📞

Xung đột Nga-Ukraine: Phép thử đối với Trung Quốc khi phải ‘cân não’ giữa được và mất

Hải An 14:35 | 22/04/2022
Cách xử lý của Trung Quốc đối với xung đột Nga-Ukraine có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với quan hệ Nga-Trung mà còn đối với chính trị và kinh tế toàn cầu.
Xung đột Nga-Ukraine hiện nay đã chứng tỏ có lợi cho Trung Quốc theo những cách khác. (Nguồn: CNN)

Trong bài viết xuất bản ngày 22/4 trên internationalaffairs.org.au, tác giả Albin Thomas* nhận định rằng, bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trên thế giới cũng đều ảnh hưởng đến Trung Quốc và phản ứng của nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu này đối với xung đột Nga-Ukraine hiện nay cũng có ý nghĩa rất lớn.

Vị thế và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) và lớn thứ hai theo tỷ giá hối đoái thị trường. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng từ 1,2 nghìn tỷ USD (năm 2000) lên 17,7 nghìn tỷ USD (năm 2020).

Nếu những xu hướng trên tiếp tục diễn ra, Trung Quốc có tiềm năng vượt qua Mỹ trong vòng một thập niên tới.

Nền kinh tế lớn nhất châu Á đã trở thành công xưởng sản xuất của thế giới và thiết lập các liên kết thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng. Năm 2020, Fortune Global 500 đã liệt kê Trung Quốc là quốc gia có số lượng lớn nhất các công ty toàn cầu có giá trị nhất.

Mối quan hệ Nga-Trung đã được cải thiện đáng kể kể từ năm 2014, khi Moscow phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây do sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, Ukraine lại là một đối tác quan trọng của Sáng kiến ​​Vành đai và con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc và là cửa ngõ cho Bắc Kinh tiếp cận thị trường châu Âu.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có quan hệ hợp tác quân sự, không gian và công nghệ lâu dài với Ukraine.

Vì thế, phản ứng và cách xử lý của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với quan hệ Nga-Trung mà còn đối với chính trị và kinh tế toàn cầu.

Phản ứng của Trung Quốc

Trung Quốc đang theo dõi mức độ và cường độ của các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với Nga. Bắc Kinh cũng cố gắng phân tích tình hình để có thể giải quyết các lỗ hổng trong nền kinh tế nhằm bảo vệ nền kinh tế nước này khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây trong tương lai.

Theo đó, Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) cho các giao dịch bằng Nhân dân tệ khi Mỹ và các đồng minh, gồm cả Liên minh châu ÂU (EU) và Anh, quyết định ngắt kết nối các ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

Quốc tế hóa Nhân dân tệ là mục tiêu lâu dài của Trung Quốc, và cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể giúp nước này đạt được điều này. Tuy nhiên, hệ thống CIPS cung cấp dịch vụ thanh toán và các dịch vụ ngân hàng khác đối với giao dịch Nhân dân tệ, nhưng nó cũng dựa vào SWIFT để liên lạc quốc tế.

Mặc dù vậy, Bắc Kinh có thể thúc đẩy CIPS và giao dịch bằng Nhân dân tệ hơn nữa và đây vẫn sẽ là một giải pháp thay thế cho các kênh do phương Tây kiểm soát. Chẳng hạn như Saudi Arabia đang xem xét việc bán dầu cho Trung Quốc với các giao dịch thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ.

Trong những tuần qua, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (ngày 24/2), Trung Quốc đã có những hoạt động ngoại giao tích cực với những quốc gia bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết của Liên hợp quốc về vấn đề này. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Ấn Độ để tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước.

Cần nhớ rằng, mối quan hệ sau Chiến tranh lạnh giữa Bắc Kinh và Moscow dựa trên nguyên tắc phản đối quyền bá chủ của Washington.

Quan điểm với các liên minh và thể chế đa phương

Hội nghị thượng đỉnh BRICS (gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) diễn ra tại Trung Quốc, dự kiến từ ngày 23-24/6, sẽ trở nên rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Bắc Kinh chắc chắn sẽ cố gắng sử dụng nền tảng BRICS để tăng cường mối quan hệ với từng quốc gia thành viên.

Cũng cần lưu ý rằng Ngân hàng Phát triển mới (New Development Bank - NDB) do BRICS thành lập là ngân hàng phát triển đa phương duy nhất phê duyệt các dự án của Nga sau lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này năm 2014.

Xung đột Nga-Ukraine hiện nay đã chứng tỏ có lợi cho Trung Quốc theo những cách khác.

Đầu tiên, cuộc khủng hoảng đã chuyển sự chú ý của quốc tế khỏi các hành động của nước này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặt khác, nó phần nào ảnh hưởng tới sức mạnh của Bộ tứ (Quad) do vị thế khó xử của Ấn Độ với tư cách là đồng minh và đối tác thương mại của Nga.

Quan điểm của Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Đông Âu càng có ý nghĩa hơn nữa khi EU, bên đứng về phía Kiev và phản đối Moscow, là một đối tác thương mại quan trọng của Bắc Kinh. Do đó, Trung Quốc không khỏi lo ngại về việc hoạt động kinh doanh của các công ty nước này sẽ bị ảnh hưởng và gặp một số vấn đề tại thị trường EU.

Xung đột Nga-Ukraine đã phần nào đẩy nhanh sự xấu đi trong mối quan hệ EU-Trung Quốc, vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong vài năm qua. Điều này đã được thể hiện rõ tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 23 diễn ra ngày 1/4.

EU đã cố gắng thuyết phục Trung Quốc rằng họ không nên hỗ trợ Nga và thậm chí cảnh báo Bắc Kinh bằng các biện pháp trừng phạt. Không có tuyên bố chung và cuộc họp báo chung sau Hội nghị.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc dựa trên lợi ích cốt lõi của nước này và cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với Nga thể hiện điều đó. Tuy nhiên, đây là một phép thử thực sự đối với nền ngoại giao của Trung Quốc.

Làm thế nào để Trung Quốc bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình và chung sống hòa bình trong khi đối phó với áp lực quốc tế sẽ tiếp tục là một câu hỏi lớn chưa có lời giải cụ thể.

* Albin Thomas là nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Đông Á, Đại học Jawaharlal Nehru (JNU), Ấn Độ.

(theo internationalaffairs.org.au)