Xung đột Israel-Hamas đã bước sang tuần thứ 7 mà chưa có dấu hiệu kết thúc. (Nguồn: AP) |
Công tố viên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Karim Kahn ngày 18/11 cho biết đã nhận được yêu cầu của 5 quốc gia về việc điều tra hình sự với cáo buộc tội ác chiến tranh mà Israel đã gây ra đối với nhà nước Palestine kể từ ngày 13/6/2014 đến nay.
Theo ông Kahn, các nước gồm Nam Phi, Bangladesh, Bolivia, Comoros và Djibouti đã ký đơn khởi kiện chung, nhằm “đảm bảo rằng ICC quan tâm khẩn cấp đến tình hình nghiêm trọng ở Palestine”.
ICC đã tiếp nhận đơn và đang mở cuộc điều tra.
Hồi tháng 10, Công tố viên Kahn tuyên bố ICC có thẩm quyền điều tra và phán quyết đối với vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, cũng như bất kỳ động thái nào có thể đã xảy ra trong quá trình đáp trả của Israel, bao gồm các vụ ném bom vào Dải Gaza.
Tuy nhiên, Israel hiện không phải là thành viên phê duyệt Công ước của ICC và không công nhận phán quyết của Tòa án này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định ICC có thẩm quyền điều tra về công dân các nước không phải là thành viên, ví dụ như phạm tội trên lãnh thổ một quốc gia là thành viên của ICC. Palestine đã gia nhập ICC từ năm 2015 và họ cũng đang nỗ lực kiện Israel ra tòa án này.
* Ngày 17/11, Israel đã đưa ra cảnh báo mới, kêu gọi người Palestine ở thành phố Khan Younis (miền Nam Gaza) phải di dời về phía Tây ra khỏi vùng lửa và đến gần hơn với viện trợ nhân đạo. Đây được cho là dấu hiệu mới nhất cho thấy Israel có kế hoạch tấn công Hamas ở Nam Gaza sau khi chinh phục miền Bắc.
Thông báo trên kênh MSNBC, trợ lý của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Mark Regev cho biết: "Chúng tôi đang yêu cầu mọi người di dời. Tôi biết điều đó không dễ dàng với nhiều người trong số họ, nhưng chúng tôi không muốn thấy dân thường bị cuốn vào cuộc giao tranh".
Động thái trên có thể buộc hàng trăm nghìn người Palestine chạy trốn về phía Nam phải di dời một lần nữa, cùng với cư dân của Khan Younis, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đang rất nghiêm trọng. Khan Younis hiện có dân số hơn 400.000 người.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Netanyahu đã tái khẳng định rằng, lệnh ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza chỉ có thể thực hiện được nếu "chúng tôi có thể đưa các con tin của mình trở về".
Trả lời phỏng vấn của hãng tin CBS (Mỹ), ông Netanyahu cho biết mục tiêu là đảm bảo giải thoát khoảng 240 con tin bị giữ ở Gaza.
Bình luận của ông Netanyahu được đưa ra khi hàng nghìn người biểu tình Israel, bao gồm cả thành viên gia đình các con tin, tiếp tục tuần hành từ Tel Aviv đến Jerusalem để kêu gọi thả các tù nhân Israel ở Gaza. Họ dự kiến sẽ đến Jerusalem vào tối 18/11 và biểu tình bên ngoài Văn phòng Thủ tướng.
Trong một nỗ lực hòa giải, ngày 17/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Quốc vương Qatar Al Thani đã kêu gọi trả tự do cho tất cả các con tin bị Hamas bắt giữ ngay lập tức. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về những nỗ lực nhằm tăng cường dòng hỗ trợ nhân đạo cần thiết, khẩn cấp vào Gaza và quyết định của Israel tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho viện trợ cứu người.
Cùng ngày, Thái tử Bahrain, ông Salman bin Hamad Al Khalifa đã kêu gọi “trao đổi tù nhân” giữa Hamas và Israel để giải quyết xung đột. Ông nhấn mạnh, an ninh sẽ không thể đạt được nếu không có giải pháp hai nhà nước, trong đó vai trò của Mỹ là không thể thiếu.
Hoàng tử Salman mô tả tình hình ở Gaza là "không thể chấp nhận được", đồng thời vạch ra ranh giới đỏ, gồm việc Israel buộc người Palestine phải di dời, việc Israel tái chiếm Gaza, cũng như mối đe dọa quân sự từ Gaza đối với Israel.
Phát biểu tại Đối thoại IISS Manama, Hoàng tử Salman cũng cho rằng, một cuộc bầu cử ở Palestine sau khi xung đột kết thúc sẽ dẫn đến một "nền hòa bình công bằng và lâu dài", đồng thời nhấn mạnh việc thành lập một nhà nước Palestine sẽ đưa đến an ninh và sự ổn định cho Israel.