Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: Reuters) |
Theo ông Stoltenberg, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ vượt qua "một giới hạn rất quan trọng" nếu ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Tuy nhiên, liên minh quân sự này "sẽ không giải thích chính xác khối sẽ phản ứng như thế nào, nhưng về cơ bản, nó sẽ thay đổi bản chất cuộc xung đột".
Mặc dù vậy, ông Stoltenberg cho rằng, việc NATO có thể phải sử dụng vũ khí hạt nhân là "cực kỳ xa vời" bởi mục đích cơ bản của hoạt động răn đe bằng vũ khí hạt nhân của liên minh quân sự là duy trì hòa bình và ngăn chặn sự ép buộc chống lại các đồng minh.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhấn mạnh, sẽ có "những hậu quả nghiêm trọng nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào chống lại Ukraine".
Cùng ngày, trước khi diễn ra cuộc họp kín của Nhóm Kế hoạch Hạt nhân - cơ quan cấp cao chuyên xử lý các vấn đề chính sách liên quan lực lượng hạt nhân của NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tái khẳng định cam kết của Washington trong việc bảo vệ "từng tấc đất" của liên minh quân sự này.
Lời cam kết của Mỹ được đưa ra sau nhiều lần Tổng thống Nga Vladimir Putin để ngỏ việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine đã kéo dài gần 8 tháng.
Bên cạnh đó, cũng theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, không có điểm kết thúc cho hoạt động hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine.
Các nhà ngoại giao cho rằng những lời bóng gió của Moscow về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để bảo vệ các vùng lãnh thổ của Ukraine mới sáp nhập là nhằm hù dọa các nước phương Tây, buộc họ phải giảm bớt hỗ trợ cho Kiev.
Tuy nhiên, ngày 11/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã tuyên bố, Moscow không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đối với bất kỳ quốc gia nào và "các nước phương Tây chỉ đang đưa ra những luận điệu hạt nhân" nhằm khiến Nga bị hiểu lầm.