Chuyên gia Ivan Timofeev cho rằng việc gia hạn New START không tạo đột phá cho quan hệ Nga-Mỹ. (Nguồn: interaffairs) |
Trong một bài phỏng vấn ngày 5/2, chuyên gia Ivan Timofeev, Giám đốc phụ trách dự án của Hội đồng Nga về các Vấn đề Quốc tế (RIAC), cho rằng việc gia hạn thỏa thuận Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) có ý nghĩa rất quan trọng và là bước đi tích cực, song sẽ không tạo ra cuộc cách mạng trong quan hệ Nga-Mỹ, cũng như không giúp hai bên giải quyết các mâu thuẫn đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác.
Theo chuyên gia Ivan Timofeev, việc gia hạn thỏa thuận New START là một sự kiện khá bất ngờ đối với nhiều người vì trước đó có không ít ý kiến tỏ ra nghi ngờ khả năng này. Về cơ bản, việc gia hạn thỏa thuận thêm 5 năm mang lại cho các bên một khoảng thời gian nhất định để tìm ra các thỏa thuận mới, hay nói đúng hơn là đàm phán về các tham số mới cho một thỏa thuận giữa các cường quốc hạt nhân.
Tuy nhiên, việc New START được duy trì không giúp làm giảm nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân vì hiệp ước này chỉ bao gồm một số phân khúc của vũ khí hạt nhân như vũ khí chiến lược, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa phóng từ tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược. Hiệp ước không bao gồm các tên lửa tầm trung và tầm ngắn vốn cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân. Mặc dù Liên Xô và Mỹ từng ký Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tâm trung (INF), song Mỹ đã rút khỏi hiệp ước này từ năm 2019.
Trên thực tế, một cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa đã bắt đầu từ năm 2002, và đã gần 20 năm không có hiệp ước nào quy định về các hoạt động này. Bên cạnh đó, thế giới cũng đang chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực vũ khí thông thường. Trước đây, châu Âu từng xây dựng một hiệp ước hạn chế vũ khí thông thường, với phạm vi là các loại xe tăng, xe thiết giáp, xe chiến đấu bộ binh, pháo binh... Tuy nhiên, hiệp ước này cũng đã hết hiệu lực.
Về việc triển khai New START trong thời gian tới, chuyên gia Ivan Timofeev tin tưởng hiệp ước sẽ tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm túc, bởi Nga và Mỹ nói chung tuân thủ các nghĩa vụ của họ với một thái độ thận trọng.
Các nhân tố bên ngoài như chương trình hạt nhân của Iran hay vấn đề hạt nhân Triều Tiên có một bản chất hoàn toàn khác và nhìn chung không ảnh hưởng gì đến việc triển khai New START trong thời gian tới.
Theo ông, biến số có thể xuất hiện nếu Mỹ khăng khăng yêu cầu Trung Quốc phải tham gia quá trình soạn thảo thỏa thuận mới. Bắc Kinh nhiều lần nói rằng họ không quan tâm đến việc đàm phán về văn bản này. Trung Quốc muốn có vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ không cho phép các thanh sát viên tiếp cận và kiểm tra ngành công nghiệp quốc phòng hoặc số lượng tên lửa mang đầu đạn,… trên lãnh thổ của họ. Trung Quốc cũng đã khẳng định lập trường không quan tâm đến bất kỳ thỏa thuận mang tính ràng buộc nào về giải trừ hạt nhân, kể cả vũ khí mang tính chiến lược hay vũ khí tầm trung và tầm ngắn.
Người Mỹ muốn Nga thuyết phục Trung Quốc tham gia New START, song Nga muốn Mỹ đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. Thời gian 5 năm không phải là quá dài để đàm phán một hiệp ước mang tầm chiến lược như vậy. Trong khi đó, Mỹ vẫn sẽ nỗ lực để lôi kéo càng nhiều nước càng tốt, kể cả Ấn Độ, tham gia vào việc kiềm chế Trung Quốc, có thể trên cơ sở chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Do đó, mâu thuẫn Trung-Mỹ nhiều khả năng vẫn sẽ gia tăng.
Dự báo về triển vọng quan hệ Nga-Mỹ, chuyên gia Ivan Timofeev cho rằng, việc hai bên nhất trí gia hạn New START chưa thể tạo động lực rõ ràng cho việc cài đặt lại toàn diện quan hệ Nga-Mỹ, và cũng không dẫn đến một cuộc cách mạng nào đó trong mối quan hệ song phương.
Mỹ và Nga cũng sẽ chưa thể sớm tìm ra cách giải quyết các mâu thuẫn và bất đồng về hàng loạt vấn đề song phương, từ cuộc khủng hoảng Ukraine, vấn đề Trung Đông, cho đến vấn đề can thiệp nội bộ, tấn công mạng… bởi đây là những vấn đề riêng biệt. Ivan Timofeev cho rằng sau nhiệm kỳ của Donald Trump, giờ có lẽ là thời điểm để "lành mạnh hóa" mối quan hệ Nga-Mỹ.
Mối quan hệ này từng có rất nhiều hạn chế dưới thời Trump, bao gồm cả vấn đề liên quan đến cá nhân nhà lãnh đạo Mỹ, với nhiều đồn đoán cho rằng ông là “người của Moscow”, rằng ông đã phản bội lợi ích của Mỹ.
Chính quyền Biden hiện tại có thể sẽ đưa ra những đánh giá tỉnh táo và cẩn trọng hơn. Do đó, vẫn có những cơ hội để cải thiện mối quan hệ song phương vốn đang ở trong tình trạng rất xấu.
Theo Ivan Timofeev, Nga và Mỹ tốt hơn cần có những bước đi cụ thể để đạt được nhượng bộ song phương, và đặc biệt là phải tôn trọng lợi ích của nhau.