📞

Xuất khẩu ngày 9-11/4: Năm 2022, xuất nhập khẩu kỳ vọng 'lập đỉnh mới'; nhuyễn thể 'đắt hàng', thu về cả trăm triệu USD

Vân Chi 11:28 | 12/04/2022
Xuất nhập khẩu năm 2022 có thể lập kỷ lục mới; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Nhật Bản; ngành gỗ nhiều triển vọng... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 9-11/4.
Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất là từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). (Nguồn: Báo Hải quan)

Xuất nhập khẩu năm 2022 có thể lập kỷ lục mới

Kết thúc quý I, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt mức tăng trưởng 2 con số. Do đó, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo rằng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 có thể lập mốc kỷ lục mới và sẽ cán đích 700 tỷ USD.

Tuy nhiên, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tới đây, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), quý I/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận đạt 176 tỷ USD, tăng trưởng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng rất cao; riêng xuất khẩu đạt tăng trưởng 12,9%.

Đặc biệt, các nhóm hàng nông sản ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao, khoảng 18-19%; trong đó, có những mặt hàng đặc biệt như cà phê, gạo, thủy sản mức tăng trưởng còn cao hơn nữa, từ 38% đến gần 50%. Đây là những dấu hiệu chung rất tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Nhận định xung quanh việc tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải cho rằng, cơ hội lớn nhất là từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn với mức độ cam kết sâu như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... Đây đều là các FTA với các đối tác thương mại quy mô rất lớn của Việt Nam, trên thực tế đã phát huy tác dụng đáng kể.

Ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra, trong CPTPP, các quốc gia mới tham gia FTA với Việt Nam như Peru, Mexico... mức tăng trưởng trong xuất khẩu đều đạt từ 25-35%, thể hiện rất rõ cơ hội cho các doanh nghiệp.

Trong khi đó, Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với cam kết sâu hơn cũng như tạo thuận lợi rõ ràng hơn và doanh nghiệp cũng có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

Đáng lưu ý, trong khối RCEP có các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cung cấp nguồn nguyên liệu cho Việt Nam.

Ngoài ra, RCEP sẽ tạo sự luân chuyển, giúp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng của cả đầu ra và đầu vào tốt hơn.

Năm 2022, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 6-8% so với năm 2021, đạt khoảng 363 tỷ USD; duy trì cán cân thương mại ở mức xuất siêu.

Để đạt mục tiêu đề ra, ông Trần Thanh Hải khẳng định: Thuận lợi lớn nhất của Việt Nam hiện nay là đã có giai đoạn thử thách, vượt qua được tác động của dịch bệnh, có đà tăng trưởng xuất khẩu tốt duy trì qua nhiều năm.

Thời gian tới, việc tận dụng ưu thế từ các FTA vẫn là sự quan tâm lớn nhất các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, phải cùng nhau thực hiện khai thác, tận dụng tốt.

Ngoài ra, để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã xây dựng một số website, trong đó có website của Cục Xúc tiến thương mại, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, một số website chuyên đề của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Giá gạo Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo quý I/2022 của nước ta đạt 1,48 triệu tấn, có trị giá 715 triệu USD, tăng 24% về lượng và 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu gạo. Theo đó, gạo 5% tấm đã tăng từ 12-15 USD/tấn so với đầu năm, lên mức 415 USD/tấn, cao nhất trong hơn 3 tháng qua nhờ nhu cầu tăng và lợi thế về sản lượng.

Ngoài các thị trường truyền thống như Philippines (chiếm tỉ trọng lớn nhất) Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Phi, Hàn Quốc,... xuất khẩu gạo sang châu Âu (EU) dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 bởi hỗ trợ của EVFTA.

Việt Nam định hướng tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững. Ngành lúa gạo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt.

Nhuyễn thể được xuất khẩu tới 42 nước, thu về cả trăm triệu USD

Việt Nam có khá nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các loài nhuyễn thể nuôi như: ngao, sò, hàu, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, trai ngọc, điệp quạt, ốc nhảy...

Đó là tiềm năng tự nhiên với 3.200 km bờ biển, 112 cửa sông, 660.000 ha bãi triều với 2.200 loài động vật thân mềm. Người dân có kinh nghiệm sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi động vật thân mềm đơn giản, chi phí sản xuất thấp…

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam đạt 141,6 triệu USD, tăng 35% so với năm 2020. Trong đó, ngao là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% với gần 103 triệu USD, tiếp đến là sản phẩm sò điệp, hàu...

Các thị trường nhập khẩu chính nhuyễn thể 2 mảnh vỏ là: EU (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy), Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.

Để đạt trị giá xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trên 141 triệu USD, trong những năm qua, các tỉnh, thành phố ven biển đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất, phát triển nuôi các loài nhuyễn thể.

Ở miền Bắc, Nam Định là tỉnh đứng thứ 2 về diện tích nuôi ngao (sau tỉnh Thái Bình). Theo đó, ngao đã trở thành đối tượng chủ lực trong phát triển kinh tế biển với 2 vùng nuôi hàng hóa tập trung tại huyện Giao Thủy (khoảng 1.800 ha) và Nghĩa Hưng (500 ha).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh cho biết: năm 2021, các vùng nuôi ngao thương phẩm của Nam Định phát triển ổn định, với diện tích nuôi là 2.350 ha, sản lượng ngao đạt 43.234 tấn, tăng 4,42% so với năm 2020.

