Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko trong cuộc hội đàm ở thành phố Sochi (Nga) ngày 15/9. (Nguồn: Sputnik) |
Lãnh đạo các nước thành viên EU đã xác nhận cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine thông qua Cơ sở hòa bình châu Âu và Phái bộ hỗ trợ quân sự của EU, cũng như hỗ trợ song phương của các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, Hungary và Slovakia đã miễn cưỡng phê duyệt dự thảo ngân sách của liên minh cho năm 2024, trong đó bao gồm các cam kết tài chính mới cho Ukraine.
Đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất bổ sung thêm 66 tỷ Euro vào ngân sách EU giai đoạn 2024-2027, phần lớn trong số đó sẽ được sử dụng cho các sáng kiến tiếp nhận người di cư cũng như hỗ trợ Ukraine trong 4 năm tới.
Ngay lập tức, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, Budapest sẽ tiếp tục ngăn chặn việc phân bổ kinh phí bổ sung từ ngân sách EU cho Ukraine đến khi nào nước này thấy có lý lẽ chính đáng rõ ràng. Ông nêu rõ không có lý do gì để Hungary phải gửi tiền thuế của người dân sang hỗ trợ Ukraine.
* Trong 2 ngày qua, Moscow liên tiếp đưa ra những tín hiệu để chứng tỏ nước Nga đủ tiềm lực sức mạnh và sẵn sàng đương đầu với phương Tây trong một cuộc chiến dài hơi.
Giới quan sát nhận thấy chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, chính quyền Nga đã có những động thái mạnh mẽ để gửi đến phương Tây một thông điệp rõ ràng: sau hơn một năm rưỡi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, giờ đây nước Nga đã chuẩn bị đối đầu quân sự với phương Tây.
Trước tiên là về tài chính, ngày 26/10, Quốc hội Nga đã thông qua luật ngân sách 2024-2026 dự trù tăng 70% chi phí quân sự.
Như vậy, trong năm tới, ngân sách quốc phòng của Nga sẽ chiếm 6% GDP, tăng gần gấp đôi so với năm nay. Cụ thể, với số tiền tương đương hơn 100 tỷ Euro, ngân sách quốc phòng này trên thực tế đã tăng gấp 3 lần so với năm 2021, thời điềm trước khi xung đột nổ ra.
Năm 2024 là năm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, mà ông Vladimir Putin được dự đoán là người chiến thắng. Giới quan sát nhận thấy, ngay từ bây giờ, ông chủ điện Kremlin đã bắt đầu chiến dịch vận động, chứng tỏ ông là một người mạnh mẽ có thể lãnh đạo nước Nga đương đầu với mọi mối đe dọa an ninh.
Trên hết, Tổng thống Putin thể hiện mình là người đứng đầu quân đội. Một ngày trước cuộc bỏ phiếu thông qua ngân sách quân sự tại Hạ viện, truyền thông Nga đưa tin rầm rộ rằng, ông Putin đích thân giám sát các cuộc tập trận quân sự, dự khóa huấn luyện phóng tên lửa đạn đạo và hành trình nhằm mô phỏng “một cuộc tấn công ồ ạt bằng vũ khí hạt nhân”.
Động thái quân sự này diễn ra phối hợp với một kịch bản chính trị khác. Thượng viện Nga vừa thông qua luật hủy bỏ việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT). Việc hủy phê chuẩn Hiệp ước vào giữa cuộc đối đầu không khoan nhượng Nga-phương Tây, một lần nữa, Moscow khẳng định lại những tuyên bố cứng rắn của ông Putin rằng, nước Nga sẽ sử dụng mọi phương tiện, tiềm lực có trong tay để đối phó với mọi đe dọa và vũ khí hạt nhân không còn là vấn đề cấm kỵ.
Sau hơn một năm rưỡi tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, mục tiêu phá vỡ trật tự thế giới của phương Tây đang trở thành ưu tiên của ông Putin. Ý tưởng này đã được các đồng minh, như Trung Quốc, Iran hay Triều Tiên ủng hộ.
Xác định đây là một cuộc chiến dài hơi, Tổng thống Putin khẳng định nước Nga vẫn có đủ tiềm lực về tài chính và quân sự để đối đầu với phương Tây bằng bất cứ giá nào.
* Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 27/10 cho rằng Kiev nên kêu gọi đình chiến và đàm phán trước khi họ mất tất cả, vì Ukraine sắp hết nhân lực chiến đấu.
Phát biểu với báo giới ở thủ đô Minsk, khi được hỏi về cuộc xung đột ở biên giới phía Nam của Ukraine, Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh: “Điều nguy hiểm nhất đối với Ukraine là nước này sẽ có vũ khí nhưng không có ai để sử dụng chúng... ".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thanh lọc tất cả các cơ quan huy động quân vào tháng 8, sau khi cơ quan an ninh SBU của Kiev cho biết, họ đã phát hiện ra một mạng lưới bán giấy miễn trừ y tế giả ở hàng chục khu vực trong nước.
Các nguồn tin chính thức của Ukraine cho biết, gần 20.000 người đã bị bắt giữ khi cố gắng rời khỏi đất nước thay vì phải nhập ngũ.
Theo Reuters, cuộc tấn công lớn của Ukraine được phát động vào tháng 6 đã không chọc thủng được bất kỳ tuyến phòng thủ nào của Nga ở Zaporizhzhia trong khi thiệt hại ước tính khoảng 90.000 quân và hàng nghìn thiết bị do phương Tây cung cấp.
Lực lượng Nga hiện đang phản công trên toàn bộ mặt trận. Kiev cũng bày tỏ lo ngại rằng, nước này có thể hết đạn dược vào năm 2024. Các quan chức Ukraine lưu ý, ngay cả toàn bộ tổ hợp công nghiệp-quân sự phương Tây cũng không thể đáp ứng được yêu cầu của họ.
Ông Lukashenko nói với các phóng viên, sự giúp đỡ của Mỹ sẽ không tồn tại mãi, vì vậy nếu khôn ngoan, người Ukraine sẽ ngồi xuống và đàm phán với người Nga.