Hiện trường vụ tấn công khiến 7 tình nguyện viên WCK tử vong ngày 1/4. (Nguồn: EPA-EFE) |
Ngày 1/4, WCK, có trụ sở tại Mỹ, cho biết, nhóm của họ đang trên đường tới một khu vực "đã giảm xung đột" thì bị tấn công, khiến 7 tình nguyện viên thiệt mạng, trong đó có công dân Australia, Anh, Ba Lan.
WCK đã thông báo sẽ tạm dừng hoạt động sau vụ việc. Giám đốc điều hành WCK Erin Gore nhấn mạnh, đây không chỉ là cuộc tấn công nhằm vào tổ chức này, mà còn nhằm vào các tổ chức nhân đạo trong tình hình thảm khốc nhất. Ông khẳng định điều này là "không thể tha thứ được".
Ngày 3/4, trong thông điệp video đăng trên mạng xã hội X, người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Israel Herzi Halevi tuyên bố, “vụ việc này là một sai lầm nghiêm trọng”, đồng thời xác nhận quân đội đã "xác định sai mục tiêu" khi tiến hành không kích vào ban đêm "trong điều kiện rất phức tạp”.
Tổng thống Israel Isaac Herzog cũng xin lỗi về vụ không kích và có cuộc trao đổi với ông Jose Andres - một đầu bếp nổi tiếng ở Mỹ, đồng thời là một lãnh đạo WCK - để "bày tỏ chia buồn sâu sắc và gửi lời xin lỗi chân thành về mất mát này".
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thừa nhận, lực lượng vũ trang nước này đã "vô tình bắn vào những người vô tội".
Ông khẳng định, Israel đang "điều tra đến cùng" vụ việc và liên hệ với chính phủ của những người nước ngoài thiệt mạng, đồng thời cam kết thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo sự việc không tái diễn.
Các nước có công dân thiệt mạng trong vụ tấn công trên đều bày tỏ sự phẫn nộ và có hành động quyết liệt đối với Israel.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ngày 3/4 tuyên bố, vụ tấn công của Israel đã gây ra "nỗi tức giận có thể hiểu được" và làm căng thẳng quan hệ hai nước, đặt tình đoàn kết mà đa số người dân quốc gia Trung Âu này thể hiện với Israel sau cuộc tấn công của Hamas hồi tháng 10/2023 "trước một thử thách khó khăn".
Ngày 2/4, Thủ tướng Anh Rishi Sunak bày tỏ "sốc và đau buồn", đồng thời kêu gọi Israel khẩn trương điều tra và đưa ra lời giải thích về vụ việc.
Về phía Australia, nước này đã triệu tập Đại sứ Israel tại Canberra để yêu cầu giải thích và "chịu trách nhiệm" về vụ tấn công.
Liên quan dư luận quốc tế, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự "phẫn nộ và đau lòng" trước cái chết của các nhân viên cứu trợ WCK.
Ông nhận định việc phân phối hàng hóa viện trợ tại Dải Gaza đang gặp khó khăn do chính phủ Israel "chưa hành động đầy đủ" để bảo vệ các nhân viên cứu trợ tại đây.
Tổng thống Biden đồng thời hối thúc Israel yêu cầu các cá nhân liên quan vụ việc này giải trình cụ thể và những kết luận điều tra phải được thông báo công khai.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi "điều tra nhanh chóng, kỹ lưỡng và khách quan để hiểu chính xác những gì đã xảy ra”, nhấn mạnh rằng, Israel là phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ sinh mạng dân thường vô tội, dù là trẻ em Palestine hay nhân viên cứu trợ”.
Từ thủ đô Paris, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne nhấn mạnh: “Bảo vệ nhân viên cứu trợ là một mệnh lệnh đạo đức và pháp lý mà mọi người phải tuân thủ”. Ông đồng thời tuyên bố Pháp “lên án mạnh mẽ” và lưu ý "không có gì biện minh cho một thảm kịch như vậy".
Về phía Liên hợp quốc (LHQ), phát biểu trước Đại hội đồng ngày 3/4, Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết, cuộc xung đột hiện nay tại Dải Gaza đã cướp đi sinh mạng của 196 nhân viên cứu trợ, trong đó hơn 175 người làm việc cho LHQ.
Ông nhấn mạnh: "Điều này một lần nữa cho thấy sự cấp thiết về một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, thả tất cả con tin vô điều kiện và mở rộng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza - như Hội đồng Bảo an đã yêu cầu trong nghị quyết được thông qua hồi tuần trước. Nghị quyết này phải được thực thi ngay lập tức”.