Xuất khẩu tươi sống tiểu ngạch và xuất cho các nhà máy chế biến gần 70% sản lượng, tiêu thụ tại các siêu thị và thị trường trong nước chiếm khoảng 30%.

Đáng chú ý, "Vùng nuôi liên kết Lerger Farm" 500 ha của các cơ sở nuôi ngao ở xã Nam Điền - huyện Nghĩa Hưng liên kết với Công ty Lenger đã được chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC và ASC/CoC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới.

“Chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC và ASC/CoC được ví như "Visa Vip" để các sản phẩm ngao của Nam Định đi vào nhiều thị trường trên thế giới, nhất là châu Âu, Nhật Bản và hệ thống siêu thị cao cấp tại Trung Quốc, mang lại giá trị cao từ 2 đến 3 lần”, bà Lan Anh nhấn mạnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Nhật Bản

Hàng nông thủy sản-thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi, được cả người Nhật cùng người dân các nước châu Á khác đón nhận và có lượng tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản.

Muốn thâm nhập sâu hơn nữa thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp trong nước không thể xuất khẩu những sản phẩm sẵn có mà cần nghiên cứu sản xuất loại hàng hóa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Hơn nữa, bao bì cũng cần bắt mắt, nhãn mác phải đầy đủ thông tin.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm với doanh nghiệp tại Việt Nam như vậy tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo ông Tạ Đức Minh, Nhật Bản hiện là đối tác xuất khẩu lớn thứ 4 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Từ năm 2012-2021, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều tăng từ 24,7 tỷ USD lên 42,8 tỷ USD.

Hơn nữa, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đa dạng các mặt hàng; trong đó có sản phẩm chế biến, chế tạo. Một số sản phẩm của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản.

Riêng với nông thủy sản, một số mặt hàng đã chiếm thị phần tại Nhật Bản; trong đó, chuối sấy khô chiếm 78,5%; vải, nhãn, chôm chôm 42,9%; sầu riêng 42,6%...

Thế nhưng, hầu hết là sản phẩm đóng hộp, sấy khô trong khi sản phẩm tươi do hạn chế về năng lực bảo quản, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao, thị phần của hàng Việt Nam còn hạn chế.

Ông Tạ Đức Minh cho biết thêm, hệ thống phân phối của Nhật Bản khá phức tạp với nhiều tầng bậc. Nhiều siêu thị, nhà bán buôn không nhập khẩu trực tiếp mà mua hàng thông qua các nhà cung ứng. Điều này trả lời cho câu hỏi tại sao không đưa hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng.

Gần đây, một số doanh nghiệp Nhật Bản như tập đoàn AEON đã nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam. Để trở thành nhà cung ứng cho những đối tác này, ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung về chất lượng sản phẩm còn phải đáp ứng tiêu chuẩn riêng của đối tác.

Trong khi đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản rất cao, là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, dù kinh doanh tại Nhật Bản được nhận định có độ an toàn cao hơn so với các thị trường khác nên việc xác minh thông tin đối tác là rất cần thiết.

Lý giải rõ hơn về vấn đề này, ông Tạ Đức Minh nhấn mạnh, doanh nghiệp tại Nhật Bản không chỉ do người dân bản địa mà còn có người nước ngoài lấy pháp nhân Nhật Bản làm chủ nên về khía cạnh pháp lý, doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định pháp luật của nước sở tại.

Mặt khác, xu hướng toàn cầu hóa, doanh nghiệp có thể hợp tác, cung cấp thông tin qua internet mà không cần gặp gỡ trực tiếp, do vậy độ rủi ro cao.

Qua phương thức này, đối tượng lừa đảo thường cung cấp thiếu thông tin hoặc thông tin không đúng. Do đó, nếu cảm thấy không an toàn, doanh nghiệp nên xác minh đối tác.

3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ ước đạt gần 4 tỷ USD

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và căng thẳng xung đột Nga-Ukraine chưa "hạ nhiệt", xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là ngành gỗ.

Ngành gỗ vẫn đang gặp nhiều thách thức cần phải vượt qua. (Nguồn: Báo Thương trường)

Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Tiềm năng nhập khẩu của thị trường Mỹ cho thấy, xuất khẩu gỗ sang Mỹ tăng mạnh sẽ góp phần thúc đẩy ngành này tăng trưởng tốt trong năm 2022.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là “át chủ bài” trong lĩnh vực nông nghiệp. Với vị trí thứ 2 về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại châu Á và có tốc độ tăng trưởng nhanh ở mức 17%/năm, các chuyên gia kinh tế tin tưởng xuất khẩu gỗ tiếp tục thăng hoa trong năm 2022.

Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn đang gặp nhiều thách thức cần phải vượt qua.

Theo chuyên gia phân tích của Forest Trends, ngành gỗ gặp thách thức lớn về nguồn cung nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Giá gỗ nguyên liệu đang tăng mạnh đe dọa đến ngành xuất khẩu gỗ vốn rất khả quan hiện nay.

Ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) cũng cho rằng, việc nhập khẩu gỗ trong thời gian tới sẽ rất khó khăn do châu Âu giảm xuất khẩu, giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp phần cung thiếu hụt từ Nga.

Trước thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Nguyễn Liêm nhấn mạnh, ngành gỗ đang cần có thêm vùng nguyên liệu và các trung tâm sơ chế quy mô lớn. Để vượt qua "nút thắt" thiếu nguyên liệu, ngành lâm nghiệp đang đẩy mạnh trồng các vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn.

(tổng hợp)