Bản tin xuất nhập khẩu hôm nay: Xuất khẩu tiêu đang dần phục hồi. (Nguồn: Pinterest) |
Xuất khẩu gạo "tăng tốc" về đích
Giá lúa tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tăng với mức tăng từ 100 - 200 đồng/kg. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.000 - 6.200 đồng/kg; tăng 100-150 đồng/kg; các loại lúa chất lượng cao cũng có giá tăng từ 100-200 đồng/kg, cụ thể Jasmine từ 6.200 - 6.300 đồng/kg, lúa OM từ 6.000 - 6.250 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm xuất khẩu trong tuần qua tăng nhẹ. Giá gạo nguyên liệu IR 50404 tăng từ 100- 150 đồng/kg lên 9.300-9.350 đồng/kg. Gạo thành phẩm xuất khẩu IR 50404 tăng 150 đồng lên 10.550 đồng/kg; giá tấm loại1 IR 50404 tăng 100 đồng/kg lên 9.100 đồng/kg. Giá cám vàng tăng 150 đồng/kg lên 6.350 đồng/kg.
Theo các thương lái, trong tuần qua thị trường lúa gạo sôi động hơn, giá gạo OM 5451 tăng do nhu cầu gạo nội địa tăng trong khi lượng gạo về ít.
Sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu gạo những tháng đầu năm cùng với việc tận dụng nhanh các ưu đãi mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại, đang tạo ra thời cơ mới xuất khẩu lúa gạo Việt Nam. Quý IV/2020 là thời điểm ngành hàng xuất khẩu gạo “tăng tốc” để về đích với kế hoạch xuất khẩu từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.
Số liệu từ Tổng cục hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu gần 182.000 tấn gạo, thu về gần 98 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/10, Việt Nam đã xuất gần 5,2 triệu tấn gạo, thu về hơn 2,5 tỷ USD.
Xuất khẩu hạt tiêu đang có dấu hiệu phục hồi
Là quốc gia có diện tích trồng hạt tiêu lớn nhất thế giới, nhưng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là tiêu hạt, chiếm 90% tổng lượng xuất khẩu, trong đó tiêu đen chiếm 90% và tiêu trắng chiếm 10%. Một số doanh nghiệp lớn có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA... đã XK được các sản phẩm tiêu chế biến như: Tiêu bột, tiêu ngâm muối, tiêu khử nước, đông khô, dầu nhựa tiêu, dầu thơm tiêu, trà tiêu… tuy nhiên tỷ trọng chỉ chiếm 10%.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu hạt tiêu tháng 9/2020 đạt 18 nghìn tấn, trị giá 45 triệu USD, tăng 20,4% về lượng và tăng 22,2% về trị giá so với tháng 9/2019.
Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 220 nghìn tấn, trị giá 489 triệu USD, giảm 5,9% về lượng và giảm 17,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi xuất khẩu tiêu đen sang một số thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, giảm mạnh thì đối với thị trường Nga lại tăng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Nga cho biết, nhập khẩu hạt tiêu của Nga từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 4,66 nghìn tấn, trị giá 11,47 triệu USD, tăng 28,4% về lượng và tăng 24,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga tăng từ 67,7% trong 7 tháng đầu năm 2019, lên 75,6% trong 7 tháng đầu năm 2020.
Thời gian tới, dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn tại các thị trường chính như Mỹ, Ấn Độ đều đang có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh đó, EVFTA cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng hạt tiêu Việt Nam trên thị trường EU.
Italy trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Italy trong tháng 9 tăng tới 8.599% so với cùng kỳ. Điều này đã đưa Italy trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên minh châu Âu (EU) trong 9 tháng đầu năm 2020.
Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam tháng 9 cũng cho thấy, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính có nhiều chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ, xuất khẩu sang các thị trường trước đó tăng trưởng âm đã phục hồi trở lại như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Việc EU xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đang khiến các sản phẩm này của Việt Nam trở nên hút hàng hơn đối với các nước EU.
Bên cạnh đó, các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam cũng đang được thị trường này quan tâm. Với kết quả này có thể thấy, cánh cửa vào thị trường EU đang mở rộng hơn cho các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam.
Dự báo, do các thị trường trên thế giới chuẩn bị bước vào mùa lễ hội cuối năm, nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ cá ngừ sẽ khả quan hơn. Điều sẽ thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường, đặc biệt là các thị trường chính như Mỹ và EU.
5 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tính đến 15/10
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 215,25 tỷ USD, tăng 4,6% tương ứng tăng 9,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, số lượng nhóm hàng xuất khẩu “chục tỷ USD” vẫn dừng ở con số 5 so với cùng kỳ 2019 là: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép.
Cụ thể, tổng kim ngạch nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 34,2 tỷ USD, tăng tới 7 tỷ USD so với cùng kỳ 2019.
Về thị trường xuất khẩu (cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 9), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất sang Trung Quốc đạt 8,35 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Mỹ đạt 7,36 tỷ USD, tăng mạnh 83,2%; sang thị trường EU đạt 4,57 tỷ USD, tăng 22,1%; sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đạt 2,68 tỷ USD, tăng 25,6%...
Trong khi đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,568 tỷ USD, cũng tăng 5,76 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chủ yếu gồm: Mỹ với 7,59 tỷ USD, tăng mạnh 121%; EU đạt trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 29,1%; Hàn Quốc với 1,5 tỷ USD, tăng 29,2%; Nhật Bản với 1,45 tỷ USD, tăng 2,2%; Trung Quốc với 1,32 tỷ USD, tăng 19,7%...