Nhân dân tệ của Trung Quốc ngày càng vững bước trên con đường trở thành một loại tiền tệ chính trên toàn cầu và là một đối thủ nặng ký so với USD Mỹ. (Nguồn: Getty) |
Con đường phi USD hóa chắc chắn đang tăng tốc. Trong vài tuần qua, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng bạc xanh sắp mất vị thế là đồng tiền quốc tế thống trị.
Vị thế của Nhân dân tệ tăng mạnh
Gần đây, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố, “không có lý do gì để Malaysia tiếp tục phụ thuộc vào đồng USD”, trong khi Trung Quốc hoan nghênh các cuộc đàm phán về một quỹ tiền tệ châu Á. Đồng thời, các giao dịch quốc tế bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng lên trong khi Trung Quốc và Pháp gần đây đã hoàn thành giao dịch khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên bằng NDT.
Tin liên quan |
Giá vàng hôm nay 13/6/2023: Giá vàng đi lên, nhạy cảm với ‘sức khỏe’ kinh tế Mỹ, sẽ có làn sóng bán tháo? Vàng SJC tăng |
Ngoài ra, Trung Quốc và Saudi Arabia cũng đã đồng ý xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 83,7 tỷ NDT mà không có bất kỳ khoản thanh toán nào bằng USD. Các công ty Nga đã phát hành trái phiếu bằng NDT với số tiền kỷ lục 7 tỷ USD vào năm 2022.
Xung đột Nga-Ukraine có thể mang lại cho đồng NDT của Trung Quốc sự thúc đẩy cần thiết để trở thành một loại tiền tệ chính trên toàn cầu - và là một đối thủ nặng ký so với USD Mỹ. Quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc rất ấn tượng.
Quốc gia Đông Bắc Á này đã duy trì một trong những tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong hơn một phần tư thế kỷ, giúp hơn 800 triệu người thoát khỏi đói nghèo chỉ trong vài thập niên.
Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nhật Bản, Đức, Brazil và nhiều nước khác. Dựa trên tỷ giá hối đoái thị trường, nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, nhưng lớn nhất toàn cầu dựa trên sức mua.
NDT hiện là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ năm trên thế giới. Đó là một sự gia tăng phi thường từ vị trí thứ 35 vào năm 2001. NDT cũng là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ năm trong các khoản thanh toán toàn cầu tính đến tháng 4/2023, tăng từ vị trí thứ 30 vào đầu năm 2011.
Hơn nữa, NDT đã thay thế đồng Euro để trở thành nguồn dự trữ ngoại hối lớn thứ hai của Brazil. Do đó, nhiều người tin rằng, không có gì ngạc nhiên khi nói về việc đồng USD bị ‘hạ bệ’ và sự tiếp quản không thể tránh khỏi của đồng nội tệ Trung Quốc.
Tuy nhiên, đồng NDT vẫn bị tụt lại với tư cách là một loại tiền tệ chính trên toàn cầu. Xếp hạng trên có thể gây hiểu lầm. Khối lượng giao dịch trung bình của đồng NDT vẫn chưa bằng 1/10 so với USD. Hơn nữa, hầu hết tất cả các giao dịch đều được thực hiện bằng đồng đô la Mỹ, với rất ít giao dịch bằng các loại tiền tệ khác.
Và khi nói đến thanh toán toàn cầu, tỷ trọng thực tế của NDT chỉ là 2,3%, so với 42,7% đối với USD và 31,7% đối với Euro. Đồng NDT cũng chiếm chưa đến 3% dự trữ ngoại hối thế giới vào cuối năm 2022, so với 58% của USD và 20% đối với Euro.
Sự thống trị của đồng USD
Trở lại lịch sử, từ năm 1975, vấn đề phi USD hóa đã từng được nhiều người đề cập. Qua nghiên cứu, người ta đã tìm thấy một số bài báo bằng tiếng Anh, trong nó nói rằng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang tìm cách cắt đứt mọi ràng buộc với đồng USD của Mỹ.
Bộ trưởng dầu mỏ của Kuwait thời điểm đó đã công bố kế hoạch cho phép giá dầu được định giá bằng nhiều loại tiền tệ (không chỉ rõ loại tiền tệ nào) ngoại trừ đồng bạc xanh. Tất nhiên, kế hoạch không thành hiện thực.
Với tư cách là nguồn tiền dự trữ chính của thế giới, đồng USD nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong trao đổi toàn cầu mà khó có loại tiền tệ nào khác có thể vượt qua. (Nguồn: Xinhua) |
Một trường hợp tương tự đã xảy ra vào năm 2019 khi các hợp đồng dầu đầu tiên bằng NDT được ký kết. Đây được coi là một bước tiến mới hướng tới phi USD hóa trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch đã không thành công.
Vào thời điểm hiện tại, khoảng 90% các giao dịch dầu được thực hiện bằng USD và theo báo cáo của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), gần 88% giao dịch quốc tế bằng USD. Cuối cùng, đồng bạc xanh chắc chắn không từ bỏ vị trí dẫn đầu của nó.
Với tư cách là nguồn tiền dự trữ chính của thế giới, đồng USD nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong trao đổi toàn cầu mà khó có loại tiền tệ nào khác có thể vượt qua. Một ưu thế vô song của USD là phần lớn nợ của thế giới được phát hành bằng đồng tiền này. Để giải quyết nợ USD, người ta phải có quyền sở hữu nó. Điều này tạo ra sự phụ thuộc toàn cầu vào đồng bạc xanh.
