📞

Xuất khẩu nông sản qua biên giới: Đừng để phải... giải cứu

Hoàng Nam 10:00 | 16/02/2020
TGVN. Nông sản không thể xuất khẩu sang Trung Quốc bởi ảnh hưởng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra. Một lần nữa, bài toán đầu ra cho nông sản lại được đặt ra.
Doanh nghiệp cần có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.

Chiến dịch “giải cứu nông sản”, hỗ trợ, đồng hành cùng bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm lại diễn ra, từ vỉa hè đến chợ truyền thống, các siêu thị và đại siêu thị.

Nông nghiệp lại chịu tổn thương

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tháng 1/2020 chỉ đạt 8,29 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Lý do không chỉ do toàn bộ thời gian nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng Giêng, mà hệ lụy từ dịch bệnh do COVID-19 gây ra mới là nguyên nhân chính.

Cụ thể, để phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân, toàn bộ đường mòn, lối mở giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được đóng hoàn toàn. Một số cửa khẩu chính tạm ngưng thông quan, chợ giao thương giữa hai nước cũng được phía Trung Quốc dừng hoạt động.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tháng 2/2020, riêng tỉnh Long An, lượng thu hoạch thanh long đạt khoảng hơn 75.000 tấn, đầu tháng Ba, tại Tiền Giang dự kiến thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận 100.000 tấn... Gần 80% sản lượng thanh long này đều chủ yếu cung cấp cho Trung Quốc, nhưng thị trường này đã dừng nhập hàng.

Tại Hội nghị về thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch virus corona vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, Trung Quốc là thị trường lớn của hàng nông sản, do đó, nông nghiệp sẽ chịu tổn thương lớn nhất.

Không chỉ dưa hấu, thanh long gặp khó, mà theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay, tất cả nội dung thương thảo giữa hai nước về việc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sầu riêng, khoai lang... vốn đang tiến triển rất tốt đều phải tạm dừng lại. Vậy nên, tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, nhất là theo chính ngạch, sẽ có nhiều khó khăn.

Cùng nhận định trên, trao đổi với TG&VN, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, kim ngạch thương mại song phương trong những tháng đầu năm 2020 chắc chắn sụt giảm mạnh. Hàng rào phi thuế quan sẽ gia tăng do yêu cầu kiểm dịch khắt khe hơn và xuất khẩu chính ngạch sẽ là chủ yếu, tiểu ngạch giảm đáng kể.

Cần giải pháp căn cơ

Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trao đổi thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn nhất. Bộ đã chủ động họp, chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, phối hợp doanh nghiệp logistics bảo quản trái cây, vận động chủ hàng trao đổi cư dân sang xuất khẩu chính ngạch… nhưng chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cần thiết và trên thực tế, Bộ Công Thương đã, đang tích cực triển khai. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch, Bộ đang tập trung vào những thị trường có tiềm năng và còn dư địa phát triển. Không ít mặt hàng nông sản của Việt Nam đã vào được thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Australia, Mỹ... Vì vậy, các chuyên gia thương mại cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp tục khai thác tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do mới.

Còn trước mắt, tại Hội nghị trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định các tỉnh, hiệp hội cần rà soát lại các mặt hàng. Chẳng hạn tại Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ thanh long; 150 cơ sở trên địa bàn tỉnh với hơn 100 cơ sở có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ trong các kho lạnh, tăng chế biến để tiêu thụ ổn định chừng 30.000 tấn/tháng.

Cùng với đó, các nhà bán lẻ như Hapro, Big C, Vinmart… tiếp tục vào cuộc tích cực để thúc đẩy tiêu thụ trong nước, “chạy” các chương trình khuyến mại kích cầu. Riêng nhóm dưa hấu, Bộ trưởng chỉ đạo bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua các cây trồng khác như ngô, đậu tương, rau...

Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm những thay đổi phát sinh...

Các nhà khoa học dự đoán, dịch bệnh do COVID-19 diễn biến phức tạp có thể kéo dài trong nhiều tháng, nên ngay từ bây giờ, các đơn vị xuất khẩu nông sản cần tìm giải pháp khác như chế biến tại chỗ, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Về lâu dài, nhìn theo hướng tích cực, đây có thể là động lực thúc đẩy nông sản Việt Nam xuất khẩu theo hướng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, để hạn chế tác động tiêu cực do không thể xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, các doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước vốn rất tiềm năng và tiết kiệm chi phí vận chuyển.

“Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng hàm lượng chế biến và bảo quản, áp dụng công nghệ cao và điều chỉnh cơ cấu sản xuất, sản phẩm xuất khẩu. Đây mới là yếu tố quan trọng và bền vững”, ông Phong nhấn mạnh.

Trong nhiều năm qua, “giải cứu nông sản” luôn là câu chuyện dài kỳ, là biện pháp tạm cho hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng rõ ràng, đây không thể là giải pháp lâu dài. Cần một bước đi mang tính đột phá, chứ không thể năm nào cũng giải cứu.