Xe bọc thép của Israel di chuyển dọc biên giới Israel-Gaza sau khi rời dải đất của Palestine vào ngày 17/4. (Nguồn: Getty) |
Hiện chưa có thông tin về số lượng thương vong. Tuy nhiên, bệnh viện Kuwait ở Rafah đã hầu như ngừng hoạt động.
Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) cho biết, khoảng 110.000 người đã chạy trốn khỏi Rafah để tìm nơi trú ẩn an toàn khi các cuộc bắn phá của Israel vào thành phố gia tăng. Trong số 34 điểm y tế của UNRWA ở Rafah, có 10 điểm đã buộc phải đóng cửa và 3 trung tâm y tế trong khu vực đang giảm công suất hoạt động.
* Cùng ngày (10/5), Nam Phi yêu cầu khẩn cấp Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ngăn chặn cuộc tấn công quân sự của Israel vào thành phố Rafah.
Trong yêu gửi tòa án, Nam Phi yêu cầu ICJ ra lệnh cho Israel "rút ngay lập tức và ngừng cuộc tấn công quân sự" ở Rafah. Nam Phi nêu rõ, Israel phải "ngay lập tức thực hiện mọi biện pháp hiệu quả để đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận không bị cản trở tới Gaza của Liên hợp quốc và các quan chức khác tham gia cung cấp viện trợ nhân đạo và hỗ trợ cho người dân Gaza".
Trong yêu cầu của mình, Nam Phi nói rằng, các biện pháp tạm thời được tòa án chỉ ra trước đây “không có khả năng giải quyết đầy đủ các tình huống đã thay đổi và các tình tiết mới”.
Nam Phi cũng yêu cầu tòa án thực hiện các biện pháp tiếp theo để "bảo vệ người dân Palestine ở Gaza khỏi những vi phạm nghiêm trọng và không thể khắc phục được đối với quyền của họ". Đây là yêu cầu mới nhất trong chuỗi yêu cầu được Nam Phi đệ trình lên ICJ liên quan đến xung đột Israel-Palestine.
Ngày 29/12/2023, Nam Phi đã nộp đơn lên ICJ để tiến hành các thủ tục tố tụng chống lại Israel liên quan cáo buộc vi phạm nghĩa vụ của nước này theo Công ước Diệt chủng năm 1948 về người Palestine ở Dải Gaza.
ICJ ngày 26/1 đã ra lệnh cho Israel thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn chặn các hành động diệt chủng chống lại người Palestine ở Dải Gaza.
Ngày 6/3, Nam Phi đã yêu cầu ICJ ban hành thêm mệnh lệnh khẩn cấp đối với Israel nhằm chấm dứt nạn đói lan rộng ở Dải Gaza.
Ngày 28/3, ICJ đã ra lệnh cho Israel làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng viện trợ cơ bản đến được với người dân Palestine ở Dải Gaza.
* Báo chí Ai Cập dẫn truyền thông Israel ngày 10/5 cho biết, Ai Cập đe dọa hủy bỏ Hiệp ước hòa bình nếu Israel không ngừng các hoạt động quân sự tại thành phố Rafah, ở phía Nam Dải Gaza.
Báo Maariv của Israel ngày 10/5 đưa tin, các quan chức Ai Cập đã thông báo cho Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns, đang ở thăm Cairo, rằng Mỹ phải gây áp lực mạnh mẽ buộc Israel phải chấm dứt hoạt động quân sự ở thành phố Rafah của Palestine và nối lại các cuộc đàm phán một cách nghiêm túc. Nếu không, Ai Cập sẽ hủy bỏ Hiệp định Trại David.
Theo báo Maariv, sau áp lực truyền thông ngày càng tăng từ phía Ai Cập kêu gọi hủy bỏ Hiệp định Trại David, các quan chức Israel đã bắt đầu liên lạc với những người đồng cấp Ai Cập để xác định tính chất, mức độ và tầm quan trọng của những yêu cầu này.
Ai Cập lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra vào tháng 10/2023 đã chỉ thị cho các tài xế xe tải chở hàng viện trợ rời khỏi khu vực cửa khẩu Rafah phía Ai Cập, đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh tại đó do lo ngại về tình trạng an ninh ngày càng xấu đi ở khu vực biên giới.
Vòng đàm phán mới nhất về lệnh ngừng bắn ở Gaza, diễn ra tại Cairo vào đầu tuần này với sự tham gia của các nhà hòa giải từ Ai Cập, Qatar và Mỹ, đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Sự mâu thuẫn về lập trường giữa Phong trào Hamas và Israel vẫn tồn tại khi Hamas nhất quyết yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch, trong khi Israel bác bỏ yêu cầu này.
Israel đang tìm kiếm một lệnh ngừng bắn để giải phóng các con tin còn sống từ Gaza, mà không có dấu hiệu chấm dứt xung đột với lực lượng Hamas. Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nhà hòa giải, phản đối hoạt động quân sự quy mô lớn của Israel ở thành phố Rafah.
Ngày 6/5, Hamas đã chấp nhận đề xuất ngừng bắn do các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar đưa ra. Tuy nhiên, các xe tăng của Israel đã tiến vào Rafah ngay sau đó và chính phủ Israel tuyên bố đề xuất này không đáp ứng được các điều kiện của họ.
* Hãng tin Wafa của Palestine ngày 10/5 cho biết, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc phát hiện các ngôi mộ tập thể ở Dải Gaza trong và xung quanh các cơ sở y tế Nasser và Al Shifa ở Gaza, nơi chôn cất hàng trăm thi thể, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và người già.
Trong một thông cáo báo chí, các thành viên HĐBA LHQ nhấn mạnh sự cần thiết phải xét xử các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi các nhà điều tra được phép tiếp cận không bị cản trở tất cả các vị trí của các ngôi mộ tập thể ở Gaza để tiến hành các cuộc điều tra độc lập, kỹ lưỡng, toàn diện, minh bạch và khách quan.
Các thành viên của HĐBA LHQ nhắc lại yêu cầu tất cả các bên tham chiến phải tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là liên quan đến việc bảo vệ dân thường và các vật thể dân sự.