Căng thẳng Nga-Ukraine: Tại sao đòn kinh tế không ngăn được quyết đoán của Tổng thống Putin? |
Ngày đầu tuần (21/2), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố công nhận bố độc lập của hai khu vực ly khai Donetsk và Luhansk ở Donbass, miền Đông Ukraine và gửi quân đến đó.
Ngày cuối tuần (24/2), ông Putin chỉ thị quân đội triển khai một "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở vùng Donbass, đẩy căng thẳng Nga-Ukraine "nóng rẫy".
Tên lửa đã khai hỏa, nhiều tiếng nổ lớn đã vang lên tại các thành phố ở Ukraine, Kiev tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao… một cuộc chiến tranh thật sự đã bắt đầu...
"Không có gì ngoài"... dầu khí
Bình luận của nhà kinh tế học Jason Furman được đưa ra khi phương Tây liên tiếp chuẩn bị các “đòn” trừng phạt kinh tế nặng nề đối với Nga khi nước này quyết đánh Ukraine.
Theo chuyên gia, dù các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ quốc tế có khả năng đẩy nền kinh tế Nga vào hỗn loạn, nhưng các biện pháp này cũng có thể gây tổn hại cho Mỹ, châu Âu và phần còn lại của thế giới, trong bối cảnh các nền kinh tế đều đang phải gồng mình trước lạm phát lên cao và giá năng lượng tăng vọt - một “tác dụng phụ” mà phương Tây hy vọng có thể giảm thiểu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh trừng phạt các khu vực ly khai - Donetsk và Luhansk - cấm công dân Mỹ tham gia vào bất kỳ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc đầu tư mới nào vào các khu vực này.
Ông cũng tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai tổ chức tài chính của Nga, gồm Ngân hàng VEB và Ngân hàng quân sự của nước này. Washington cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nợ công của Nga và 3 cá nhân thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.
Ngày 23/2, Bộ Tài chính Mỹ quyết định áp thêm lệnh trừng phạt đối với công ty Nord Stream 2 AG - nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga - và Giám đốc điều hành công ty này Matthias Warnig.
Trước đó, ngày 20/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng tiết lộ một số chi tiết về các lệnh trừng phạt mà Nga sẽ phải đối mặt nếu tấn công Ukraine.
Theo đó, bên cạnh việc cắt đứt Nga khỏi các thị trường tài chính quốc tế, phương Tây cũng sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với “tất cả hàng hóa do Liên minh châu Âu (EU) sản xuất mà Nga rất cần để hiện đại hóa và đa dạng nền kinh tế. Những mặt hàng này được cho là phương Tây hoàn toàn chi phối trên toàn cầu trong khi Moscow không thể có sự thay thế.
Các đồng minh của Mỹ như Đức, Anh và Nhật Bản… cũng đã đề cập các khả năng phát lệnh trừng phạt đánh vào kinh tế Nga, từ cấm phát hành trái phiếu, cắt đứt khả năng thanh toán và giao dịch, đóng băng tài sản cá nhân… nếu Điện Kremlin ra lệnh tấn công Ukraine.
Theo dữ liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), dù tính cả quy mô và sự dồi dào về nguyên liệu thô, nền kinh tế Nga chỉ ngang bằng với Brazil, hơn là so sánh với các quốc gia như Đức, Pháp và Anh. Kinh tế Nga cũng nhỏ hơn Italy và Hàn Quốc - hai quốc gia có dân số ít hơn một nửa.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học tên tuổi của Harvard Furman lưu ý, xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới.
Trong đó, theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), EU cần nhập khẩu khoảng 80% lượng khí đốt tự nhiên và Nga chiếm tới 41% khí đốt tự nhiên cùng 27% lượng dầu nhập khẩu ở châu lục này.
Trong bối cảnh giá năng lượng ở EU đã tăng từ 20 Euro lên 180 Euro/MWh trong năm qua, sự thiếu hụt lượng khí đốt và dầu nhập khẩu từ Nga có thể gây ra thảm họa cho khu vực này và rộng hơn là cả nền kinh tế toàn cầu qua các mối liên quan khác nhau.
Trong khi đó, tại Mỹ, giá xăng đã đạt mức cao nhất trong 7 năm, trung bình leo lên khoảng 3,50 USD/gallon, trong bối cảnh lạm phát năm qua đã tăng cao nhất 40 năm, ở mức 7,5%.
Mặt khác, nguồn cung Ukraine hiện chiếm 12% lượng ngũ cốc xuất khẩu của thế giới và ước tính cung cấp 16% lượng ngô xuất khẩu toàn cầu trong năm nay.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Vilsack tin, người tiêu dùng nước này phần lớn sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng người châu Âu sẽ phải đối mặt với "một câu chuyện khác".
