất khẩu qua lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, thành phố Móng Cái. (Nguồn: Báo Công Thương)

Đây cũng là tín hiệu tốt cho ngành thương mại xuất nhập khẩu của thành phố Móng Cái trong thời gian tới khi các mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn thành phố ngày càng đa dạng hơn, góp phần nâng cao khối lượng hàng hóa thông quan và giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Được biết, trong những tháng cuối năm 2022, thành phố Móng Cái tiếp tục duy trì việc trao đổi, hội đàm với chính quyền thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm tạo niềm tin, tăng cường hợp tác trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên, đảm bảo việc thông quan hàng hóa được thuận lợi hơn.

Theo thống kế, 6 tháng đầu năm 2022, tổng trọng lượng hàng hóa qua các cửa khẩu tại thành phố Móng Cái đạt trên 270.000 tấn; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 1.400 triệu USD; thu hút 128 doanh nghiệp mới, nâng tổng số 455 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu; thu ngân sách Nhà nước đạt 558,64 tỷ đồng, tăng 24,14% so với cùng kỳ năm 2021.

Hạn ngạch thuế quan xuất khẩu dệt may sang Mexico theo CPTPP năm 2022

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1334/QĐ-BCT về lượng hạn ngạch thuế quan đối với hàng dệt may xuất khẩu sang Mexico năm 2022 theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thương nhân có nhu cầu được cấp hạn ngạch để hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP năm 2022 theo Quyết định nêu trên, thực hiện theo Thông tư số 07/2019/TT-BCT ngày 19/4/2019 của Bộ Công Thươngquy định về xuất khẩu hàng dệt may sang Mexico theo Hiệp định CPTPP.

Thương nhân xuất khẩu hàng dệt may sang Mexico theo CPTPP (bao gồm cả thương nhân xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan và cả thương nhân xuất khẩu không theo hạn ngạch thuế quan) phải đăng ký thông tin với Bộ Công Thương để thực hiện cơ chế giám sát hàng dệt may xuất khẩu sang Mexico theo CPTPP.

Quyết định có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022.

(tổng hợp)