Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Nguồn: Getty Images) |
Trong đoạn video, ông Volodymyr Zelensky nói: "Chúng tôi có thông tin về việc Nga đang lên kế hoạch kéo dài cách tấn công bằng máy bay không người lái Shahed".
Theo nhà lãnh đạo, đây có thể là "cách để nhằm vào sự kiệt quệ. Làm cho người dân, các hệ thống phòng không, hệ thống năng lượng của chúng tôi mệt mỏi", do đó, Kiev "cần phải làm tất cả" để họ "thất bại".
Trước đó, Ukraine cho biết, Nga đã tấn công các khu vực ở Ukraine bằng máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất trong các ngày 1 và 2/1. Tuy nhiên, Ukraine đã bắn rơi tất cả 39 UAV này, trong đó có 22 chiếc bị hạ ở thủ đô Kiev.
Ukraine và các nước phương Tây thường xuyên cáo buộc Iran xuất khẩu máy bay không người lái "cảm tử" sang Nga để Moscow sử dụng trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, song Tehran đã nhiều lần bác bỏ.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cảnh báo, nước này "không phải là một phần của cuộc xung đột ở Ukraine" và những cáo buộc vô căn cứ chống lại Tehran "sẽ không giúp giải quyết vấn đề".
Quan chức Iran cũng cho rằng, hợp tác quốc phòng giữa nước này và Nga đã được thực hiện trước khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời kêu gọi Kiev nên ngừng đưa ra "những cáo buộc vô căn cứ và sai trái" chống lại Tehran mà hãy xem xét các giải pháp thích hợp cho cuộc khủng hoảng.
Liên quan diễn biến trên thực địa ở Ukraine, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, quân đội nước này đã tiêu diệt hơn 70 lính đánh thuê và làm bị thương hơn 100 thành viên khác trong “quân đoàn quốc tế” của Ukraine khi tiến hành những cuộc không kích chính xác cao vào các địa điểm gần Markovo và Kramatorsk tại Donetsk và Novoosinovo tại Kharkov.
Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng đã phá hủy tại vị trí khai hỏa 2 hệ thống pháo M-777 do Mỹ sản xuất, tại khu định cư Chasov Yar và Minkovka, cùng một tổ hợp pháo tự hành Krab do Ba Lan sản xuất gồm 4 khẩu pháo D-30, 3 xe bọc thép và 2 xe bán tải của lực lượng vũ trang Ukraine.
Liên quan hòa đàm Nga-Ukraine, trong ngày 2/1, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã kêu gọi về một cuộc đàm phán hòa bình.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung ở Vienna, Ngoại trưởng Áo nói: “Ấn Độ có vai trò lớn trong vấn đề này, Thủ tướng Narendra Modi vẫn là một trong số ít nhà lãnh đạo thường xuyên có các cuộc hội đàm với cả hai bên Nga và Ukraine".
Khẳng định "đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Ấn Độ”, Ngoại trưởng Áo lưu ý, "hòa bình có thể đạt được trên bàn đàm phán chứ không phải trên chiến trường” và xung đột ở Ukraine “không phải là ngoại lệ”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar nhấn mạnh, Thủ tướng Modi đã có các cuộc hội đàm với các Tổng thống và Ngoại trưởng của cả Nga và Ukraine về lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế chấm dứt xung đột.
Ông Jaishankar đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở Ukraine. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng quốc gia Nam Á này cùng ngày sẽ có cuộc gặp Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Ấn Độ, xung đột Ukraine cũng đã dẫn đến sự gia tăng giá lương thực và nhiên liệu trên thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một bộ phận lớn các nước đang phát triển.