Các ngoại trưởng Ấn Độ và Mỹ gặp nhau tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 28/7. (Nguồn: Socail News XYZ) |
Trả lời phỏng vấn đài NHK, Tổng thống Ukraine nói: "Kiên nhẫn, ủng hộ và gây sức ép ngoại giao là 3 yếu tố để chấm dứt xung đột một cách công bằng… Nếu Mỹ và các quốc gia châu Âu duy trì sự thống nhất, điều đó sẽ gây thêm sức ép và cho Moscow thấy rằng, họ không có cơ hội nào".
Theo ông, Kiev sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận chi tiết với các quốc gia có liên quan về toàn vẹn lãnh thổ và các vấn đề khác. Theo đó, kế hoạch hành động vì hòa bình sẽ sẵn sàng vào tháng 11 tới.
Nhà lãnh đạo này cho biết thêm, các quan chức Ukraine đã liên lạc với nhóm vận động tranh cử tổng thống của ứng cử viên Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Tuy nhiên, ông Zelensky nhấn mạnh sẽ không đáp lại các lời kêu gọi ngừng bắn chừng nào Nga vẫn tiếp tục kiểm soát các lãnh thổ Ukraine.
Hôm 15/6, Tổng thống Ukraine tuyên bố, kế hoạch hành động đã được nhất trí tại Hội nghị hòa bình về Ukraine ở Thụy Sỹ diễn ra khi đó sẽ được truyền đạt cho các đại diện của Nga để Hội nghị lần thứ hai có thể đảm bảo chấm dứt xung đột.
Ngày 14/7, theo Phó chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Ihor Zhovkva, Kiev mong muốn thúc đẩy thực hiện từng điểm trong số 10 điểm của Công thức hòa bình do ông Zelensky đưa ra, thông qua áp lực tập thể lên Nga của nhiều quốc gia trên thế giới, bất chấp việc Moscow không màng tới kế hoạch này.
Trong diễn biến liên quan xung đột, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại Tokyo, Nhật Bản, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của "hòa bình công bằng và lâu dài" đối với Kiev.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện thực hóa một nền hòa bình công bằng và lâu dài cho Ukraine phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc".
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh truyền thông Ấn Độ đưa tin, Thủ tướng nước này Narendra Modi có thể đang lên kế hoạch thăm Ukraine vào tháng 8. Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Modi tới quốc gia Đông Âu này kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở đây hồi tháng 2/2022.
Ấn Độ không chỉ trích Nga về cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời kêu gọi hai nước giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại và ngoại giao.
Ấn Độ cũng phản đối áp lực từ phương Tây nhằm tách New Delhi khỏi Moscow, viện dẫn mối quan hệ lâu dài với Nga và nhu cầu kinh tế của nước này.