Bản tin xuất nhập khẩu ngày 10-13/11: Mỹ tăng mạnh nhập khẩu trái xoài tươi từ Việt Nam. (Nguồn: Wordpress) |
Giá trị xuất khẩu trái xoài tươi sang Mỹ tăng mạnh
Nhu cầu nhập khẩu xoài lớn tại Mỹ là cơ hội để quả xoài các loại của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này, trong đó đáng chú ý là chủng loại xoài tươi.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, nhập khẩu quả xoài các loại của Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 497,3 nghìn tấn, trị giá 567 triệu USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân xoài các loại của Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 1.140,1 USD/tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, Mỹ tăng mạnh nhập khẩu xoài tươi, khô và đông lạnh từ thị trường Peru, Haiti, Ecuador, Philippines, Nicaragua và Việt Nam. Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường cung cấp quả xoài lớn thứ 12 cho Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2020, đạt 1,35 nghìn tấn, trị giá 2,8 triệu USD, tăng 87,4% về lượng và tăng 99,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xoài nhập khẩu từ Việt Nam trung bình ở mức 2.064,8 USD/ tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Mỹ chủ yếu nhập khẩu xoài đông lạnh và tươi từ Việt Nam. Trong đó, nhập khẩu xoài đông lạnh của Mỹ từ Việt Nam 8 tháng đầu năm 2020 đạt 811 tấn, trị giá 1,36 triệu USD, tăng 40,6% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; Nhập khẩu quả xoài tươi đạt 539 tấn, trị giá 1,4 triệu USD, tăng 273,9% về lượng và tăng 249,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Nhu cầu nhập khẩu xoài lớn tại Mỹ là cơ hội để quả xoài các loại của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này, trong đó đáng chú ý là xoài tươi. Để chủng loại quả xoài các loại tăng thị phần tại Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe như: Vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc USDA cấp mã số để quản lý, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Thị phần hạt tiêu, hạt điều Việt Nam tại Hà Lan tăng
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), 7 tháng đầu năm 2020, Hà Lan giảm nhập khẩu hạt tiêu từ hầu hết các nguồn cung chính.
Cụ thể, nhập khẩu hạt tiêu của Hà Lan từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 giảm 1,7% về lượng và giảm 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 4,57 nghìn tấn, trị giá 13 triệu EUR (tương đương 15,5 triệu USD).
Tuy nhiên, thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hà Lan vẫn tăng từ 48,2% trong 7 tháng đầu năm 2019 lên 55,8% trong 7 tháng đầu năm 2020.
Đối với mặt hàng hạt điều, theo Ủy ban Thương mại Quốc tế, nhập khẩu hạt điều của Hà Lan từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng 53,9% về lượng và tăng 29,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 27 nghìn tấn, trị giá 191,63 triệu USD.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hà Lan tăng mạnh, từ 68,1% trong 7 tháng đầu năm 2019 lên 77,9% trong 7 tháng đầu năm 2020.
Tôm Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất ở Canada
Tôm Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất trong tôm nhập khẩu vào Canada nhờ xuất khẩu tăng mạnh sang thị trường này trong năm nay, bất chấp dịch bệnh Covid-19.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm đến giữa tháng 10, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada đạt 146,5 triệu USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá trị như trên, Canada đang là thị trường nhập khẩu lớn thứ 7 của tôm Việt Nam, chiếm 5% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Canada đứng thứ 13 về nhập khẩu tôm trên thế giới, chiếm khoảng 2% tổng giá trị nhập khẩu tôm toàn cầu. 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Canada đạt gần 213 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Canada, chiếm 34% tổng giá trị nhập khẩu tôm của nước này. Như vậy, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu về cung cấp tôm cho Canada.
Canada chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng như tôm sú tươi PTO đông lạnh; tôm chân trắng tươi HLSO EZP đông lạnh; tôm chân trắng lột vỏ bỏ đầu chừa đuôi đông lạnh; tôm sú bỏ đầu Nobashi tươi đông lạnh; tôm sú tươi bỏ đầu, còn vỏ, còn đuôi, xẻ lưng đông lạnh; tôm sú bỏ đầu HLSO tươi đông lạnh, tôm sú nguyên con đông lạnh; tôm sú lặt đầu đông lạnh; tôm chân trắng tẩm bột đông lạnh; tôm chân trắng vỏ không đầu chừa đuôi xẻ bướm tẩm gia vị đông lạnh; tôm thẻ chân trắng PTO hấp đông lạnh.
Dự báo xuất khẩu cá tra đạt 1,5 tỷ USD
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2020 đạt 1,5 tỷ USD. Cơ cấu thị trường xuất khẩu thay đổi khi Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) vượt lên đứng đầu chiếm 33,4%, tiếp theo là các thị trường Mỹ (16,6%), ASEAN (9,9%), EU (9,4%)...
Mặc dù xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã có mặt ở khắp các thị trường thế giới, nhưng trong 10 năm trở lại đây, xuất khẩu còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc nhập khẩu cá tra của Việt Nam rồi lại xuất bán sang Nga và châu Âu.
Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ngành hàng cá tra đang có 3 lợi thế: Thị trường ngày càng mở rộng do xu hướng sử dụng thực phẩm trong và ngoài nước đang chuyển dịch từ thịt sang cá. Trình độ công nghệ chế biến cá tra phát triển mạnh, nâng chỉ số năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, nông dân đã làm chủ kỹ thuật nuôi nên không lo lắng vấn đề này ngay cả khi Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh cũng ồ ạt nuôi cá tra.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Thư cũng cho rằng có trở ngại cho cá tra Việt Nam khi mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân chưa chặt chẽ dẫn đến có thời điểm chia sẻ lợi nhuận giữa doanh nghiệp cho nông dân chưa tốt. Có thời điểm nông dân chưa tạo niềm tin về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết, cung cấp đủ hàng hóa cho doanh nghiệp chế biến.
Theo đánh giá của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ngành nuôi cá tra cũng đang đối mặt với khó khăn do chất lượng giống ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi thương phẩm cao, hiệu quả sản xuất thấp. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm gia tăng bệnh dịch. Các rào cản thương mại, kỹ thuật vẫn đang tiếp diễn; những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định mới của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc, hay các quy định mới của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA) của thị trường EU.
Trong 9 tháng năm 2020, dịch Covid-19 tác động đến sản xuất, xuất khẩu chuỗi ngành hàng cá tra khi kim ngạch xuất khẩu giảm ở tất cả thị trường lớn, chỉ đạt khoảng 1,04 tỷ USD.
Đến cuối tháng 10, Đồng bằng sông Cửu Long thả trên 1,5 tỷ con cá tra giống. Giá cá tra nguyên liệu 9 tháng năm 2020 giảm mạnh còn khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg, nhưng đến đầu tháng 10 giá cá tăng lên khoảng 20.000 - 23.000 đồng/kg.