Phân loại tôm chuẩn bị đưa vào sơ chế ở Công ty Fimex Việt Nam (Sóc Trăng). (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc trở thành nước tiêu thụ lớn thứ tư của thủy sản Việt Nam. Tôm là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, hiện chiếm trên 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Vasep cho biết, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc liên tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm qua. Năm 2011, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng 40% so với 2010. Năm 2012, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng 20,5%.
Năm 2013, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt khoảng 560 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu tôm chiếm 68%, đạt khoảng 350 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2012.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh là do năm 2013, sản lượng tôm nuôi của Trung Quốc giảm mạnh do ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm (EMS) khiến nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này gia tăng.
Theo ước tính, sản lượng tôm nuôi của Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh 1,5 triệu tấn năm 2011 xuống còn khoảng 1,1 triệu tấn trong năm nay.
Dự báo, xu hướng nhập khẩu tôm vào Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới bởi Trung Quốc đang được coi là thị trường nhập khẩu tiềm năng. Thu nhập của người dân tăng và lối sống thay đổi đã và đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở nước này, nhất là thủy sản chất lượng cao.
Nhìn chung giá tôm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khá ổn định, không có nhiều biến động. Trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2013, giá tôm xuất khẩu sang thị trường này được duy trì trong khoảng 7,5 USD/kg đến 8,5 USD/kg và dự báo có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh không phải là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thiếu nguồn nguyên liệu cho những thị trường có nhu cầu và giá nhập khẩu cao như Mỹ, Nhạt Bản và EU.
Bên cạnh nguồn tôm xuất chính ngạch, tình trạng thương lái thu mua tôm nguyên liệu bất kể cỡ tôm và chất lượng đưa sang Trung Quốc đã đến mức báo động.
Tình trạng này sẽ kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam. Do không thể cạnh tranh trong thu mua tôm nguyên liệu với thương lái đã khiến nhiều doanh nghiệp “mắc kẹt” với những hợp đồng đã ký với nhà nhập khẩu trước đây. Bên cạnh đó là nguy cơ không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu, đặc biệt là dư lượng kháng sinh và tạp chất, có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh con tôm Việt Nam.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, tôm chế biến chiếm tỷ trọng 31%, tôm nguyên liệu đông lạnh chiếm 69%; trong khi tỷ lệ xuất sang Trung Quốc lần lượt là 3,6% và 96,3% cho thấy ngành tôm đang bị lệ thuộc vào thị trường dễ biến động này, lãng phí nguồn nguyên liệu chế biến hàng giá trị gia tăng xuất sang các thị trường khác./.
Theo Thúy Hiền (TTXVN)