Ngày 31/3, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tuyên bố quốc tang một ngày sau khi ít nhất 17 người biểu tình Palestine bị binh lính Israel bắn chết và hơn 1.400 người bị thương tại khu vực phía Đông Dải Gaza. Vụ đụng độ đẫm máu này có nguy cơ thổi bùng ngọn lửa thù hận ở vùng đất vốn nhiều bất ổn này.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu cho phong trào biểu tình “Cuộc đại hành quân trở về” của người Palestine kéo dài hơn 6 tuần, trùng với kỷ niệm 42 năm “Ngày đất đai” tại Palestine. Cuối tuần trước, khoảng 30.000 người ở Gaza đã tập trung dọc hàng rào biên giới dài 65km với Israel để tham gia biểu tình, nhằm yêu cầu chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu mở cửa cho người tị nạn Palestine trở về những vùng đất đang bị Tel Aviv kiểm soát.
Ngày 1/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã lên án vụ tấn công “vô nhân đạo” và gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một “kẻ khủng bố”. Bạo lực leo thang, cùng những căng thẳng gia tăng trong quan hệ Israel – Palestine đang đẩy dải Gaza tới một xung đột diện rộng.
Dòng người biểu tình Palestine tiến về khu vực biên giới với Israel hôm 30/3 (Nguồn: AP) |
Thảm kịch mới
Chiến dịch biểu tình kéo dài của người Palestine là điều được dự báo từ trước, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel năm 2017, đồng thời quyết định chuyển Đại sứ quán tại Tel Aviv về Jerusalem năm 2018. Động thái của Washington đã chạm tới vấn đề nhạy cảm nhất trong tranh chấp giữa Israel và Palestine.
Mâu thuẫn, hiềm khích và thù hận luôn chất chứa trong lòng người Palestine đối với Israel. Thương vong nặng nề những ngày qua đã biến cuộc đụng độ trở thành thảm kịch đẫm máu nhất tại Gaza kể từ mùa hè năm 2014. Có thể nói, một kích động nhỏ cũng có thể khiến xung đột lớn bùng phát ở “chảo lửa” này. Cho đến thời điểm hiện tại, hàng nghìn người Palestine tuyên bố sẽ tiếp tục tuần hành phản đối. Nhiều căn lều đã được dựng lên tại biên giới có rào chắn cho các cuộc biểu tình sắp tới, vốn dự kiến sẽ đạt cao trào vào ngày 14/5, khi Đại sứ quán Mỹ chính thức được di dời.
Trong khi đó, phía Israel đã ban bố tình trạng báo động và tăng cường lực lượng bảo vệ gần biên giới với dải Gaza. Tel Aviv cũng điều động hơn 100 xạ thủ, chủ yếu từ các lực lượng đặc nhiệm, nhằm ứng phó nguy cơ an ninh và ngăn chặn người biểu tình phá hàng rào an ninh ở biên giới và xâm nhập lãnh thổ Israel. Tham mưu trưởng quân đội Israel Gadi Eisenkot cho biết sẽ không nhân nhượng nếu hàng rào an ninh bị phá trong thời gian diễn ra biểu tình, đồng thời nêu rõ trong trường hợp tính mạng bị đe dọa, lực lượng này được phép nổ súng.
Mong mỏi một giải pháp
Hiếm có một cuộc xung đột quốc tế nào lại tạo ra nhiều bế tắc ngoại giao như giữa Israel và Palestine. Bắt nguồn từ nhiều thập kỷ mâu thuẫn về tôn giáo, biên giới và lãnh thổ, xung đột giữa người Israel và Palestine đã khiến vô số chính khách, nhà ngoại giao phải “xắn tay” tham gia vào tiến trình hòa bình để rồi chứng kiến công sức bị đổ xuống sông, xuống biển vào phút chót.
Sự kiện lần này dường như cũng không là ngoại lệ khi chưa ai có thể đưa ra một giải pháp hòa bình, trong bối cảnh bạo lực tại dải Gaza tiếp tục leo thang như hiện nay. Tâm lý lo ngại một “mùa xuân” của những điểm nóng và bạo lực đang bao trùm. Ngoài ra, căng thẳng giữa Israel và Palestine đang làm lu mờ triển vọng đối thoại hòa bình Trung Đông, vốn đang bị đình trệ.
Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Nghị viện Ả rập đã chỉ trích mạnh mẽ hành động trấn áp người biểu tình của quân đội Israel. Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi tiến hành điều tra độc lập về việc sử dụng đạn thật của quân đội Israel sau các vụ đụng độ tại Gaza.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của họ đã bị chặn đứng tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 30/3. Dự thảo tuyên bố về tình trạng bạo lực tại dải Gaza đã bị đại diện Mỹ bác bỏ. Washington đã từ chối trở thành trung gian hòa giải cho tiến trình hòa bình Trung Đông kể từ quyết định chuyển đại sứ quán về Jerusalem năm ngoái.
Có thể nói, vụ bạo lực mới nhất ở dải Gaza là hệ quả rõ ràng của việc thiếu vắng một tiến trình hòa bình đáng tin cậy, cũng như một giải pháp toàn diện và ổn định cho cuộc xung đột dai dẳng giữa người Palestine và Israel. Chừng nào các mâu thuẫn giữa Israel và Palestine không được hóa giải và xoa dịu thông qua đàm phán, các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine vẫn sẽ bị bao phủ bởi màu xám u ám của bạo lực và xung đột, vốn đã kéo dài nhiều thập kỷ qua.