Cà phê là mặt hàng thấy rõ sự tác động nhất của khủng hoảng kinh tế trong năm 2009. |
Thế nhưng ít ai đề cập tới giá xuất nông lâm thủy sản giảm mạnh và doanh nghiệp phải bù vào bằng việc tăng sản lượng, hay nói theo cách của một số hiệp hội nông sản lớn thì nếu so sánh sản lượng năm nay và năm ngoái thì kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh chứ không hề tăng.
Điển hình cà phê
Cà phê là nông sản xuất khẩu điển hình nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam trong năm 2009, bởi 95% cà phê nhân của Việt Nam phải xuất ra thị trường thế giới, có nghĩa giá cà phê mà nông dân bán ra ở trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào giá giao dịch ở thị trường London hay New York. Do vậy, khi kinh tế thế giới khó khăn, không những giá cà phê xuất khẩu lẫn trong nước giảm theo mà còn bị biến động mạnh trước những yếu tố đầu cơ, thao túng giá của các quỹ đầu cơ và các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Trong năm qua, phải nói rằng Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) có nhiều cuộc họp nhất trong vài năm gần đây, khi mà hiệp hội này vào đầu năm dự báo mức giá cà phê nhân robusta xuất khẩu năm nay tuy ở mức thấp so với năm 2008 (bình quân hơn 2.000 đô la Mỹ/tấn) nhưng cũng ở mức chấp nhận được là 1.800 đô la Mỹ/tấn. Nhưng vào tháng 6-2009, giá đột ngột giảm xuống còn 1.100-1.200 đô la Mỹ/tấn, khiến nhiều doanh nghiệp cà phê thua lỗ nặng.
Hàng loạt doanh nghiệp cà phê ở "thủ phủ cà phê" Dak Lak đồng loạt ngưng giao dịch, thậm chí xảy ra vỡ nợ ở một số đại lý chuyên cung cấp cà phê nhân cho nhà xuất khẩu.
Từ chỗ nông dân hào hứng với hạt cà phê có giá cao ngất ngưởng 30.000-40.000 đồng/kg vào năm ngoái và vài tháng đầu năm nay giảm dần xuống còn 25.000 đồng/kg thì kể từ tháng 6, giá cà phê nông dân bán ra chỉ còn 20.000-22.000 đồng/kg. Và kể từ đó tới nay, giá cà phê trong nước lẫn thế giới “sụt sịt” liên tục, dù ở mức thấp nhưng cứ vài ngày giao dịch giảm giá lại có ngày tăng đột ngột, khiến Vicofa và các doanh nghiệp hội viên đứng ngồi không yên.
Thế là hết khuyến cáo này lại khuyến cáo khác của Vicofa đưa ra, nào là hạn chế bán giao xa, quay trở lại bán giao ngay cổ điển, tới hiệp lực đàm phán thống nhất giá bán cho nước ngoài, giá mua cà phê nhân trong nước.
Năm ngoái, cả nước xuất 1 triệu tấn cà phê nhân (99% là robusta) với kim ngạch 2,1 tỉ đô la Mỹ thì năm nay, khối lượng tăng thêm 100.000 tấn nhưng kim ngạch thì giảm tới 400 triệu đô la Mỹ.
Gạo: sản lượng xuất khẩu đạt kỷ lục, kim ngạch giảm
Ấn tượng nhất trong các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu năm nay không phải là con cá tra, con tôm hay đồ gỗ mà lại là mặt hàng khá truyền thống, đó là gạo. Năm ngoái, cả nước xuất được 4,7 triệu tấn gạo với kim ngạch 2,9 tỉ đô la Mỹ, nên cả Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra kế hoạch ban đầu cho năm nay là 4,8 triệu tấn nhưng tới giờ nay, xuất khẩu gạo đã đạt mức kỷ lục trong nhiều năm qua với 6 triệu tấn.
Con số kỷ lục này sẽ không ấn tượng nếu không nói tới năm ngoái Việt Nam còn bị sốt ảo gạo, năm nay vì lo ngại nhiều thứ nên chỉ tiêu xuất khẩu gạo siết chặt, phân bổ kỹ lưỡng sản lượng xuất khẩu tới từng quý và sau đó liên tục điều chỉnh. Lượng gạo xuất khẩu thì tăng thêm tới 1,3 triệu tấn nhưng kim ngạch thì chỉ được 2,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 300 triệu đô la Mỹ.
Ông Trần Tuyên Huấn, Giám đốc Công ty ACC, một nhà xuất khẩu nông sản ví von: “Xuất khẩu nông sản năm nay giống như chiếc máy bay chở khách, chở nhiều khách hơn nhưng giá vé lại rẻ, lại phải bay qua vùng thời tiết xấu”.
Không chỉ gạo, mà nhiều mặt hàng khác cũng gia tăng sản lượng như một cách để bù cho giá giảm, kim ngạch giảm, từ cà phê rồi tới đồ gỗ bây giờ bán 5 container thành phẩm nhưng chỉ bằng mức 3 container của các năm trước.
Xuất khẩu cao su 720.000 tấn, tăng 9,36% nhưng kim ngạch lại giảm tới 26,3%; gỗ thành phẩm xuất khẩu cũng tăng mạnh nhưng kim ngạch thì giảm 11%, xuống còn 2,5 tỉ đô la Mỹ và trở thành năm đầu tiên trong chục năm qua, mặt hàng này bị giảm sút về kim ngạch. Ngay cả hạt điều, dù nguyên liệu trong nước thiếu trước hụt sau nhưng lượng điều nhân xuất khẩu vẫn tăng 6% trong khi kim ngạch thì giảm gần 8%.
Một cán bộ văn phòng Hiệp hội chè Việt Nam nói vui là càng khủng hoảng kinh tế, người tiêu dùng càng uống chè để tỉnh tảo trong suy nghĩ, tính toán làm ăn. Không biết vị này nói có đúng không nhưng chè được xem là mặt hàng nông sản duy nhất năm nay tăng gần như đồng đều giữa sản lượng 133.000 tấn, tăng 27,3% và kim ngạch 178 triệu đô la Mỹ, tăng 21%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2009 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 15,34 tỉ đô la Mỹ, dù thấp hơn gần 7% so với năm ngoái nhưng vẫn vượt hơn 1 tỉ đô la Mỹ so với chỉ tiêu Chính phủ giao là 14 tỉ đô la Mỹ.
Có lẽ tình hình thị trường thế giới, nhất là thị trường nông sản còn biến động bất thường nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển chỉ khiêm tốn đặt ra mục tiêu của năm 2010 chỉ là 16 tỉ đô la Mỹ.Theo Saigon Times