Những năm qua, Việt Nam liên tục có mặt trong nhóm các quốc gia/vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Cải thiện thứ hạng, Việt Nam lọt top 30 nền kinh tế xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất
Thứ hạng thương mại của Việt Nam liên tục được cải thiện trong những năm qua, đưa Việt Nam liên tục có mặt trong nhóm các quốc gia/vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất.
Theo xếp hạng của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Đáng chú ý là trong khi thứ hạng của các nước ASEAN không tăng trong một vài năm qua nhưng thứ hạng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc.
Cụ thể: Năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 23 trên thế giới, trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp vị trí thứ 20 trên thế giới. Theo đó, kể từ năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trong khối ASEAN vượt qua cả Thái Lan và Malaysia và chỉ xếp sau Singapore.
Tổng cục Hải quan cho biết, năm 1995 đánh dấu tiến trình mở cửa và hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới, chính thức gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), làm đơn gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Gần 30 năm qua nền kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ, từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế đất nước.
Hoạt động xuất nhập khẩu đã có những bước tiến mạnh mẽ, liên tiếp đạt được các mốc kỷ lục. Tổng trị giá xuất nhập khẩu năm 2007 đạt 100 tỷ USD, nhưng chỉ 4 năm sau (2021) đã tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD. Khoảng thời gian 4 năm tiếp theo (năm 2015), xuất nhập khẩu Việt Nam cán mốc trị giá 300 tỷ USD.
Với thời gian rất ngắn, chỉ 2 năm sau đó (vào giữa tháng 12/2017), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD. Sau đó mỗi 2 năm tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng thêm 100 tỷ USD, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỷ USD trong nửa cuối tháng 12/2019, và cán mốc 600 tỷ USD vào tháng 11/2021.
Đến giữa tháng 12/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt mốc 700 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục, đứng thứ 3 thế giới
Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản đã đạt hơn 10 tỷ USD. Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - cho biết, 10 tỷ là mức kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam trong hơn 20 năm xuất khẩu ra thị trường thế giới. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt mức 4,3 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra đã vượt 2 tỉ USD tăng hơn 80% cùng kỳ năm 2021 và có thể đạt mức 2,5 tỉ USD trong năm nay. Tương tự, sản phẩm cá ngừ lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỉ USD.
Năm 2022, ước tính ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị.
Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Ngành thủy sản đặt mục tiêu tới năm 2030 xuất khẩu đạt 14 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này trước các thách thức của các thị trường lớn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành thủy sản phải xoay chuyển thực tế bằng cách đi vào chế biến sâu, sử dụng nguồn nguyên liệu có thể truy xuất nguồn gốc và tăng cường xúc tiến thương mại linh hoạt với các thị trường tiềm năng.
Gia tăng hàm lượng xuất xứ cho hàng Việt Nam sang EU
Tại tọa đàm “Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA” mới đây, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, mức độ mà các lô hàng xuất khẩu đi EU được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) (có thể hiểu là việc cấp các C/O mẫu EUR.1) hiện đang chiếm 20% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang EU. Theo bà Hiền, đây là một con số khá tích cực.
Phân tích cụ thể hơn, bà Hiền cho rằng, hàng xuất khẩu đi EU chủ yếu được cấp C/O đến những thị trường có cảng biển hoặc là các trung tâm phân phối của châu Âu, ví dụ như Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp...Những mặt hàng hiện nay đang có kim ngạch cao được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA gồm có da giày, thủy sản...
Các con số cụ thể liên quan đến các mặt hàng, các thị trường có thể thấy rất rõ nét, như: C/O xuất khẩu đi thị trường Đức đã được cấp 3,2 tỷ USD trong hai năm đầu thực hiện EVFTA, cấp đi Bỉ là 3,5 tỷ.
“Con số 20% tỉ lệ kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp C/O mẫu EUR.1 thể hiện rằng EVFTA đã phát huy hiệu quả bước đầu của một hiệp định có thực chất và rất được kỳ vọng”, bà Hiền đánh giá.
Các doanh nghiệp cần có sự chủ động tận dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi và những ưu đãi khác của Hiệp định EVFTA. (Nguồn: VnEconomy) |
Tuy nhiên, theo bà Hiền, con số 20% kim ngạch hàng hóa được cấp C/O mẫu EUR.1 không có nghĩa là 80% kim ngạch còn lại đang phải chịu thuế cao. Giải thích rõ hơn điều này, đại diện Cục xuất nhập khẩu cho rằng có những dòng thuế trong WTO đã bằng 0%, không cần phải có giấy chứng nhận xuất xứ.
Mặt khác, hàng xuất khẩu đi EU có thể có một lựa chọn khác đó là hưởng ưu đãi thuế quan theo chế độ thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn tự chứng nhận xuất xứ cho những lô hàng mà có kim ngạch trị giá từ 6000 Euro trở xuống.
Hơn nữa, bà Hiền nhấn mạnh, con số 20% chỉ là con số chung về tỷ lệ kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA và tỷ lệ này sẽ khác nhau rất nhiều ở từng thị trường cụ thể hoặc từng mặt hàng cụ thể.
Để có thể gia tăng được tỷ lệ về xuất xứ đối với hàng Việt Nam xuất khẩu đi EU cao hơn nữa, bà Hiền cho biết Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa để tạo hành lang pháp lý và có những quy định cụ thể, minh bạch liên quan đến vấn đề này và trong đó những chế tài xử phạt cũng đang rất được chú trọng.
Đồng thời, Bộ đang nỗ lực và tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan như Tổng cục Hải quan, các Hiệp hội ngành hàng tập huấn, đào tạo kịp thời, vừa uốn nắn và vừa hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng được đúng những quy định khắt khe của EU.
Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan hải quan của nước nhập khẩu để trong trường hợp nếu như có đề nghị xác minh xuất xứ thì Bộ Công Thương sẽ đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp chứng minh hàng hóa có xuất xứ trong trường hợp đúng là hàng hóa đó đáp ứng theo quy định của EVFTA.
Ngược lại, trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng xuất xứ thì Bộ Công Thương sẽ cùng với EU tìm hiểu và có những biện pháp kịp thời nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Một biện pháp quan trọng nữa, Bộ đang rất tích cực phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham vấn và đề xuất đưa ra được quy tắc xuất xứ phù hợp với thực tế của doanh nghiệp cũng như quy trình sản xuất hiện nay tại Việt Nam.
Biện pháp nữa mà quan trọng không kém là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc tiếp nhận và xử lý các vướng mắc cũng như giải đáp và tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu đi EU liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng kiến nghị, để gia tăng tận dụng những ưu đãi trong EVFTA, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện mở rộng phát triển vùng nguyên liệu với những công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường đáp ứng được các tiêu chí của EU.
Có chính sách thu hút nguồn lực công nghệ cao từ EU, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực về thiết kế nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đồng thời trang bị những kiến thức, nâng cao năng lực để mở rộng dư địa thị trường và cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có sự chủ động tận dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi và những ưu đãi khác của Hiệp định EVFTA.