Tình hình sau cuộc đảo chính ở Venezuela, với cục diện “Hai con hổ, một ngọn núi”, trở nên ngày càng bất ổn, đặc biệt sau cuộc “đảo chính” quân sự bất thành nhằm lật đổ Tổng thống đương nhiệm Maduro đã khiến Venezuela trở thành bài toán chưa có lời giải của cộng đồng quốc tế.
Từ xung đột nội bộ…
Ngày 30/4, được một “nhóm binh sĩ dũng cảm” hỗ trợ, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đã tiến hành đảo chính để tạo tiếng vang, kích động binh lính và dân thường nổi dậy chấm dứt sự cầm quyền của Tổng thống Maduro. Mặc dù đảo chính không thành, song lực lượng của Juan Guaido vẫn tiếp tục nhận được nguồn viện trợ dồi dào đến từ Mỹ.
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido (trái) và Tổng thống Venezuela đương nhiệm Nicolas Maduro. (Nguồn: Skynews) |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ hành động quân sự với Venezuela nếu “điều đó là bắt buộc”, đồng thời khẳng định Washington vẫn đang theo sát tình hình ở Caracas và giám sát “tình hình nhân quyền” tại đây. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc còn tuyên bố điều tàu bệnh viện quân sự USNS Comfort để thực hiện sứ mệnh nhân đạo và hỗ trợ giải quyết khủng hoảng ở cường quốc dầu mỏ này.
Trong khi đó, nhận được ủng hộ từ phía Nga và Trung Quốc cùng đa số tướng lĩnh Venezuela, Tổng thống Nicolas Maduro vẫn tiếp tục trụ vững, song lãnh đạo Venezuela đã thừa nhận những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt, tổ chức “ngày đối thoại” để “sửa chữa sai lầm” của Chính phủ và đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông cho biết sẽ sử dụng phương thức “phù hợp với Hiến pháp” để giải quyết bất đồng.
… tới cạnh tranh chiến lược
Đáng lo hơn, dưới sự can dự ngày càng sâu của nhiều quốc gia chủ chốt, quốc gia Nam Mỹ này đang trở thành địa bàn cọ xát và cạnh tranh chiến lược của các nước lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Sau cuộc đảo chính bất thành, trong một tuyên bố nhắm vào Nga, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định: “Tổng thống (Mỹ) có quyền hành động theo điều 2 Hiến pháp và tôi tin rằng bất cứ hành động nào chúng tôi thực hiện ở Venezuela đều hợp pháp”. Trong một tuyên bố khác ngày 5/5, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng khẳng định ông Maduro “sẽ không nằm trong kế hoạch tương lai của Venezuela”. Động thái này làm dấy lên lo ngại về một cuộc phiêu lưu quân sự của Washington nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị ở Caracas.
Trong khi đó, Moscow có lập trường trái ngược với Washington. Trước cáo buộc can thiệp của Mỹ, Nga cũng lên tiếng chỉ trích việc Mỹ hậu thuẫn thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, hướng tới lật đổ chính quyền hợp hiến của Tổng thống Nicolas Maduro, đẩy nước này đến bờ nội chiến.
Việc Moscow được cho là có điều động lực lượng tới Caracas đã tạt “gáo nước lạnh” vào Mỹ, trong khi Washington liên tiếp gia tăng sức ép buộc ông Maduro từ chức. Giải thích cho sự hiện diện của quân nhân Nga tại Venezuela, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Các chuyên gia quân sự Nga đang tham gia vào việc thực hiện các thỏa thuận trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Tất cả đều được thực hiện trên cơ sở các hiệp định song phương.”
Về phần mình, Trung Quốc được cho là có cùng quan điểm với Nga khi ủng hộ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Maduro. Bắc Kinh đã gửi viện trợ khẩn cấp 65 tấn thuốc men và dụng cụ phẫu thuật tới Venezuela ngay trước khi các cuộc đụng độ xảy ra ngày 30/4. Các xe bọc thép “Rhinoceros” trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng đối lập – quân đội đều là sản phẩm “Made in China” và sẽ xuất hiện nếu hai bên đụng độ một lần nữa.
Không khó để nhận ra Venezuela đã trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Trong khi Washington muốn thay đổi chế độ tại Caracas, Moscow và Bắc Kinh lại muốn duy trì chính quyền hợp pháp của Tổng thống Maduro, duy trì ảnh hưởng tại Nam Mỹ.
Ý chí và lợi ích
Thủ lĩnh đối lập Guaido hay Tổng thống Maduro đều khó chiến thắng toàn diện trong “trò chơi vương quyền” tại Caracas, khi cả hai đều nhận được hậu thuẫn lớn của các người chơi lớn, song lợi ích lại không nhỏ tại Venezuela. Khi đó, một cuộc đàm phán giữa chính quyền và phe đối lập, dưới sự bảo trợ của Mỹ, Nga và Trung Quốc, cùng với việc tổ chức tổng tuyển cử dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế là rất cần thiết nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Tuy vậy, những dấu hiệu gần đây cho thấy kịch bản đàm phán hòa bình tại Venezuela khó xảy ra khi cả ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đều chưa hội tụ. Thứ nhất, các phát ngôn gần đây của lãnh đạo chính phủ và phe đối lập cho thấy chưa sẵn sàng đối thoại, do lãnh đạo đối lập Venezuela bác bỏ mọi lời đề nghị thương lượng với Tổng thống Maduro trừ khi ông này chịu từ chức. Thứ hai, trong bối cảnh Mỹ, Nga và Trung Quốc đều có lập trường khác biệt trong vấn đề Venezuela, việc cả ba cường quốc cùng bắt tay bảo trợ đàm phán hòa bình khó có thể khả thi.
Xem ra các lực lượng chính trị tại Venezuela, dù hợp hiến hay “tự phong” đang bị cuốn vào vòng xoáy của xung đột, bạo động, trong khi người dân đang chật vật đối mặt với những khó khăn kinh tế thường nhật. Ở đây, cái giá phải trả khi ổn định chính trị đất nước không còn, an ninh quốc gia bị đe dọa mới đắt làm sao.