Người Palestine ở Dải Gaza xếp hàng nhận thức ăn miễn phí hôm 9/1. (Nguồn: AP) |
Ngày 25/1, Reuters dẫn lời Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva (Thụy Sỹ) nêu rõ: "Chiến tranh không mang lại giải pháp, ngoại trừ thêm thương vong, thêm hận thù, thêm đau đớn, thêm tàn phá. Vì vậy, hãy chọn hòa bình và giải quyết vấn đề bằng giải pháp chính trị".
Ông nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước, bày tỏ "hy vọng cuộc chiến này sẽ kết thúc và chuyển sang một giải pháp thực sự”.
Cùng ngày, hãng thông tấn Anadolu đưa tin, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Bà Valtonen nói: "Thời gian tự vệ của Israel đã kết thúc. Tôi nói rất rõ ràng rằng thế là đủ rồi, dân thường ở Dải Gaza cần một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức".
Khi được hỏi liệu Israel có cần làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn thương vong cho dân thường ở Dải Gaza hay không, Ngoại trưởng Phần Lan nói: "Có, chắc chắn rồi. Israel cần mở thêm nhiều cửa khẩu biên giới để cho phép vận chuyển viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza".
Theo bà Valtonen, người dân ở Dải Gaza "cần được hỗ trợ nhân đạo càng nhanh càng tốt. Mọi người đang chết đói và không có nước uống sạch".
Tái khẳng định sự ủng hộ của Phần Lan với giải pháp hai nhà nước cũng như kế hoạch hòa bình của Liên minh châu Âu (EU), nhà ngoại giao nhấn mạnh: "Nếu các nước trong khu vực đồng ý về kế hoạch của EU, đó có thể là bước quyết định hướng tới một tương lai hòa bình".
Trong khi đó, các nước bảo lãnh cho lệnh ngừng bắn Syria (còn gọi là nhóm "Bộ ba" Astana) bao gồm Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, tình hình ở Gaza có tác động tiêu cực đến Damascus.
Sau cuộc họp lần thứ 21 kéo dài hai ngày của nhóm này, Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định trong tuyên bố chung sự cần thiết phải chấm dứt xung đột Isael-Hamas và cho phép viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza.
Ba nước trên cho rằng, tất cả các cuộc tấn công quân sự của Israel vào Syria là vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, "gây bất ổn và làm trầm trọng thêm căng thẳng”, đồng thời nhấn mạnh, theo các nghị quyết của Liên hợp quốc, Cao nguyên Golan được coi là "lãnh thổ của Syria bị chiếm đóng".