📞

Xuất khẩu nông sản sạch: Livestream xuyên biên giới, tại sao không?

MH 19:57 | 24/10/2022
Đầu tư cho nông nghiệp sạch để xuất khẩu và cung cấp dịch vụ, nền tảng và giải pháp giúp nông sản vươn mình ra thế giới là những mục tiêu cấp thiết.
Nông dân Bắc Kạn được đào tạo cách livestream bán hàng trực tuyến bởi chuyên gia của Vietnam Post. (Nguồn: tmdt.mic.gov)

Nông sản Việt vươn tầm quốc tế

Sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang dần trở thành hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Việc ứng dụng công nghệ số giúp nông dân xóa nhòa ranh giới về địa lý, tháo gỡ những điểm nghẽn trong quảng bá, kinh doanh, thể hiện rõ rệt trong thời gian qua, nhất là giai đoạn đại dịch Covid-19 làm gián đoạn mọi con đường lưu thông hàng hóa.

Tại Hội nghị “Nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới và phát triển thương hiệu trên nền tảng số” do Bộ Công Thương, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội và Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội tổ chức hôm 21/10, ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc phát triển thị trường và quan hệ chính phủ của Alibaba Việt Nam đánh giá, một số ngành như nông sản, thực phẩm chế biến - đóng gói, thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng của Việt Nam hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh trên sàn về chi phí giá thành, đặc biệt nếu tận dụng được thế mạnh của Alibaba.com là sàn bán sỉ (B2B) có lượng người mua sỉ lớn.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cũng nhận định “Việc đưa hàng hoá, nhất là nông sản lên mạng Internet để bán trong nước và xuất khẩu sẽ là xu hướng”.

Hiện tại, Cục Xúc tiến thương mại đã và đang phối hợp với các sàn thương mại điện tử để đào tạo, tập huấn cho nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, bán hàng livestream; hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện để nông dân hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó tổ chức sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vừa ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Trước đó, ở thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, để ứng phó với khó khăn này, nhiều nông dân đã tìm cách đưa nông sản lên mạng xã hội kết nối với người tiêu dùng, giúp giảm các khâu trung gian.

Sự nhạy bén trong khai thác lợi thế công nghệ thông tin đã giúp nông dân giải tỏa phần nào áp lực trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Cũng từ đó, việc đưa nông sản lên mạng xã hội qua các nền tảng, trong đó nổi bật là mô hình livestream bán nông sản trở thành một phương thức có thể giải quyết nhiều vấn đề.

Nếu như trước đây, đa số nông dân vốn chỉ quen với việc chăm sóc vườn, ít tiếp xúc với các kênh bán hàng hiện đại thì nay họ bắt đầu tìm hiểu cách bán hàng qua mạng xã hội. Người nông dân có thêm kênh buôn bán mới, đôi khi hiệu quả hơn cả buôn bán truyền thống.

Để cho mọi hoạt động buôn bán nhỏ lẻ trở nên chuyên nghiệp hoá, tạo ra uy tín cũng như hiệu quả trong sự kết nối với đối tác khách hàng, thì các Sở ban ngành ở nhiều địa phương cũng nhanh chóng có các kế hoạch cụ thể để triển khai với hình thức này.

Kết quả mang lại đang được đánh giá là vượt trội. Ngoài năng lực tiêu thụ được gia tăng, thì hiệu quả từ việc quảng bá các sản phẩm đặc sắc của địa phương, các mặt hàng nông sản thương hiệu… cũng được lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định vị thế, uy tín và bản quyền thương hiệu của nông dân ở nhiều địa phương.

Bà Hoàng Hà Lê Chi – Giám đốc công ty TNHH Xúc Tiến Thương Mại & Chuyển Đổi Số Quốc Gia chia sẻ: “Nông sản Việt Nam có nhiều thương hiệu đã được quốc tế khẳng định, công nhận và cấp bằng nhãn hiệu. Có thể kể đến như gạo hữu cơ, dừa, tinh dầu… Trong tương lai gần, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa nhiều thương hiệu ra quốc tế ở hầu hết các lĩnh vực kể cả văn hoá, ẩm thực, kiến trúc truyền thống và nông sản.

Nông sản Việt Nam, với nhiều những ưu thế về thổ nhưỡng, khí hậu, phương thức và quan trọng nhất là sự chăm chút thật tâm của người nông dân, khi kết hợp với hình thức livestream bán hàng, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có đủ sức vươn mình ra thế giới theo cách hiện đại nhất mà các quốc gia lớn cũng đang áp dụng”.

Xuất khẩu nông sản sạch, Nguồn ảnh: Livestream bán hàng, nông dân Bắc Giang bán 8 tấn vải trong thời gian 40 phút. (Nguồn ảnh VietnamPlus)

Thách thức ẩn chứa nhiều cơ hội

Tuy vậy, livestream để bán hàng nông sản là hình thức kinh doanh mới mẻ, và hiện nay ở Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Đây là một trong những sự “chậm trễ” không cần thiết bởi dưới góc độ kinh doanh, thì mục tiêu chung cho sự phát triển kinh tế xã hội cần gắn liền với sự phát triển nông nghiệp tại Việt Nam.

Nhìn vào điểm thiếu sót đó, rất nhiều ý tưởng táo bạo đã được sinh ra ra đặc biệt nhất là mô hình doanh nghiệp số hóa các hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm đặc sản nội địa. Đồng thời sẽ tạo sự chủ động cho chuỗi cung ứng, giúp đưa sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt nhất, đảm bảo, uy tín cho người tiêu dùng bán hàng và công ty đang dẫn đầu xu hướng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, giấc mơ về một nền nông nghiệp mạnh mẽ vượt biên giới là điều hoàn toàn chắc chắn với thị trường nông sản tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc đưa hàng nông sản lên các sàn thương mại điện tử là một phương thức còn khá mới mẻ, trong khi chuyển đổi số ngành nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số; là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí hợp lý nhưng đầu ra tốt nhất, cả về giá và số lượng hàng hóa.

Chính vì vậy, ngoài yêu cầu thay đổi cách tiếp cận của nông dân đối với hàng hóa của mình, từ đồng ruộng đến… “sạp hàng”, còn cần một chính sách hỗ trợ và vào cuộc của doanh nghiệp, các sở, ban, ngành và cả các chính sách của Nhà nước để thực sự có được sự phát triển đồng bộ và kịp thời, đem lại hiệu quả toàn diện nhất.