Ông Vilsack khuyến cáo: "Bạn phải nhìn vào bối cảnh mà điều này sắp xảy ra, lạm phát đang ở mức cao, chuỗi cung ứng căng thẳng và sự không chắc chắn về những gì các ngân hàng trung ương sẽ làm trong tương lai gần”.
Điều tồi tệ đã đến?
Cuối cùng, điều mà kinh tế thế giới lo ngại cũng đã đến, giá dầu Brent chạm mốc 100 USD lần đầu tiên kể từ năm 2014, khi Nga phát động tấn công Ukraine. Giá dầu đã tăng 5%, giá khí đốt tự nhiên tăng 4,7%, ngay lập tức sau tin về hoạt động quân sự của Nga.
Giá cả mọi hàng hóa, từ dầu mỏ, ngũ cốc đến kim loại đều tăng nhanh do lo ngại "dòng chảy" hàng hóa sẽ bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều đó báo trước những thách thức mới cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu vốn đang phải vật lộn với áp lực giá cả tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Lale Akoner, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại BNY Mellon Investment Management, nhận định: “Dự báo biến động sẽ thực sự kéo dài trong vài tháng tới. Rủi ro địa chính trị đang bùng phát vào một 'thời điểm rất không thích hợp' vì thị trường đang vật lộn với các biện pháp kích thích phục hồi kinh tế sau suy thoái".
Nguồn cung cấp dầu và khí đốt dự phòng bị hạn chế trên toàn cầu, khiến việc Nga tấn công Ukraine trở thành một sự kiện có rủi ro địa chính trị nghiêm trọng.
Nhu cầu về dầu đã vượt xa tốc độ tăng trưởng sản xuất khi các nền kinh tế bắt đầu giai đoạn phục hồi sau thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch, thị trường hiện chỉ còn một vùng đệm nhỏ để giảm thiểu cú sốc nguồn cung năng lượng. Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới và nếu một cuộc xung đột ở Ukraine dẫn đến nguồn cung dầu khí từ Nga giảm đáng kể, thì sẽ rất nguy hiểm cho sự cân bằng cung và cầu toàn cầu.
Trên thực tế, các nhà phân tích cho rằng, hiện tại, khả năng nguồn cung năng lượng có thể bị gián đoạn nhiều nhất tại hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga. Moscow đang xuất khẩu khoảng 23 tỷ feet khối khí đốt/ngày, chiếm khoảng 25% thương mại toàn cầu và 85% lượng khí đốt đó đến châu Âu.
Dòng khí đốt tự nhiên của Nga đến châu Âu đã giảm hơn bình thường trong những tháng gần đây. Nếu Nga cắt giảm thêm nữa hoặc bị ngăn cản bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU sẽ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp thay thế.
Giá khí đốt của châu Âu gần đây đã đạt mức kỷ lục và do đó, thị trường đang hướng phần lớn tới nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dự phòng. Tuy nhiên, hầu hết các nguồn cung LNG của họ - từ Mỹ, Qatar và Australia - đều đang hoạt động hết công suất và có rất ít khả năng bổ sung.
Giới phân tích cho rằng, ngay cả khi Mỹ không nhắm mục tiêu trừng phạt vào ngành năng lượng Nga, thì các lệnh trừng phạt khác vẫn có thể có tác động trực tiếp đến thị trường hàng hóa.
Matthew Reed, nhà phân tích của công ty tư vấn Foreign Reports có trụ sở tại Washington, cho biết, các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính cũng có thể khiến việc cấp vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh năng lượng trở nên khó khăn hơn. Tất nhiên, ở phía bên kia, Nga cũng sẽ phải trả giá đắt nếu bị giảm lượng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, bởi khoảng một nửa ngân sách Liên bang gắn liền với dầu và khí đốt.
Căng thẳng vẫn đang được đẩy lên, chuyên gia Reed cho biết, hiện người ta lo ngại vòng trừng phạt thứ hai, nếu vòng đầu tiên không đủ "răn đe" Nga, Mỹ sẽ nhắm trực tiếp vào nguồn cung cấp năng lượng. Và khi đó, “Rủi ro thực sự không phải là vòng trừng phạt đầu tiên. Vòng thứ hai mới thật sự nguy hiểm, nếu họ thấy rằng vòng trừng phạt thứ nhất chỉ mất thời gian”.
| TIN VUI! Sanofi và Glaxo giới thiệu loại vaccine Covid-19 mới hiệu quả 100% Hai gã khổng lồ dược phẩm châu Âu Sanofi và Glaxo vừa thông báo về một loại vaccine Covid-19 mới do hai hãng cùng hợp ... |
| Giá vàng hôm nay 23/2: Giá vàng SJC xuyên đỉnh lịch sử, rủi ro địa chính trị áp đảo, vàng thế giới còn tăng? Giá vàng hôm nay 23/2 sẽ bảo vệ vững chắc đỉnh mới hay tiếp tục xác lập thêm một đỉnh lịch sử khác? Không ai ... |