Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất khẩu ngày 9-11/1: Rau quả 'lỡ hẹn' mục tiêu 4 tỷ USD, Pakistan chuộng chè Việt Nam

TGVN. Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn năm 2020 đạt 989 triệu USD, rau quả 'lỡ hẹn' với mục tiêu 4 tỷ USD, ngành gỗ quyết gom đủ 14 tỷ USD trong năm 2021... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 9-11/1.
Xuất khẩu ngày 9-11/1: Rau quả 'lỡ hẹn' mục tiêu 4 tỷ USD,
Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu chè ước đạt 137.000 tấn, trị giá 220 triệu USD. (Nguồn: Doanh nghiệp Việt Nam)

Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn năm 2020 đạt 989 triệu USD

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 12/2020 ước đạt 330 nghìn tấn với giá trị đạt 118 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cả năm 2020 ước đạt 2,76 triệu tấn và 989 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng 2,4% về giá trị so với năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân năm 2020 ước đạt 358,3 USD/tấn, giảm 6% so với cùng kì năm ngoái.

Về cơ cấu thị trường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất với tổng lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc đạt 1,9 triệu tấn, tương tương với 772 triệu USD, tăng 11,5% về sản lượng và tăng 2,7% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia cũng là hai thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020, với mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu lần lượt là 15% và 3% so với cùng kì năm ngoái.

Về cơ cấu sản phẩm, mặt hàng sắn lát, xuất khẩu cả năm 2020 ước đạt 640 nghìn tấn, tương đương 139 triệu USD, tăng 60% về lượng và 75% về giá trị so với cùng kì năm trước. Giá xuất khẩu sắn lát bình quân 12 tháng ở mức 217 USD/tấn, tăng 10% so với mức giá 198 USD/tấn của cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng tinh bột sắn, xuất khẩu năm 2020 ước đạt 2,1 triệu tấn với giá trị 850 triệu USD, giảm 1% về lượng và giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn đạt 401 USD/tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Rau quả 'lỡ hẹn' với mục tiêu 4 tỷ USD

Năm 2020, ngành hàng rau quả của Việt Nam đối mặt với đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ tại nhiều thị trường.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, 2020 là năm có nhiều khó khăn, không chỉ dịch bệnh, mà còn xảy ra tình trạng ngập mặn và một số thiên tai đã cùng tác động dẫn đến tình trạng xuất khẩu sụt giảm so với mọi năm.

"Dịch Covid-19 đã khiến lượng xuất khẩu trái cây của công ty giảm từ 20 - 30% so thời điểm trước dịch bệnh, chỉ đạt từ 100 - 150 tấn/tuần. Tuy nhiên, sau đó ngành rau quả đã phục hồi nhanh chóng. Với Vina T&T, công ty đã phục hồi 90-95% sau dịch, kết thúc năm 2020 mặc dù giảm 7% so với chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn có sự tăng trưởng so với năm ngoái", ông Tùng cho hay.

Bộ Công Thương ước tính, xuất khẩu hàng rau quả tháng 12/2020 đạt 260 triệu USD, tăng 1,3% so với tháng 11/2020, nhưng giảm 20,7% so với tháng 12/2019. Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam ước đạt 3,26 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2019.

Trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng giảm mạnh gần 26% trong 11 tháng năm 2020, đạt gần 1,7 tỷ USD. Đáng chú ý, mặc dù trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng đều tăng trưởng khá trong 11 tháng năm 2020.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư Ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, rau quả vẫn là mặt hàng thiết yếu cho sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Chính vì vậy, sản phẩm rau quả vẫn có nhu cầu cao trong năm 2021.

"Mục tiêu xuất khẩu của ngành rau quả trong năm 2021 là 4 tỷ USD, con số mà đáng lẽ ngành hàng đã đạt được trong năm 2020 nếu không có Covid-19", ông Nguyên dự báo và cho biết thêm nếu tình hình khó khăn thì có thể sẽ đạt mức trước dịch là khoảng 3,7 tỷ USD, bằng với năm 2019.

Pakistan chuộng chè Việt Nam

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tháng 12/2020, xuất khẩu chè ước đạt 13.000 tấn, trị giá 20 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với tháng 12/2019.

Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 12/2020 đạt 1.538,5 USD/tấn, giảm 4,6% so với tháng 12/2019.

Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu chè ước đạt 137.000 tấn, trị giá 220 triệu USD, giảm 0,4% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với năm 2019. Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2020 ước đạt 1.608,5 USD/tấn, giảm 6,5% so với năm 2019.

Mặt hàng chè xanh xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Pakistan. Tháng 11/2020 đạt 30.120 tấn, trị giá 58,17 triệu USD, giảm hơn 10% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng xuất khẩu chè xanh tới thị trường này chiếm 28% tổng lượng chè xanh.

Chè đen và chè xanh là hai chủng loại chè xuất khẩu chính trong 11 tháng năm 2020 với lượng xuất khẩu chiếm 82,2% tổng lượng chè. Trong đó, chè đen xuất khẩu trong 11 tháng năm 2020 đạt 51.000 tấn, trị giá 69 triệu USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu gỗ quyết gom đủ 14 tỷ USD trong năm 2021

Năm 2020, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt khoảng 13,17 tỷ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm, tăng 16,4% so với năm 2019.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2021, toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỷ USD; tổng sản lượng khai thác gỗ 32 triệu m3; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2020 toàn ngành lâm nghiệp đạt kết quả tương đối toàn diện ở mức cao trên nhiều khía cạnh.

Tuy nhiên, Việt Nam phấn khởi tăng hệ số che phủ rừng lên mức 42% là hệ số cao nhưng nhìn sâu lại vẫn thấy là 3 khu vực trọng điểm hoàn toàn chư yên tâm là Tây bắc, Tây Nguyên và rừng ven biển.

Ngoài ra, chính sách khoanh nuôi bảo vệ hỗ trợ phát triển rừng rất nhiều nhưng đến nay chưa thỏa đáng, chưa đủ sức tích cực để kích thích người tham gia, đối tượng tham gia phục hồi phát triển rừng.

"Đáng chú ý, công nghiệp chế biến gỗ và đồ gỗ có bước tiến nhưng sản phẩm thô là nhiều. Vì vậy, năm 2021-2025 và thời gian xa hơn phải tập trung đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển đúng theo tiềm năng, mỗi năm tăng trưởng với tốc độ trên 10%", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Xuất khẩu ngày 5-8/1: 160 tấn tôm đầu tiên ‘xuất ngoại’ năm 2021; lần đầu tiên Việt Nam mua gạo Ấn Độ; người Nga thích hạt tiêu Việt

Xuất khẩu ngày 5-8/1: 160 tấn tôm đầu tiên ‘xuất ngoại’ năm 2021; lần đầu tiên Việt Nam mua gạo Ấn Độ; người Nga thích hạt tiêu Việt

TGVN. Xuất khẩu lô tôm đầu tiên của năm 2021, Việt Nam mua gạo của Ấn Độ do giá gạo nội địa tăng cao, Nga ...

Xuất khẩu ngày 2-4/1: Thủy sản thẳng tiến đến Anh nhờ UKVFTA, tôn mạ nhôm kẽm 'tắc đường' sang Malaysia

Xuất khẩu ngày 2-4/1: Thủy sản thẳng tiến đến Anh nhờ UKVFTA, tôn mạ nhôm kẽm 'tắc đường' sang Malaysia

TGVN. Xuất khẩu thủy sản thẳng tiến đến Anh nhờ UKVFTA, giá gạo xuất khẩu tiếp tục lập đỉnh mới, tôn mạ nhôm kẽm 'tắc ...

Xuất khẩu ngày 29/12-1/1: Anh ưu đãi cho hàng Việt; cá tra sang Trung Quốc giảm gần 30%; nông sản đặt mục tiêu 50 tỷ USD vào năm 2025

Xuất khẩu ngày 29/12-1/1: Anh ưu đãi cho hàng Việt; cá tra sang Trung Quốc giảm gần 30%; nông sản đặt mục tiêu 50 tỷ USD vào năm 2025

TGVN. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm gần 30%; nông sản đặt mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD vào năm 2025; Anh ...

(tổng hợp)