📞

Xung đột Nga-Ukraine: Serbia chịu áp lực vì không trừng phạt Nga, tiết lộ hành vi của tình báo nước ngoài tại Ukraine

Minh Vương 07:39 | 18/04/2022
Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić cho biết, nước này đang chịu sức ép thực sự của phương Tây do từ chối trừng phạt Nga vì xung đột Nga-Ukraine.
Nói về xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić cho rằng, nước này đã phải chịu áp lực từ phương Tây vì không trừng phạt Nga. (Nguồn: Sputnik)

Phát biểu trên kênh truyền hình TV Pink về ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine tới Serbia, ông Aleksandar Vučić nói: “Nếu chúng tôi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga... Tôi sẽ được mọi người tôn vinh, họ sẽ nói tôi là nhà dân chủ vĩ đại nhất trên thế giới, dù hôm qua họ còn gọi tôi là kẻ độc đoán...

Chúng tôi phải trả giá đắt khi không ủng hộ các biện pháp trừng phạt, đắt hơn những gì mà các bạn nghĩ. Và nếu chúng tôi áp đặt (các biện pháp trừng phạt), chúng tôi sẽ phải trả giá đắt vì nguyên tắc của chúng tôi là không ủng hộ các biện pháp trừng phạt bất cứ ai”.

Ông Vučić nhắc lại rằng, “Nga luôn ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Serbia kể từ năm 2001”, mặc dù Moscow đã tham gia lệnh cấm các chuyến bay qua Serbia trong giai đoạn 1992-1996.

Ông còn đề cập đến sự kiện Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết của Anh hồi năm 2015 (về tội ác diệt chủng ở Srebrenica) tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đồng thời khẳng định Serbia là quốc gia châu Âu duy nhất không áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Đồng thời, ông Vučić cũng tiết lộ các cơ quan tình báo nước ngoài từ Ukraine thường xuyên gửi tín hiệu về các thiết bị nổ trên máy bay của hãng hàng không quốc gia Air Serbia trong hành trình tới Nga.

Theo Tổng thống Vucic, vấn đề trên là do các cơ quan tình báo nước ngoài từ lãnh thổ của một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine gây ra, đồng thời khẳng định, “họ thực hiện hành động đó mọi lúc”.

Ông nhấn mạnh rằng, Air Serbia không thu được bất kỳ lợi nhuận nào từ các chuyến bay đến Nga, bởi những tín hiệu về thiết bị nổ đã khiến máy bay phải quay về từ biên giới Hungary và từ những nơi khác và “số tiền rất ít ỏi kiếm được đã biến mất”.

Trước đó, ngày 5/4, hành khách và nhân viên sân bay địa phương Nikola Tesla ở thủ đô Belgrade đã được sơ tán do thông tin về đặt bom. Ngày 11/3, một máy bay của Air Serbia, trong hành trình từ Belgrade đến Moscow, đã buộc phải quay trở lại sân bay khởi hành do bị đe dọa đánh bom.

Trong một tin liên quan, theo trang European Pravda, Ukraine đã đề nghị Moldova cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 ngay khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, song lãnh đạo Moldova từ chối. Chisinau cho rằng động thái này có thể sẽ khiến Moscow coi là hành động vi phạm nguyên tắc trung lập.

Hiện Bộ Quốc phòng Moldova được cho là đang sở hữu 6 máy bay chiến đấu MiG-29, nhưng đã không vận hành trong thời gian dài. Moldova đã nỗ lực bán lại số máy bay chiến đấu này, song chưa thành công.

(theo Sputnik)