Theo cách tương tự, hầu hết giao dịch dầu mỏ trên thế giới được thực hiện bằng USD, đặc biệt là ở Trung Đông. Bất chấp những đồn đoán gần đây rằng hệ thống đồng USD dầu mỏ (tên gọi khác của USD) có thể gặp rủi ro, đây là một con đường khác của sự phụ thuộc toàn cầu vào USD và sẽ rất phức tạp để thay thế.
Năm 2022, có thông báo rằng Saudi Arabia sẽ xem xét sử dụng đồng NDT thay vì USD để bán dầu cho Trung Quốc, điều này đã làm dấy lên các cuộc đàm phán về một thế giới hậu USD. Gần đây hơn, Trung Quốc và Nga được cho là đã sẵn sàng thách thức đồng USD dầu mỏ.
Tuy nhiên, bất chấp những tin đồn và phỏng đoán, USD vẫn là đồng tiền chính trong các giao dịch dầu mỏ trong hơn 50 năm qua, trong khi chưa đến 3% giao dịch dầu toàn cầu được thực hiện bằng đồng NDT của Trung Quốc. USD vẫn ổn định cho đến hiện nay.
Ngoài ra, còn một loạt yếu tố cấu trúc cơ bản ủng hộ hệ thống tiền tệ toàn cầu lấy USD làm trung tâm. Đồng tiền của Mỹ được hưởng lợi từ tính thanh khoản cực cao, nhưng NDT thì không. Đồng bạc xanh được tự do chuyển đổi, trong khi nội tệ Trung Quốc cũng không có đặc quyền này.
Về cơ bản, Mỹ có nền kinh tế và quân sự hùng mạnh nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất toàn cầu. Tất cả những điều này khiến Trung Quốc có động cơ rõ ràng để giữ USD.
Một yếu tố khác khẳng định lại sự thống trị của đồng bạc xanh là vai trò của sự hợp tác quân sự. Tháng 10/2022, nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang mỹ (Fed) Colin Weiss đã công bố kết quả nghiên cứu về mối tương quan giữa tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối của một quốc gia và mối quan hệ quân sự của quốc gia đó với Mỹ. Ông Weiss giải thích rằng, 3/4 dự trữ USD toàn cầu được nắm giữ bởi các nước có mối liên hệ quân sự lâu đời với Washington.
Do đó, ngay cả trong trường hợp khó xảy ra là tỷ trọng USD giảm trong thương mại quốc tế và cơ cấu nợ, đồng bạc xanh vẫn có lợi thế để duy trì sự thống trị của mình.
Tuy nhiên, không nên hiểu sai vị thế vững chắc của USD với tư cách là một loại tiền tệ quốc tế bất khả xâm phạm. Về lâu dài, cách duy nhất Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với tài sản an toàn là mở rộng khả năng tài chính của mình. Điều này có thể làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào đồng bạc xanh, dẫn đến sự biến động và khủng hoảng tự hoàn thiện.
Sự phụ thuộc vào USD như một loại tiền tệ duy nhất cũng tạo ra sự mất cân bằng rõ ràng cho cả Mỹ và các quốc gia phụ thuộc. Nó làm cạn kiệt năng lực công nghiệp trong nước của nền kinh tế số 1 thế giới để đổi lấy việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng chính trị và quân sự của nước này ra bên ngoài.
Điều đó cho thấy rằng, trừ khi có sự thay đổi mang tính biến đổi về sức mạnh kinh tế và địa chính trị, USD của Mỹ có thể sẽ tiếp tục là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai gần.
Trong nhiều thế kỷ qua, một loại tiền dự trữ đã được thay thế bằng một loại tiền khác, nhưng điều đó sẽ không xảy ra ở thế kỷ này. Thế giới đang dần bước vào một hệ thống tiền tệ toàn cầu phi tập trung hơn, nơi USD của Mỹ sẽ giữ vị trí là đồng tiền dự trữ chính bên cạnh một số đối thủ cạnh tranh bao gồm cả đồng NDT của Trung Quốc. Một sự sắp xếp tự nhiên như vậy sẽ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế toàn cầu, nhưng Mỹ vẫn là bên hưởng lợi nhiều nhất.
| Giá tiêu hôm nay 14/6/2023, 35% lượng tiêu Việt xuất khẩu ‘hạ cánh’ tại thị trường hơn tỷ dân, xuất hiện yếu tố hỗ trợ giá Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tăng mạnh ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 70.500 – 73.500 đồng/kg. |
| Giá vàng hôm nay 13/6/2023: Giá vàng đi lên, nhạy cảm với ‘sức khỏe’ kinh tế Mỹ, sẽ có làn sóng bán tháo? Vàng SJC tăng Giá vàng hôm nay 13/6/2023, giá vàng tăng nhẹ do đồng USD yếu hơn khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào dữ liệu kinh ... |
| Bất động sản mới nhất: Cần Thơ muốn có thành phố sân bay, làm gì để tránh nếm ‘trái đắng’, khi nào lãi suất vay mua nhà mới giảm? Doanh nghiệp chịu áp lực khi dòng tiền khan hiếm, người vay mua nhà chờ đợi lãi suất hạ nhiệt, Cần Thơ muốn xây dựng ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (2-8/6): Doanh thu từ ngành phi dầu khí của Nga tăng, EU vẫn cấm ngũ cốc Ukraine, Moscow-Bắc Kinh hợp tác khí đốt Nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu tăng, Nga khẳng định thâm hụt ngân sách không vượt 2% GDP, EU gia hạn quy định hạn ... |
| EU thay đổi phương thức kiểm soát một số thực phẩm nhập từ Việt Nam Các loại mì ăn liền của Việt Nam được Liên minh châu Âu (EU) đưa từ phụ lục II sang phụ lục I với tần ... |